Hệ lụy ma túy để lại là rất lớn. Ma túy không chỉ hủy hoại sức khỏe con người, làm mất khả năng lao động, suy thoái nòi giống, băng hoại nhân phẩm, phá hoại hạnh phúc gia đình mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội.
[links()]Hệ lụy ma túy để lại là rất lớn. Ma túy không chỉ hủy hoại sức khỏe con người, làm mất khả năng lao động, suy thoái nòi giống, băng hoại nhân phẩm, phá hoại hạnh phúc gia đình mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội.
Lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành tham quan cơ sở vật chất tại Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh (xã Suối Cao, H.Xuân Lộc). Ảnh: T.Danh |
Trước thực trạng sử dụng và buôn bán ma túy đang ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để kiên quyết ngăn chặn, bài trừ tận gốc ma túy ra khỏi cuộc sống, mang lại bình yên cho mọi người, mọi nhà.
* Không để hình thành các điểm “nóng”’ về ma túy
Thượng tá Trần Văn Hùng, Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh cho biết, thời gian tới, lực lượng công an sẽ tiếp tục lập các chuyên án, tăng cường đấu tranh, xử lý các đường dây, tội phạm ma túy hoạt động trên địa bàn. Ngoài ra, trước diễn biến phức tạp của tội phạm và tệ nạn ma túy, lực lượng công an sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm ngăn chặn tệ nạn ma túy tại các xã, phường, thị trấn; đặc biệt là tổ chức triệt xóa các tụ điểm phức tạp về ma túy, không để phát sinh, hình thành các điểm “nóng” về ma túy. Quyết tâm giữ vững số xã, phường, thị trấn không có ma túy; giảm dần số xã, phường, thị trấn có ma túy và trọng điểm về ma túy.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội tỉnh vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh CAO TIẾN DŨNG đề nghị Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường đấu tranh với tội phạm ma túy; Sở LĐ-TBXH phối hợp với các đơn vị, địa phương quản lý chặt chẽ người nghiện và nâng cao hiệu quả hoạt động tại Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh; tổ chức triển khai có hiệu quả đề án “Quản lý người sử dụng ma túy, tổ chức cai nghiện ma túy tại cộng đồng đến năm 2020 định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh”. |
Bên cạnh đó, lực lượng công an tiếp tục sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, kết hợp làm tốt công tác quản lý nhân, hộ khẩu; kiểm tra, quản lý chặt các cơ sở kinh doanh có điều kiện như: quán bar, quán karaoke, khách sạn, nhà nghỉ…; không để tội phạm lợi dụng các cơ sở này mua bán, tàng trữ ma túy hoặc tổ chức sử dụng ma túy trái phép. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện công tác phòng, chống ma túy trong học đường. Nhất là tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về tội phạm ma túy, tác hại của ma túy để ngăn chặn ma túy xâm nhập vào trường học.
Tại TP.Biên Hòa, để ngăn ngừa tình trạng một số đối tượng lợi dụng các cơ sở kinh doanh dịch vụ: quán bar, quán karaoke, khách sạn, nhà nghỉ để làm địa điểm tụ tập sử dụng ma túy, Công an thành phố đã tăng cường kiểm tra hoạt động, việc chấp hành pháp luật của các cơ sở kinh doanh có điều kiện. Song song đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về ma túy cho chủ các cơ sở kinh doanh có điều kiện trên địa bàn nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, không để khách sử dụng ma túy, đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở kinh doanh.
Theo Trưởng phòng Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TBXH) Đặng Xuân Hòa, nhằm nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và nhân dân về tác hại, hậu quả của ma túy, thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp cùng các lực lượng khác tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phòng, chống ma túy. Công tác này sẽ được thực hiện sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, nhất là ở những địa bàn trọng điểm, phức tạp, vùng sâu, vùng xa để mỗi người dân tự ý thức bảo vệ mình trước tệ nạn ma túy và tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy.
* Giúp người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội tỉnh, thời gian qua, công tác cai nghiện, phục hồi và quản lý sau cai nghiện tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo; đạt được sự đồng thuận xã hội và ổn định trong các cơ sở cai nghiện; số người nghiện có hồ sơ quản lý giảm, tỷ lệ đưa đối tượng đi cai nghiện bắt buộc vượt chỉ tiêu được giao, góp phần làm giảm nguồn cầu về ma túy ngoài xã hội.
Giám đốc Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh (xã Suối Cao, H.Xuân Lộc) Hồ Trí Lịch cho hay, tính từ đầu năm 2023 đến nay, cơ sở đã tiếp nhận mới gần 160 đối tượng vào cai nghiện, nâng tổng số học viên lên gần 1 ngàn người. Trong quá trình cai nghiện, cơ sở thường xuyên duy trì tổ chức khám bệnh cho học viên hàng ngày và tổ chức điều trị riêng theo phác đồ cho những người bị nhiễm HIV, bệnh tâm thần…
Thời gian qua, Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh đã liên kết mở 4 lớp học trình độ sơ cấp nghề cho 140 học viên với các nghề: may công nghiệp, kỹ thuật nấu ăn, chăn nuôi thú y, trồng rau an toàn. Ngoài ra, cơ sở còn tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho gần 90 học viên và tư vấn việc làm cho gần 110 học viên. Từ đó, có nhiều người sau cai nghiện đã có việc làm ổn định. Ngoài ra, còn có 2 người được hỗ trợ vay vốn làm ăn kinh doanh với số tiền 100 triệu đồng.
Thời gian tới, Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức theo dõi, quản lý chặt chẽ đối tượng nghiện từ lúc tiếp nhận, cắt cơn, phân loại và quản lý tại các khu học viên để có nhận xét, đánh giá đúng thực tế; tổ chức tiếp nhận, cắt cơn, giải độc đúng phác đồ theo thể trạng sức khỏe và loại ma túy sử dụng đối với từng đối tượng; duy trì hoạt động lao động trị liệu, liên kết đào tạo nghề, tư vấn việc làm, hỗ trợ vốn vay… để người nghiện nhanh chóng hồi phục sức khỏe, có tay nghề để sớm hòa nhập cộng đồng.
Theo Sở LĐ-TBXH, thời gian tới, Sở tiếp tục chỉ đạo các cơ sở, phòng, ban liên quan thực hiện các nhiệm vụ được giao như: tổ chức đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu việc làm và học nghề của học viên; hỗ trợ, hướng dẫn tổ chức đào tạo nghề cho học viên, lập dự toán kinh phí đào tạo; lập kế hoạch đầu tư các trang thiết bị dạy nghề cho Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh phục vụ cho công tác dạy nghề phù hợp với tình hình thực tế; tham mưu văn bản đề nghị các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện tiếp nhận học viên sau cai, tái hòa nhập cộng đồng vào làm việc.
Ông Đặng Xuân Hòa cho biết thêm, ngoài hoạt động cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh, các hoạt động cai nghiện ở các cơ sở điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng thuộc 6 địa phương: Xuân Lộc, Định Quán, Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch, Thống Nhất và Biên Hòa cũng được tập trung thực hiện. Hoạt động của các điểm tư vấn, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng cấp xã cũng đạt hiệu quả nhất định.
Ngoài ra, từ đầu năm 2023 đến nay, công tác quản lý sau cai nghiện cũng được thực hiện bằng nhiều hoạt động như: hỗ trợ cho người sau cai nghiện vay vốn làm ăn; tư vấn, giới thiệu việc làm cho gần 500 người sau cai nghiện và tổ chức dạy nghề cho gần 200 người nghiện… Đồng thời, công tác điều trị ma túy bằng methadone cũng đạt hiệu quả nhất định. Những người sau điều trị bằng methadone đa số có việc làm, thu nhập ổn định, góp phần giảm tải gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vũ Đình Trung cho biết, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đúng đối tượng; cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người hoàn lương, người nghiện ma túy tại cộng đồng; thực hiện tốt chương trình “4 giảm” và các chương trình xây dựng xã, phường, thị trấn làm tốt công tác phòng, chống ma túy; xây dựng khu dân cư đạt chuẩn an toàn về an ninh trật tự; tăng cường phân công trách nhiệm trong công tác phối hợp cảm hóa giáo dục, giúp đỡ các đối tượng hoàn lương; thông qua các chương trình giảm nghèo, hỗ trợ vốn, giới thiệu việc làm, giúp người sau cai nghiện ổn định cuộc sống, hạn chế tái phạm, tái nghiện.
Tố Tâm - Trần Danh