Báo Đồng Nai điện tử
En

'Phủ sóng' các điểm bán hàng nhu yếu phẩm bình ổn giá

10:08, 11/08/2021

Hiện nay, các huyện, thành phố trên địa bàn Đồng Nai đang đẩy mạnh cập nhật, triển khai các điểm bán hàng bình ổn giá, các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa để thay thế chợ tạm ngừng hoạt động để phục vụ nhu cầu mua sắm nhu yếu phẩm của người dân.

Hiện nay, các huyện, thành phố trên địa bàn Đồng Nai đang đẩy mạnh cập nhật, triển khai các điểm bán hàng bình ổn giá, các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa để thay thế chợ tạm ngừng hoạt động để phục vụ nhu cầu mua sắm nhu yếu phẩm của người dân.

Một điểm bán nhu yếu phẩm thiết yếu bình ổn giá do TP.Biên Hòa triển khai trên địa bàn P.Thống Nhất
Một điểm bán nhu yếu phẩm thiết yếu bình ổn giá do TP.Biên Hòa triển khai trên địa bàn P.Thống Nhất. Ảnh: H.Quân

* Triển khai các điểm bán hàng thiết yếu

Theo Sở Công thương, hiện toàn tỉnh có 148 chợ. Trong đó, qua nắm bắt tình hình ở các địa phương, tính đến nay, có 70/148 chợ đang tạm ngưng hoạt động để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Cụ thể, có 4 chợ hạng 1, 18 chơ hạng 2 và 48 chợ hạng 3, trong đó có 40 chợ tạm ngưng hoạt động do quyết định cách ly y tế của cấp có thẩm quyền. Ngoài ra, đã có 2 chợ hoạt động trở lại, đó là chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (H.Thống Nhất) hoạt động trở lại từ ngày 22-7 và chợ Phú Hữu (H.Nhơn Trạch) hoạt động trở lại từ ngày 29-7.

Sở Công thương đã ban hành văn bản đề nghị các địa phương tổ chức khảo sát và lựa chọn các điểm bán hàng thiết yếu thay thế chợ tạm ngưng hoạt động, điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa ở xã/phường/thị trấn/khu vực bị cách ly y tế hoặc chợ tạm ngưng hoạt động.

Theo Sở Công thương, tính đến nay, hệ thống các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, điểm bán hàng thiết yếu, điểm bán hàng bình ổn giá, điểm bán hàng lưu động trên địa bàn tỉnh vẫn đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân với sức mua khá ổn định. Cùng với đó, người dân ở nhiều địa phương đã được phát phiếu đi chợ và thực hiện mua hàng hóa thiết yếu theo thời gian quy định.

Đến nay, qua cập nhật, rà soát từ các huyện, thành phố, trên địa bàn tỉnh hiện có 103 điểm bán hàng thiết yếu thay thế chợ đang hoạt động. Các địa phương cũng thiết lập 375 điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa. Đối với một số địa phương chưa có chợ phải ngừng hoạt động cũng có dự phòng các điểm bán hàng thiết yếu thay thế cho trường hợp chợ phải tạm đóng cửa để phòng, chống dịch bệnh.

Theo ông Bùi Văn Thìn, Giám đốc HTX Thương mại - dịch vụ Suối Cát, Trưởng ban quản lý chợ Suối Cát (H.Xuân Lộc), chợ Suối Cát tạm dừng hoạt động từ ngày 27-7 để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Hiện nay, nhằm đáp ứng nhu cầu mua hàng hóa thiết yếu của người dân, địa phương đã bố trí điểm bán hàng thay thế cho chợ tại Nhà văn hóa xã từ đầu tháng 8. Điểm bán hàng này có 11 sạp bán các loại nhu yếu phẩm gồm: 4 sạp thịt, 2 sạp cá và 5 sạp bán rau củ quả. Điểm bán hàng áp dụng phiếu đi chợ cho người dân địa phương đến mua sắm theo ngày chẵn - lẻ, tuân thủ nguyên tắc 5K, phân luồng mua sắm theo 1 chiều vào và 1 chiều ra để đảm bảo khoảng cách.

Ngoài ra, ở một số địa phương còn có điểm bán hàng lưu động. Nhiều xã, phường còn triển khai thêm các gian hàng bán nhu yếu phẩm, rau củ quả với giá bình ổn do Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ… phụ trách để phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn. Trên địa bàn tỉnh còn có hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi của hệ thống: Bách Hóa Xanh, Vinmart…, các cửa hàng tạp hóa bán hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu cho người dân.

Phó chủ tịch UBND P.Long Bình Tân (TP.Biên Hòa) Trương Văn Khiêm chia sẻ, phường đã khảo sát, triển khai những điểm bán hàng thực phẩm thiết yếu với giá bình ổn ở các khu phố trong phường để phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn phường. Các điểm bán hàng này được yêu cầu tuân thủ các biện pháp an toàn phòng, chống dịch của địa phương, thực hiện nguyên tắc 5K và quy định của phường.

* Các tổng công ty vào cuộc

Đặc biệt, để cung cấp kịp thời lương thực, thực phẩm đến người dân trong tỉnh, UBND tỉnh đã có văn bản giao Tổng công ty Tín Nghĩa, Tổng công ty CP Phát triển khu công nghiệp (Sonadezi) và Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) triển khai các quầy hàng lương thực, thực phẩm (thịt, rau củ quả…) bình ổn giá.

Một điểm bán hàng bình ổn giá ở P.Long Bình Tân (TP.Biên Hòa). Ảnh: Địa phương cung cấp
Một điểm bán hàng bình ổn giá ở P.Long Bình Tân (TP.Biên Hòa). Ảnh: Địa phương cung cấp

Theo Sở Công thương, tính đến nay, riêng các tổng công ty nói trên đã triển khai 31 điểm bán hàng nhu yếu phẩm bình ổn giá. Trong đó, Tổng công ty Tín Nghĩa triển khai 13 điểm, Sonadezi 13 điểm và Dofico 5 điểm.

Ông Trần Đăng Ninh, Phó tổng giám đốc Dofico, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Bửu Long cho biết, hiện Dofico đã triển khai 5 điểm bán hàng lương thực, thực phẩm bình ổn giá cố định trên địa bàn các phường ở TP.Biên Hòa gồm: Quyết Thắng, Thanh Bình, Bửu Long, Tân Hạnh, Hóa An và 1 điểm bán hàng lưu động ở P.Bửu Hòa.

Bên cạnh đó, để giúp người dân thuận lợi trong việc mua lương thực, thực phẩm, Dofico còn triển khai thêm hình thức nhận đơn hàng online thông qua số điện thoại 092.999.1113. Hình thức bán hàng online áp dụng cho các phường: Bửu Long, Quang Vinh, Hòa Bình, Thanh Bình, Tân Hạnh, Tân Vạn, Hóa An, Bửu Hòa, Quyết Thắng và Hiệp Hòa.

Phó giám đốc Sở Công thương Lê Văn Lộc chia sẻ, Sở sẽ phối hợp với các địa phương cập nhật nhu cầu thực tế của người dân để rà soát, triển khai các địa điểm bán hàng thiết yếu, bình ổn giá; điều phối nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân, nhất là đối với những khu vực cách ly y tế.

Hải Quân

Tin xem nhiều