Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi nào các chợ tạm đóng cửa có thể hoạt động trở lại?

10:08, 18/08/2021

Đầu tháng 8, Bộ Công thương đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc hướng dẫn bố trí địa điểm tạm thời và mở lại chợ sau thời gian tạm thời đóng cửa để bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19.

Đầu tháng 8, Bộ Công thương đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc hướng dẫn bố trí địa điểm tạm thời và mở lại chợ sau thời gian tạm thời đóng cửa để bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19.

Chợ Tân Biên (TP.Biên Hòa) đang tạm ngừng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19 (Ảnh chụp vào ngày 10-7). Ảnh: L.Phương
Chợ Tân Biên (TP.Biên Hòa) đang tạm ngừng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19 (Ảnh chụp vào ngày 10-7). Ảnh: L.Phương

* Cần tiêm vaccine phòng Covid-19 cho tiểu thương

Theo đó, Bộ Công thương đề nghị các địa phương rà soát, chỉ đạo việc đánh giá để mở cửa trở lại đối với các chợ tạm thời đóng cửa do có ca nhiễm Covid-19. Trong đó, lưu ý việc 100% tổ chức, cá nhân quản lý chợ, người bán hàng, người lao động tại chợ (làm việc tại chợ) đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng Covid-19.

Theo Sở Công thương, tính đến nay, toàn tỉnh hiện có 72 chợ đang tạm ngưng hoạt động để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, có 4 chợ hạng 1, 18 chợ hạng 2 và 50 chợ hạng 3, trong đó có khoảng 40 chợ tạm ngưng hoạt động thực hiện quyết định cách ly y tế của cấp có thẩm quyền. Riêng TP.Biên Hòa đã tạm đóng cửa 34 chợ, trong đó có 3 chợ hạng 1, 8 chợ hạng 2 và 23 chợ hạng 3.

Sở Công thương đã có công văn gửi các địa phương trong tỉnh để rà soát, báo cáo kết quả kiểm tra, đánh giá chợ và đề xuất, kiến nghị các giải pháp để sớm đưa chợ trở lại hoạt động đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định; cũng như tổng hợp danh sách các đối tượng đăng ký tiêm vaccine phòng Covid-19 ở các chợ trên địa bàn. Các báo cáo, đề nghị này gửi về Sở Công thương trước ngày 20-8-2021.

Trên thực tế hiện nay, tình hình dịch bệnh ở nhiều địa phương đang diễn biến phức tạp nên nhiều huyện, thành phố vẫn tạm thời đóng cửa các chợ truyền thống và bố trí những điểm bán hàng thiết yếu, bình ổn giá thay thế nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Ngoài ra, tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh chưa tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 cho hộ kinh doanh tại chợ nên các chợ đang tạm đóng cửa sẽ gặp khó khăn để đáp ứng được điều kiện nói trên. Do đó, Sở Công thương đã kiến nghị nội dung ưu tiên tiêm vaccine cho cho hộ kinh doanh tại chợ để có thể đáp ứng điều kiện cơ bản nhất để mở lại chợ.

Ông Phạm Ðình Khiêm, phụ trách quản lý chợ Vĩnh An (H.Vĩnh Cửu) chia sẻ, từ ngày 9-7 đến nay, chợ đã tạm ngưng tất cả các hoạt động kinh doanh, dịch vụ để phòng, chống dịch Covid-19. Vừa qua, chợ đã đăng ký danh sách tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho khoảng 200 tiểu thương, người làm việc tại chợ. Các tiểu thương của chợ mong muốn sớm được tiêm vaccine mũi 1, có phương án rà soát, chuẩn bị các điều kiện cần và đủ để chợ được hoạt động trở lại khi tình hình dịch bệnh trên địa bàn được kiểm soát.

Phó giám đốc Sở Công thương Lê Văn Lộc chia sẻ, để các chợ đang tạm đóng cửa thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 được phép hoạt động trở lại thì điều kiện đầu tiên là 100% tổ chức, cá nhân quản lý chợ, người bán hàng, người lao động tại chợ đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa Covid-19.

Theo ông Lộc, Sở đã có văn bản đề nghị phòng kinh tế/kinh tế - hạ tầng các huyện, thành phố trong tỉnh phối hợp với các phòng, ban, UBND cấp xã, các đơn vị quản lý chợ trên địa bàn tổ chức rà soát, tổng hợp, đăng ký danh sách hộ kinh doanh cố định (thường xuyên) tại chợ theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để tổng hợp danh sách đối tượng thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19 theo thứ tự ưu tiên khi được Sở Y tế cung ứng vaccine tiêm chủng.

Ông Hoàng Văn Đức, đại diện Ban quản lý chợ Tân Biên (TP.Biên Hòa) cho hay, Ban quản lý chợ đã đăng ký danh sách tiêm vaccine phòng Covid-19 cho 100% tiểu thương cho Phòng Kinh tế TP.Biên Hòa, ngoài ra còn có một số tiểu thương đã chủ động đăng ký tiêm vaccine phòng Covid-19 tại địa phương. Tùy vào diễn biến dịch bệnh ở địa phương và tiến độ tiêm vaccine cho các tiểu thương, người làm việc tại chợ, Ban quản lý chợ sẽ có đề xuất, chuẩn bị các phương án, điều kiện cần thiết để đáp ứng những tiêu chí, quy định cho phép chợ hoạt động trở lại. Bà con tiểu thương cũng mong chờ tình hình dịch bệnh sớm được kiểm soát, hoạt động giao thương sớm được kết nối trở lại để ổn định cuộc sống, công ăn việc làm…

* Yêu cầu tuân thủ đồng bộ các quy định về phòng, chống dịch Covid-19

Bộ Công thương cũng yêu cầu người làm việc tại chợ (trước khi quay trở lại làm việc) phải được xét nghiệm SARS-CoV-2 (bằng phương pháp RT-PCR) và có kết quả âm tính còn hiệu lực. Đồng thời, triển khai vệ sinh, khử khuẩn toàn bộ chợ và xung quanh chợ theo quy định.

Ngoài ra, Bộ còn đề nghị các địa phương cần có biện pháp kiểm soát tốt người làm việc tại chợ. Người làm việc tại chợ phải khai báo y tế hằng ngày; không đi làm việc nếu có một trong các triệu chứng như: mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở hoặc đang trong thời gian cách ly tại nhà theo yêu cầu của cơ quan y tế… Cần tổ chức kiểm soát tốt người mua bán tại chợ, người làm việc tại chợ phải khai báo y tế trước khi vào chợ (bằng mã QR hoặc thẻ ra vào chợ…); tổ chức đo thân nhiệt tại khu vực cửa vào chợ; sát khuẩn tay; đeo khẩu trang và giữ khoảng cách theo quy định; bố trí biển báo quy định phòng, chống dịch đối với khách hàng, bố trí đầy đủ nước sát khuẩn tay; bố trí khu vực xếp hàng vào chợ có kẻ vạch giãn cách giữa các khách hàng theo quy định.

Địa phương cần có biện pháp kiểm soát tốt mật độ người mua bán tại các chợ như: bảo đảm quy định phòng, chống dịch, giữ khoảng cách an toàn theo quy định. Tại các cửa hàng, gian hàng cần kẻ vạch giãn cách giữa khách hàng với người bán hàng và giữa các khách hàng theo quy định; có biện pháp kiểm soát tốt xe vận chuyển hàng hóa vào chợ. Các xe vận chuyển hàng hóa ra vào chợ phải có nhật ký hành trình di chuyển để cơ quan chức năng kiểm tra khi cần thiết; cài đặt Bluezone, phần mềm khai báo y tế. Riêng đối với chợ đầu mối, bố trí khu vực xét nghiệm nhanh tại chợ (nếu có thể), cần cung cấp các trang thiết bị cần thiết cho phòng, chống dịch tại chợ.

Đồng thời, địa phương cần xem xét lập tổ tăng cường hỗ trợ phòng, chống dịch tại chợ, bố trí số điện thoại hotline 24/24 giờ để tiếp nhận và hỗ trợ liên quan đến công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, đánh giá lại và xếp loại đánh giá nguy cơ: thực hiện tốt, ít nguy cơ lây nhiễm (từ 80-100 điểm) theo Hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 tại chợ trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo Công văn số 5858/BYT-MT ngày 21-7-2021 của Bộ Y tế.

Lam Phương

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích