Báo Đồng Nai điện tử
Thứ 5, 24/04/2025, 19:02 En

Phòng, chống tham nhũng: Cần những giải pháp đồng bộ

09:10, 17/10/2008

Đối tượng của tham nhũng có liên quan đến cán bộ, công chức. Do vậy, để phòng, chống tham nhũng hiệu quả đòi hỏi phải làm tốt công tác cán bộ, xây dựng nền hành chính dân chủ, công khai và minh bạch, phát huy vai trò giám sát của quần chúng nhân dân...

Đối tượng của tham nhũng có liên quan đến cán bộ, công chức. Do vậy, để phòng, chống tham nhũng hiệu quả đòi hỏi phải làm tốt công tác cán bộ, xây dựng nền hành chính dân chủ, công khai và minh bạch, phát huy vai trò giám sát của quần chúng nhân dân...

 

* Công khai, minh bạch để phòng, chống tham nhũng

 

Đồng Nai đã thực hiện việc thi tuyển công chức, bố trí, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ công khai, dân chủ từ nhiều năm qua. Bên cạnh đó, tỉnh chủ trương và rất kiên quyết trong thực hiện không sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm những người có hành vi tham nhũng, lãng phí. Đây được coi là một trong những biện pháp quan trọng để phòng, chống tham nhũng.

 

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng trong lần về làm việc tại Đồng Nai vào tháng 8-2008 đã chỉ đạo: "Công khai, minh bạch trong hoạt động hành chính là một trong những biện pháp phòng, chống tham nhũng hữu hiệu".

 

Một giải pháp được đánh giá "góp phần quan trọng trong phòng, chống tham nhũng" là thực hiện quyền tự chủ về tài chính, biên chế và giao khoán kinh phí hoạt động cho các cơ quan, đơn vị. Cách làm này trong những năm qua cho thấy, mọi cán bộ, nhân viên đều chủ động tiết kiệm sử dụng tài sản công như: xe, xăng, điện thoại, điện sinh hoạt... Từng đơn vị vì thế phát huy được vai trò, tiếng nói tập thể trong giám sát các hoạt động của cơ quan. Đồng Nai cũng sớm thực hiện việc minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Toàn tỉnh đã có 4.662/5.082 người thuộc diện phải kê khai tài sản. Nội dung kê khai được các cơ quan tổ chức và quản lý cán bộ lưu giữ để giám sát, xem xét khi đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.

 

Hàng năm, các nhiệm vụ, chỉ tiêu kinh tế xã hội, thu chi ngân sách, thu quỹ xã hội, quản lý và sử dụng đất... đều được các cơ quan, địa phương thông báo hoặc niêm yết công khai để người dân giám sát. Nhờ vậy, người dân kịp thời chỉ ra những khu đất bị lấn chiếm, những khoản thu bất hợp lý để cơ quan chức năng xử lý, điều chỉnh kịp thời. Cũng qua đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt và đến nay, công tác quy hoạch, sử dụng đất ở cả 3 cấp đã cơ bản hoàn thành. Đất đã "có chủ" thì những lãng phí, tham nhũng liên quan đến lĩnh vực này được kiểm soát chặt chẽ hơn.

 

Đồng chí Nguyễn Văn Vàng, Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh cho biết, công tác cải cách hành chính, mà cụ thể là công tác cải cách thủ tục giấy tờ và lựa chọn bố trí cán bộ có trình độ, đạo đức trực tiếp giải quyết hồ sơ, vụ việc cho người dân và doanh nghiệp rất được tỉnh chú trọng. Bộ phận "một cửa" và "một cửa liên thông" thực sự phát huy hiệu quả, góp phần làm trong sạch và lành mạnh hóa nền hành chính nhà nước. Tình trạng cán bộ hạch sách, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp đã giảm đáng kể.

 

* Tránh "đầu voi đuôi chuột"

 

Phòng ngừa là chính, nhưng một khi tham nhũng xảy ra thì người dân đòi hỏi cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm minh, đúng người đúng tội.

 

Hơn 2 năm qua, cơ quan chức năng trong tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết 269 đơn tố cáo liên quan đến cán bộ không thực hiện đúng chức trách khi làm nhiệm vụ, bao che sai phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ quyền hạn. Trong số đó có 48 đơn tố cáo đúng và 95 đơn có đúng, có sai. Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng rất quan tâm và chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiến hành thanh tra các lĩnh vực trọng điểm như: Quản lý tài chính ngân sách, đầu tư xây dựng, quản lý đất đai... Trong tổng số 952 cuộc thanh tra thì phát hiện sai phạm về kinh tế đến trên 270 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã vào cuộc và tiến hành xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm. Tiêu biểu như hai vụ tham nhũng trên địa bàn huyện Tân Phú và huyện Vĩnh Cửu thì Chủ tịch UBND hai huyện này đều bị cách chức và một người phải đi tù. Ngoài ra, còn hàng trăm cán bộ các cấp trong tỉnh cũng bị xử lý hành chính và Tòa án nhân dân hai cấp trong tỉnh đã đưa ra xét xử trên 60 bị cáo vì liên quan đến tham nhũng.

 

Điều đáng nói là, chưa có trường hợp nào liên quan đến tham nhũng được "cho qua" hoặc xử nhẹ khiến dư luận không đồng tình.

 

* Hạn chế chậm được khắc phục

 

Trên thực tế, rất ít vụ tham nhũng bị phát hiện từ nội bộ cơ quan, đơn vị hoặc thông qua vai trò giám sát của Mặt trật Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội. Phần lớn các vụ việc được đưa ra ánh sáng do qua công tác thanh tra phát hiện, báo chí phanh phui, người dân tố giác hoặc nội bộ mất đoàn kết "xì" ra ngoài. Đây là hạn chế đã được nhìn thấy nhưng chậm được khắc phục.

 

Đoàn thanh tra của tỉnh kiểm tra cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng tại TX. Long Khánh.

 

 

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, khâu phát hiện các vụ việc tham nhũng, tự kiểm tra phát hiện của các cơ quan, tổ chức và thông qua giám sát của HĐND các cấp vẫn còn yếu. Mặt khác, vai trò lãnh đạo, điều hành của một số cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu về công tác phòng, chống tham nhũng chưa đi vào chiều sâu trên cả hai mặt phòng ngừa và phát hiện, xử lý vi phạm. Mặc dù các Ban thanh tra nhân dân tại các cơ quan, đơn vị, địa phương đều có nhưng chưa phát huy vai trò, trách nhiệm. Và đáng lưu ý là, không ít cơ quan còn chậm giải quyết đơn tố cáo tham nhũng của công dân, khi xử lý thì thiếu kiên quyết, người tố cáo đúng chưa được bảo vệ. Một số vụ án tham nhũng tiến độ điều tra, truy tố, xét xử còn chậm khiến dư luận hoài nghi về bản chất vụ việc, quyết tâm phòng, chống tham nhũng của cấp ủy, chính quyền.

 

***

Cán bộ, đảng viên là đối tượng có liên quan đến các vụ án tham nhũng. Dù các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng không thiếu nhưng không ít người vẫn cố tình vi phạm. Đối với hành vi tiêu cực này thì khó thể đòi hỏi những người thoái hóa, biến chất tự tu dưỡng, rèn luyện. Do đó, dư luận đề nghị tổ chức Đảng, chính quyền các cấp phải đẩy mạnh đấu tranh phê bình nhằm làm trong sạch nội bộ; mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch các hoạt động hành chính để quần chúng nhân dân tham gia giám sát. Pháp luật cần điều chỉnh những quy định chặt chẽ và có biện pháp chế tài nghiêm minh về hành chính, hình sự và các cơ quan bảo vệ pháp luật phải chí công vô tư khi tiến hành xử lý mọi hành vi tham nhũng.

 

Trường Quân

 

 

Tin xem nhiều