Chỉ vì thiếu hiểu biết và cũng bởi lòng tham mà 6 bị cáo đã rơi vào vòng lao lý với mức án nặng, trong đó có người đã ở tuổi "gần đất, xa trời".
Chỉ vì thiếu hiểu biết và cũng bởi lòng tham mà 6 bị cáo đã rơi vào vòng lao lý với mức án nặng, trong đó có người đã ở tuổi “gần đất, xa trời”.
Bị cáo Phạm Ngọc Xuyến tại phiên tòa xét xử ngày 17-7 Ảnh: T.TÂM |
Chiều 17-7, TAND tỉnh đã tuyên phạt các bị cáo nguyên là lãnh đạo và nhân viên Quỹ Tín dụng nhân dân (TDND) Gia Kiệm (xã Gia Kiệm, H.Thống Nhất) gồm: Phạm Ngọc Xuyến (67 tuổi, nguyên giám đốc) 13 năm tù; Trần Ngọc Hưng (78 tuổi, nguyên thủ quỹ) 10 năm tù; Nguyễn Tiến Dũng (46 tuổi, nguyên kế toán trưởng) 10 năm tù; Vũ Thanh Hà (63 tuổi, nguyên cán bộ tín dụng), Trần Uy Quyền (61 tuổi, nguyên kiểm soát viên) và Trần Hiến Minh (60 tuổi, nguyên kiểm soát viên) cùng 12 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
* Kinh doanh lỗ vẫn làm
Đứng trước phiên tòa xét xử liên quan đến sai phạm tại Quỹ TDND Gia Kiệm đều là các bị cáo lớn tuổi, có người tóc đã bạc, mắt mờ, chân yếu. Chỉ vì thiếu hiểu biết trong quản lý, điều hành quỹ tín dụng và một phần bởi lòng tham mà các bị cáo phải sống trong trại giam suốt một thời gian dài.
Bị cáo Xuyến khai nhận, bị cáo là một trong số những người được nhận vào Quỹ TDND Gia Kiệm làm việc từ khi quỹ mới thành lập. Từ năm 2011-2019, bị cáo Xuyến làm giám đốc của Quỹ TDND Gia Kiệm. Trong khoảng thời gian điều hành hoạt động của quỹ này, bị cáo đã ký khống rất nhiều hồ sơ.
Cụ thể, khi đến hạn tất toán hợp đồng, bị cáo Xuyến cùng các bị cáo: Hưng, Hà, Quyền, Minh, Dũng lập và ký hồ sơ tín dụng vay mới để thay thế hợp đồng tín dụng vay trước; không đưa tiền gửi của hơn 90 khách hàng vào hoạt động cho vay để sinh lời mà chiếm đoạt tiền tiêu xài cá nhân, dẫn đến hoạt động thu không đủ bù chi, phải lấy tiền của người gửi sau chi trả tiền gốc và lãi cho khách hàng gửi trước…, làm thâm hụt số tiền hơn 33,7 tỷ đồng.
HĐXX buộc 6 bị cáo phải bồi thường tổng số tiền hơn 22,8 tỷ đồng. Riêng 2 bị can: Vũ Văn Hòa (nguyên Chủ tịch HĐQT Quỹ TDND Gia Kiệm) và Nguyễn Văn Lợi (nguyên Trưởng ban Kiểm soát Quỹ) phải nộp lại gần 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, 2 bị can Hòa và Lợi đã chết nên dành quyền khởi kiện cho Quỹ TDND Gia Kiệm bằng một vụ án dân sự khác. HĐXX cũng dành quyền khởi kiện cho 91 khách hàng gửi tiền tại Quỹ với tổng số tiền gửi hơn 30 tỷ đồng. |
Ngoài số tiền các bị cáo vay và làm hồ sơ khống để hợp thức hóa giấy tờ, nguyên nhân làm thất thoát số tiền lớn nêu trên còn do từ năm 2008, Quỹ TDND Gia Kiệm bắt đầu thua lỗ nhưng các bị cáo vẫn thường xuyên cho nhân viên ứng lương, thưởng Tết, tổ chức đi du lịch, chia cổ tức, cổ phần và tiếp khách; lấy tiền người gửi sau trả tiền lãi cho người gửi trước… Đồng thời, hằng năm tiến hành hợp thức hóa chứng từ, sổ sách để báo cáo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Nai là hoạt động có lãi.
* Nhiều sai phạm nghiêm trọng
Tại phiên tòa xét xử, các bị cáo khai nhận, để che giấu hành vi vi phạm, vào năm 2016, Quỹ TDND Gia Kiệm đã tổ chức tiêu hủy toàn bộ hồ sơ, sổ sách liên quan đến việc vay mượn tiền sai phạm tại Quỹ. Cho đến năm 2017, khi nghe tin Quỹ TDND Gia Kiệm bị thanh tra đặc biệt thì các bị cáo cùng nhau làm khống lại hàng trăm hồ sơ vay tiền và các giấy tờ liên quan để hợp thức hóa sổ sách.
“Bị cáo cho hủy các hợp đồng là do không có tủ chứa nên giấy tờ bị hư hỏng, mối mọt ăn. Một phần nữa là do muốn che giấu hành vi sai phạm của bản thân trước đó” - bị cáo Xuyến khai nhận trước tòa.
Tại phiên tòa xét xử, Hội đồng xét xử (HĐXX) nhận định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, diễn ra trong một thời gian dài, có sự cấu kết chặt chẽ giữa các bị cáo và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, khả năng khắc phục và thu hồi tài sản trả cho người liên quan (khách hàng quỹ tín dụng) là rất khó, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Trong đó, bị cáo Xuyến là người điều hành Quỹ TDND Gia Kiệm đã có nhiều sai phạm nghiêm trọng về huy động vốn, cho vay, làm thất thoát tài sản của Quỹ, gây mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán... Ngoài ra, bị cáo còn ký khống xác nhận hồ sơ vay tín dụng, chỉ đạo nhân viên thực hiện hành vi tất toán số tiền gửi và lập hồ sơ vay vốn khống… Riêng các bị cáo khác là đồng phạm giúp sức tích cực trong vụ án.
Cũng theo HĐXX, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai suốt từ năm 2010-2018, với trách nhiệm của mình đã buông lỏng công tác quản lý nhà nước đối với công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh của Quỹ. Từ đó, đã để một số lãnh đạo chủ chốt của Quỹ thao túng, chi phối, quyết định cho vay sai nguyên tắc, sai quy định pháp luật; giả mạo, kê khai gian dối, lập khống hợp đồng tín dụng để hợp thức hóa hồ sơ tín dụng chỉ nhằm mục đích lấy tiền khách hàng gửi tiết kiệm vào mục đích cá nhân. Do đó, toàn bộ công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của Quỹ TDND Gia Kiệm dẫn đến sai phạm là thuộc về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai.
TAND tỉnh đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng cường công tác quản lý, có giải pháp khắc phục và hoàn thiện đối với loại hình quỹ TDND cơ sở. Kiến nghị Công an tỉnh và Viện KSND tỉnh tiếp tục mở rộng điều tra, xác minh và làm rõ những cá nhân, tổ chức có liên quan đến hoạt động của các quỹ TDND nhằm kịp thời xử lý những hành vi vi phạm pháp luật và phòng ngừa chung trong xã hội.
Tố Tâm