Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngăn chặn hành vi bạo lực ở trẻ vị thành niên

08:06, 17/06/2023

Thời gian qua, tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai, đã xảy ra nhiều vụ án do trẻ vị thành niên gây ra với tính chất, mức độ ngày càng nguy hiểm. Trong đó, có những vụ án giết người, cố ý gây thương tích diễn ra manh động, để lại hậu quả nặng nề.

Thời gian qua, tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai, đã xảy ra nhiều vụ án do trẻ vị thành niên gây ra với tính chất, mức độ ngày càng nguy hiểm. Trong đó, có những vụ án giết người, cố ý gây thương tích diễn ra manh động, để lại hậu quả nặng nề.

Một phiên tòa xét xử các bị cáo là trẻ vị thành niên về tội giết người tại TAND tỉnh. Ảnh: Tố Tâm
Một phiên tòa xét xử các bị cáo là trẻ vị thành niên về tội giết người tại TAND tỉnh. Ảnh: Tố Tâm

Đa phần các bị cáo được sinh ra trong gia đình không hạnh phúc hoặc thiếu đi sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ, người thân. Để rồi khi “nhúng chàm”, các bị cáo mới nhận ra sai lầm thì đã quá muộn.

* “Nhúng chàm” khi tuổi còn non

Mới 18 tuổi nhưng 2 bị cáo: Vũ Văn Hiếu (ngụ xã An Viễn, H.Trảng Bom) và Đào Thái Bảo (ngụ xã Giang Điền, H.Trảng Bom) đã vướng vào vòng tù tội và lãnh mức án 15 năm tù và 8 năm tù về tội giết người. Vì ghen tuông nên ngày 30-7-2022, Hiếu đã dùng dao đâm nhiều nhát vào em Nguyễn Trọng Đạt (16 tuổi, ngụ xã Sông Trầu, H.Trảng Bom). Còn Bảo là người giúp sức, chuẩn bị hung khí và chở bị cáo Hiếu đến thực hiện hành vi.

Đứng trước phiên tòa xét xử vào ngày 31-5, 2 bị cáo run sợ đến mức không có lời nào để bào chữa cho hành vi sai trái của bản thân mà chỉ biết cúi đầu nói lời xin lỗi đối với gia đình bị hại. Những người dự phiên tòa cảm thấy xót xa khi biết cả Hiếu và Bảo đều tự lập từ khi mới 15 tuổi, thiếu sự quan tâm, dạy dỗ từ cha mẹ.

Liên quan đến tội giết người và cố ý gây thương tích do trẻ vị thành niên gây ra, tính từ tháng 10-2022 đến tháng 5-2023, TAND 2 cấp tỉnh và huyện đã thụ lý 22 vụ/59 bị can; trong đó, đã đưa ra xét xử 9 vụ, 20 bị cáo.

Cả hai bị cáo đều không được sống trong gia đình hoàn hảo, bởi cha bị cáo Hiếu 5 năm trước đã bị tai nạn và trở thành người bệnh tâm thần. Từ đó, Hiếu phải sớm ra đời bươn chải kiếm sống và phụ mẹ chăm sóc cha, nuôi em. Còn bị cáo Bảo thì cha mẹ đã ly hôn, một mình người mẹ lo kiếm tiền nên không có nhiều thời gian để chăm sóc, dạy dỗ con cái.

Ngoài ra, phổ biến nhất hiện nay là tình trạng từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong sinh hoạt hoặc từ mạng xã hội, nhiều thanh thiếu niên tụ tập, rủ nhau mang hung khí nguy hiểm đi giải quyết mâu thuẫn. Cuối cùng để lại hậu quả rất nặng nề: kẻ tử, người tù.

Đơn cử như ngày 15-5, TAND tỉnh tuyên phạt 4 bị cáo cùng ngụ H.Trảng Bom gồm: Võ Thanh Tuấn Thịnh (19 tuổi); Ngô Quốc Huy (19 tuổi); Nguyễn Minh Hiếu (18 tuổi) và Nguyễn Hoàng Anh Khoa (17 tuổi) từ 6 năm đến 11 năm tù/bị cáo. Trong số đó, có 2 bị cáo khi gây án chỉ mới 17 tuổi.

Từ những mâu thuẫn nhỏ trên mạng xã hội, 4 bị cáo này đã rủ nhau mang theo hung khí nguy hiểm như: dao, mã tấu để đi đánh anh Bùi Công Khang (25 tuổi, ngụ xã Đông Hòa, H.Trảng Bom). Khi phát hiện anh Khang đang ở quán cà phê Suối Tre (xã Hưng Thịnh, H.Trảng Bom), Thịnh và Khoa mỗi người cầm một con dao xông vào chém nhiều nhát khiến anh Khang bị thương tật tỷ lệ 59%. Cả 4 bị cáo được xác định đã nghỉ học từ sớm và thường tham gia tụ tập ăn nhậu cùng nhau.

* Cần sự quan tâm của gia đình, sự quản lý từ xã hội

Những vụ án gây ra từ trẻ vị thành niên đang là hồi chuông cảnh báo về sự lệch chuẩn đạo đức và cần giải pháp từ gốc, nhất là việc giáo dục con trẻ ngay từ nhỏ tại gia đình.

Thẩm phán Phan Thị Thu Hương, Phó chánh Tòa gia đình và người chưa thành niên TAND tỉnh cho biết, có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ em hư hỏng, gây án nguy hiểm, manh động. Tuy nhiên, vấn đề chính vẫn là do thiếu sự quan tâm, dạy dỗ từ phía gia đình. Có những đứa trẻ vì được yêu chiều quá mức, cha mẹ chu cấp vật chất, tài chính quá đủ đầy nhưng lại để trẻ thiếu hụt về mặt tình cảm, dẫn đến việc trẻ có cảm giác bị bỏ rơi và sinh ra nổi loạn. Cũng có những đứa trẻ chỉ vì sống trong hoàn cảnh bất hạnh như cha mẹ ly hôn, bỏ rơi con cái hoặc trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… nên thường ra đời sớm, không có nghề nghiệp ổn định, không định hướng được tương lai, thích ăn chơi lêu lổng và dễ bị lôi kéo bởi những thú vui, bạo lực, thậm chí là mê game, nghiện ma túy…

Mặt khác, mạng xã hội đang ngày càng phát triển, nhiều thông tin, phim ảnh bạo lực không được kiểm soát chặt chẽ khiến cho trẻ có cơ hội tiếp cận và dễ bị ảnh hưởng bởi thông tin xấu, độc mang tính chất bạo lực. Hơn nữa, tác động của môi trường sống, các tệ nạn xã hội và văn hóa phẩm đồi trụy ảnh hưởng rất lớn đến một bộ phận người chưa thành niên hiện nay dẫn đến suy thoái về đạo đức, lối sống.

Một kiểm sát viên của Viện KSND tỉnh cho hay, nhiều trẻ vị thành niên sa ngã cũng một phần do sợi dây liên kết giữa gia đình với nhà trường và các tổ chức đoàn thể chưa thường xuyên. Dẫn đến khi trẻ có những sai lầm bước đầu đã không ngăn chặn và uốn nắn kịp thời.

Trong khi đó, tuổi vị thành niên là độ tuổi có nhiều biến đổi tâm sinh lý, rất dễ nổi loạn, dễ bị dụ dỗ lôi kéo và kích động để khẳng định bản thân, a dua, đua đòi theo bạn bè. Từ đó, trẻ vị thành niên chưa có những quyết định đúng đắn dẫn đến để bản thân sớm sai lầm và sa chân vào con đường phạm pháp.

Do đó, theo các cơ quan chức năng, trẻ nhỏ ngay từ trong gia đình cần được giáo dục, quan tâm, theo dõi kịp thời mọi phát triển của con trẻ. Đến trường, thầy cô để ý hơn những biểu hiện khác lạ của học sinh thì sẽ sớm phát hiện biểu hiện lệch lạc của các em trong sinh hoạt, học tập. Từ đó có sự chấn chỉnh, uốn nắn kịp thời nhân cách cho trẻ. Bên cạnh đó, người dân cũng cần có trách nhiệm hơn, tránh vô cảm trước những biểu hiện manh động, bạo lực của thanh thiếu niên ngày nay. Trong trường hợp phát hiện những mâu thuẫn, xô xát thì cần trình báo ngay lực lượng công an ngăn chặn kịp thời.

Ngoài ra, lực lượng công an các cấp cũng cần thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để nắm chắc địa bàn, quản lý thanh thiếu niên có biểu hiện hư hỏng. Đồng thời, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể cũng cần định hướng việc làm, tương lai cho thanh thiếu niên bỏ học từ sớm. Từ đó, giúp trẻ tránh sa vào tệ nạn và những hành vi vi phạm pháp luật.    

Tố Tâm

Tin xem nhiều