Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều kênh thông tin để nhà báo tiếp cận

08:06, 16/06/2023

Để thuận lợi cho nhà báo tác nghiệp, việc cung cấp thông tin cho báo chí của các cá nhân, cơ quan, tổ chức rất quan trọng. Luật Báo chí năm 2016 quy định rõ về vấn đề này.

Để thuận lợi cho nhà báo tác nghiệp, việc cung cấp thông tin cho báo chí của các cá nhân, cơ quan, tổ chức rất quan trọng. Luật Báo chí năm 2016 quy định rõ về vấn đề này.

TAND tỉnh cung cấp thông tin, hình ảnh vụ xét xử đại án buôn lậu xăng cho phóng viên qua màn hình trực truyến vào tháng 11-2022. Ảnh: Tố Tâm
TAND tỉnh cung cấp thông tin, hình ảnh vụ xét xử đại án buôn lậu xăng cho phóng viên qua màn hình trực truyến vào tháng 11-2022. Ảnh: Tố Tâm

* Công dân có quyền cung cấp thông tin cho báo chí

Nguồn tin là quá trình hoạt động nghiệp vụ mà nhà báo xây dựng, hình thành, hun đúc được bằng kỹ năng, khả năng, kinh nghiệm, mối quan hệ trong suốt quá trình hoạt động nghề nghiệp và cả từ mối quan hệ của cơ quan báo chí nơi mình công tác… Nguồn tin này có thể từ người dân hoặc người có chức trách, nhiệm vụ; người đại diện các cơ quan, tổ chức.

Theo Điều 10 và 11 Luật Báo chí năm 2016, công dân có quyền cung cấp thông tin cho báo chí và quyền tự do ngôn luận trên báo chí như: phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…

Tuy nhiên, khi thực hiện quyền này trên báo chí, công dân hoặc người có thẩm quyền, tổ chức không được lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để: Xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc. Tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật. Thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân… (theo Điều 9 Luật Báo chí năm 2016).

* Các hình thức cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan, tổ chức

Theo Khoản 8, Điều 3 Nghị định 09/2017/NĐ-CP quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan hành chính nhà nước, các cá nhân của cơ quan hành chính nhà nước không là người được giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí được cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định pháp luật nhưng không được nhân danh cơ quan hành chính nhà nước để phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp.

Khoản 1, Điều 38 Luật Báo chí năm 2016 quy định rất rõ, trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp. Việc cung cấp thông tin cho báo chí có thể bằng văn bản, trên trang thông tin điện tử tổng hợp, họp báo, trả lời phỏng vấn và các hình thức khác. Cơ quan báo chí phải sử dụng chuẩn xác nội dung thông tin được cung cấp và phải nêu rõ xuất xứ nguồn tin. Cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm cử người phát ngôn, thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí định kỳ và đột xuất, bất thường.

Để thực hiện quy định này, các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong các cơ quan nhà nước đã có rất nhiều văn bản hướng dẫn rõ về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Chẳng hạn như: Nghị định 09/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 9-2-2017 quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan hành chính nhà nước; Thông tư 11/2019/TT-BCA của Bộ Công an ngày 10-5-2019 quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của công an nhân dân; quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Sở GD-ĐT (Ban hành kèm theo Quyết định số 395/QĐ-SGDĐT ngày 26-4-2021 của Sở
GD-ĐT Đồng Nai)…

Luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) phân tích, các nghị định, thông tư, văn bản nêu trên hướng dẫn cụ thể các hình thức phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí như: Đăng tải nội dung phát ngôn và cung cấp thông tin trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử hoặc trang mạng xã hội chính thức của cơ quan hành chính nhà nước. Phát ngôn trực tiếp hoặc trả lời phỏng vấn của nhà báo. Gửi thông cáo báo chí, nội dung trả lời cho cơ quan báo chí, nhà báo bằng văn bản hoặc qua thư điện tử. Cung cấp thông tin qua trao đổi trực tiếp hoặc tại các cuộc giao ban báo chí do trung ương, địa phương tổ chức khi được yêu cầu. Ban hành văn bản đề nghị cơ quan báo chí đăng, phát phản hồi, cải chính, xin lỗi nội dung thông tin trên báo chí…

“Điều đó sẽ giúp cho nhà báo thuận tiện trong việc tiếp cận, khai thác thông tin từ các cơ quan, tổ chức, nhất là cơ quan hành chính nhà nước trong quá trình tác nghiệp” - luật sư Nguyễn Đức nói.

Cũng theo luật sư Nguyễn Đức, ngoài các hình thức cung cấp thông tin của các cơ quan, tổ chức cho báo chí, nhà báo thì nhà báo còn được quyền khai thác, tiếp cận thông tin từ những người phát ngôn, cung cấp thông tin cho mình. Cụ thể, tại Khoản 5, Điều 38 Luật Báo chí năm 2016 có quy định, cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm cử người phát ngôn, thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí định kỳ và đột xuất, bất thường.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều