
Mặc dù mới qua mùa mưa, lượng nước hòa tan còn tương đối lớn, lại đang triều cường, nhưng suốt hơn 10 km sông Thị Vải mà chúng tôi đi qua hiện lên một màu đen và rất hôi thối.
Mặc dù mới qua mùa mưa, lượng nước hòa tan còn tương đối lớn, lại đang triều cường, nhưng suốt hơn 10 km sông Thị Vải mà chúng tôi đi qua hiện lên một màu đen và rất hôi thối. Nhiều đoạn nước như đặc quánh lại bởi mặt váng sủi bọt. Chịu đựng được trong dòng nước hôi tanh này chỉ có cây mắm và mấy cây bần. Đây đó lác đác mấy chú cò đói kêu quang quác khi thuyền của chúng tôi đi qua - dù trước đây, dòng sông này từng là vựa cá tôm đủ loại, là khu nuôi trồng thủy sản sung túc.
* Sông Thị Vải: Đang bị ô nhiễm trầm trọng
Trong quá trình phát triển công nghiệp, sông Thị Vải được quy hoạch là nguồn tiếp nhận nước thải từ các KCN của Đồng Nai (ĐN) và Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT). Trong đó, ĐN có 6 KCN (KCN Nhơn Trạch 1, 2, 3, 5, KCN Dệt may, KCN Gò Dầu) và Công ty cổ phần Vedan, với tổng lượng chất thải là 15.500 m3/ngày đêm, BR-VT có 5 KCN (KCN Phú Mỹ 1, Mỹ Xuân A, Mỹ Xuân A2, Mỹ Xuân B1, Cái Mép) với tổng lượng chất thải khoảng 4.000m3/ngày đêm.
Tuy chất lượng nước mặt được cho phép là tiêu chuẩn B (nước dùng để tưới tiêu và nuôi trồng được thủy sản), thế nhưng gần chục năm nay, khi các cụm công nghiệp được xây dựng dọc theo lưu vực Thị Vải trực tiếp xả nước thải xuống sông đã làm biến đổi môi trường nước sông và các kênh rạch có liên quan trực tiếp với sông, làm suy giảm chất lượng nguồn nước. Hiện nhiều đoạn sông bị "chết" khi phải thường xuyên tiếp nhận lượng thải quá tải. Chẳng hạn, riêng Công ty cổ phần Vedan, lượng nước xả thải xuống sông Thị Vải khoảng 4.150 m3/ ngày đêm. Một số nhà máy xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt có nhiễm các chất hữu cơ, kim loại nặng, hóa chất độc hại và dầu mỡ từ các tàu thuyền cập cảng Gò Dầu...
Khi thuyền chúng tôi đến gần một số cống xả thải của các nhà máy Vedan, Supper phốt phát Long Thành, gạch men Taicera... những dòng nước hôi thối cuồn cuộn đổ ra. Ở cống xả của Công ty Vedan còn có khói bốc lên. Qua kết quả quan trắc tại chỗ của đoàn Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường (UB KH-CN và MT) Quốc hội, của Sở Tài nguyên và môi trường (TN-MT) Đồng Nai mới đây, hàm lượng ô-xy hòa tan (DO) ở sông Thị Vải xuống khá thấp, có chỗ dưới 1mg/lít nước, nhiều chỗ chỉ đạt 0,3mg/lít thay vì phải trên 6,5mg/lít (có những chỗ đo được 7,4 mg/lít). Riêng hàm lượng Coliform tại một số cống xả của KCN Nhơn Trạch 1 vượt tới 240 lần, Nhơn Trạch 2 vượt 430 lần, Công ty cổ phần Vedan vượt 150 lần và nước thải của công ty này có nhiệt độ vượt khoảng 1,20 lần. Không chỉ tầng nước mặt của sông Thị Vải bị "chết", mà ngay cả nền đáy của nhiều đoạn sông cũng "chết" vì thường xuyên bị tích tụ bùn và kim loại nặng. Mặt khác, do sông ngắn, độ dốc đáy sông nhỏ, ven sông là hệ sinh thái đất ngập nước, nước sông bị nhiễm mặn cũng như chế độ thủy triều phụ thuộc hoàn toàn vào triều biển Đông nên khả năng tự làm sạch của dòng sông rất hạn chế, hơn nữa, thời gian ô nhiễm kéo dài, lượng thải lớn, nhiều độc chất khiến cho diễn biến ô nhiễm tại sông Thị Vải càng thêm phức tạp.
* Phục hồi sông Thị Vải – vấn đề cấp bách!
Do ảnh hưởng bán nhật triều, nên khả năng tự làm sạch của dòng sông này rất hạn chế. Hơn nữa, tình trạng ô nhiễm lại kéo dài, đội ngũ quan trắc viên còn mỏng, nên sông Thị Vải mặc dù đã có cải thiện phần nào nhưng vẫn đang kêu cứu vì ô nhiễm trầm trọng . Thời gian qua, để giải quyết vấn đề này, lãnh đạo các tỉnh ĐN, BR-VT đã có nhiều biện pháp quản lý chặt chẽ hơn các nguồn xả thải vào sông Thị Vải cả về lượng thải, chất thải và quy trình xả thải, lợi dụng các hệ sinh vật (kể cả rừng ngập mặn) trong môi trường tương tác với hoạt động xả thải nhằm tìm kiếm giải pháp tăng cường khả năng tiếp nhận chất thải, tự làm sạch môi trường của dòng sông, nhưng hiệu quả chưa cao.
Kiến nghị với Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Phạm Khôi Nguyên (tại buổi làm việc với các tỉnh ĐN, BR-VT và TP. HCM về vấn đề ô nhiễm ở sông Thị Vải ngày 25-12-2005), ông Lương Thành Công, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh BR-VT cho biết: "Về phía Sở TN-MT, trong thời gian qua Sở cũng tổ chức kiểm tra, xử lý các vi phạm môi trường và kiến nghị với UBND tỉnh là có lộ trình bắt buộc đối với 3 KCN còn lại sang đầu năm 2006 phải hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải tập trung. Qua nhiều cuộc họp về vấn đề ô nhiễm sông Thị Vải, cho thấy rằng cần phải có sự kết hợp chặt chẽ trong quản lý, điều phối các hoạt động liên quan đến việc khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường sông Thị Vải.Vấn đề này cần một sự phối hợp lớn, không chỉ trách nhiệm giữa các tỉnh thành liên quan trong việc xử lý ô nhiễm mà Nhà nước cần có một chỉ đạo chung cho các địa phương. Đặc biệt là nên có quy định xử phạt khắt khe, nghiêm túc đối với những nhà máy xả nước thải ô nhiễm ra sông Thị Vải". Còn trong báo cáo tại cuộc họp với Thứ trưởng Phạm Khôi Nguyên, ông Phan Văn Hết, Phó giám đốc Sở TN-MT ĐN cũng kiến nghị: "Chính phủ nên có chính sách hỗ trợ giải quyết bằng sự chỉ đạo kết hợp chặt chẽ giữa quy hoạch phát triển và quy hoạch quản lý môi trường, cụ thể là xây dựng định mức (quota) xả thải vào sông Thị Vải cho từng nhà máy, từng KCN và đô thị trên lưu vực sông, nhất là sự phối hợp giữa các địa phương liên quan đến sông Thị Vải".
Đánh giá mức độ ô nhiễm của sông Thị Vải, Thứ trưởng Phạm Khôi Nguyên đã nhận định: "Qua khảo sát của đoàn thanh tra môi trường cho thấy mức độ ô nhiễm sông Thị Vải đã đến mức báo động. Chất lượng nước sông Thị Vải xuống cấp quá nhanh, ít có lưu vực sông nào xuống cấp nhanh như thế. Khách quan là do sông Thị Vải là một vịnh hẹp, khả năng tự làm sạch kém. Nhưng chủ quan là do sự thiếu sự phối hợp giữa các địa phương, việc bố trí các KCN dọc theo lưu vực sông là không phù hợp". Thứ trưởng Phạm Khôi Nguyên yêu cầu các tỉnh: ĐN và BR-VT cần xử lý triệt để các doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường. Những ngành công nghiệp nào gây ô nhiễm thì dứt khoát không cho đầu tư dọc theo sông Thị Vải, tiếp tục xem xét và đưa vào "danh sách đen" (đợt 2) những doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường theo quyết định 64/CP. Đồng thời phải xử lý ô nhiễm ngay từ trên bờ, không để xuống sông mới khắc phục. Bộ cũng tạm cho phép thành lập một tổ thường trực bảo vệ sông Thị Vải, giao cho tỉnh BR-VT làm chủ tịch (dưới sự hướng dẫn của Bộ), ĐN và TP.HCM là thành viên. Trong chỉ đạo, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, sẽ kéo các cơ quan truyền thông vào cuộc để "đánh" vào những doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường.
Phải nói rằng, do ý thức bảo vệ môi trường của người dân và cộng đồng hiện nay chưa cao; Luật BVMT và các văn bản dưới Luật mặc dù đã được ban hành nhưng chưa thực sự đi vào cuộc sống; hơn nữa, với cơ chế hành chính cấp tỉnh, thành như hiện nay rất khó giải quyết những vấn đề môi trường phát sinh mang tầm khu vực. Và, một trong những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ và phục hồi sông Thị Vải là đẩy mạnh xã hội hóa bằng cách thành lập ngay một tổ chức lưu vực sông. Bởi, sự giám sát của người dân sẽ kịp thời hơn nhiều so với các cơ quan chức năng. Nếu làm tốt, trong vòng 5-10 năm tới, chúng ta mới có thể khắc phục được tình trạng ô nhiễm sông Thị Vải - con sông huyết mạch trong hệ thống sông Đồng Nai đối với sự phát triển kinh tế của cả ĐN, BR-VT và TP. HCM. Tuy nhiên, trong quá trình công nghiệp hóa chính, việc đi theo lộ trình "tăng trưởng trước, dọn sạch sau" nên chúng ta đã và đang phải trả giá. Do đó, tìm biện pháp hồi phục sông Thị Vải là vấn đề cấp bách, dù không được như xưa, nhưng ít nhất cũng không làm nó phải tiếp tục ô nhiễm quá nặng nề như hiện nay.
Phương Liễu