
Từ tháng 8-2008 đến nay, tại khu vực xây dựng cầu Đồng Nai mới đã xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông đường thủy. Trong đó có 2 vụ phương tiện thủy va chạm vào hệ thống sàn, vách trụ cầu đang thi công và 1 vụ đụng vào cầu Đồng Nai cũ. Các vụ tai nạn này gây thiệt hại tổng cộng khoảng 2 tỷ đồng và làm chậm tiến độ xây dựng cầu Đồng Nai mới.
Từ tháng 8-2008 đến nay, tại khu vực xây dựng cầu Đồng Nai mới đã xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông đường thủy. Trong đó có 2 vụ phương tiện thủy va chạm vào hệ thống sàn, vách trụ cầu đang thi công và 1 vụ đụng vào cầu Đồng Nai cũ. Các vụ tai nạn này gây thiệt hại tổng cộng khoảng 2 tỷ đồng và làm chậm tiến độ xây dựng cầu Đồng Nai mới.
Khoảng 23 giờ ngày 5-8, sà-lan CT02465 neo đậu cách cầu Đồng Nai khoảng 1.000 mét ở hướng thượng nguồn đã bị trôi dạt. Sà-lan này đã va chạm vào sà-lan cẩu SG2032 đang neo đậu để thi công trụ cầu Đồng Nai mới. Cú va chạm làm sà-lan cẩu xô lệch 4 ống vách trụ cầu, bứt mối hàn đẩy nghiêng khỏi vị trí hai ống khác. Hậu quả làm chậm tiến độ thi công khoảng 30 ngày và thiệt hại khoảng 546 triệu đồng. Khoảng nửa tháng sau, lúc 1 giờ ngày 19-8, sà-lan cẩu LA-03072 thi công cầu Đồng Nai mới đã va chạm vào thanh giằng chéo phía hạ lưu cầu Đồng Nai cũ ở khoang số 6, nhịp số 5. Đến ngày 21-9, lúc 11 giờ 40 tàu dầu tự hành Thuận Yên 6-TG-4799 đi đến khu vực cầu Đồng Nai (từ hướng thượng nguồn) đã va quẹt vào hệ thống sàn đạo ống vách trụ T5 cầu đang thi công. Hậu quả làm lệch 3 trụ ống vách và ngã chìm một ống vách khác, thiệt hại khoảng 1,4 tỷ đồng.
Hiện nay, hàng ngày có hàng chục lượt sà-lan chở vật liệu xây dựng qua lại khu vực cầu Đồng Nai. Mỗi sà-lan có trọng tải trung bình khoảng 300 tấn trở lên (thường chở quá tải gấp đôi tải trọng) cùng với ghe tải vài chục tấn tạo nên lưu lượng đáng kể qua đoạn sông này. Khi nước ròng chảy từ hướng thượng nguồn ra có nhiều sà-lan chở đá xây dựng từ huyện Vĩnh Cửu, TP.Biên Hòa xuôi theo dòng qua khoang thông thuyền ở khu vực cầu Đồng Nai. Do cầu Đồng Nai mới chỉ cách cầu Đồng Nai cũ khoảng 5 mét và lại đang thi công nên khoang thông thuyền nơi đây bị thu hẹp. Theo Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy, việc điều khiển các phương tiện có sức chở từ 300 tấn trở lên qua lại khoang thông thuyền hẹp sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Qua ghi nhận thực tế, chúng tôi thấy đa số sà-lan thường chở quá vạch mớn nước an toàn (quá tải) càng làm cho việc lưu thông qua khu vực này trở nên nguy hiểm. Hiện nay, tình hình mưa lũ vẫn còn phức tạp, nước từ thượng nguồn đổ về làm cho dòng chảy mạnh nên việc tàu, ghe lưu thông qua khu vực xây dựng cầu Đồng Nai mới thêm hiểm nguy.
Để bảo đảm an toàn cho lưu thông đường thủy ở khu vực này, Đoạn quản lý đường sống số 10 đã đặt trạm điều tiết lưu thông ở hai đầu phía thượng nguồn và hạ nguồn qua cầu Đồng Nai. Tuy nhiên, để đảm bảo hơn cho việc lưu thông qua khu vực này, Công an Đồng Nai đã đề xuất giải pháp an toàn, đó là tổ chức lai dắt hỗ trợ tất cả các phương tiện thủy có tải trọng từ 300 tấn trở lên khi đi qua khu vực cầu Đồng Nai. Bên cạnh đó, Đoạn quản lý đường sông cũng lưu ý người điều khiển phương tiện thủy không được điều khiển phương tiện đi song hàng, phương tiện không được chở quá tải hoặc không đảm bảo an toàn, không chạy với vận tốc cao...
Thanh Toàn