Ngày 15-5, TAND tỉnh đã tuyên phạt bị cáo Đỗ Sơn Tùng (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Bất động sản nhà đất Đồng Nai, đóng tại P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các bị cáo đồng phạm bị tòa tuyên phạt từ 2 năm tù treo đến 10 năm tù cùng về tội danh này.
Ngày 15-5, TAND tỉnh đã tuyên phạt bị cáo Đỗ Sơn Tùng (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Bất động sản nhà đất Đồng Nai, đóng tại P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các bị cáo đồng phạm bị tòa tuyên phạt từ 2 năm tù treo đến 10 năm tù cùng về tội danh này.
Phiên tòa xét xử bị cáo Đỗ Sơn Tùng và 5 đồng phạm vào ngày 15-5. Ảnh: T.TÂM |
Phiên tòa kết thúc, mức án tòa tuyên xử các bị cáo được các cơ quan chức năng, cũng như các nạn nhân cho là nghiêm khắc, đủ sức răn đe.
* Mức án nghiêm khắc
Trong phần luận tội, Viện KSND tỉnh xác định, bị cáo Đỗ Sơn Tùng đã dùng tiền của một số bị hại để nhận chuyển nhượng 10 thửa đất tại xã Bàu Hàm và Sông Thao (H.Trảng Bom) với tổng diện tích gần 143 ngàn m2. Sau đó vẽ “dự án ma” để bán cho hơn 430 bị hại khác, chiếm đoạt số tiền gần 123 tỷ đồng. Tùng giữ vai trò tổ chức, phân công nhiệm vụ cho các bị cáo khác trong vụ án. Số tiền chiếm đoạt, bị cáo sử dụng vào mục đích cá nhân và số tiền thiệt hại đến nay chưa khắc phục được đặc biệt lớn, gây bức xúc cho các bị hại.
Cũng theo Viện KSND tỉnh, bị hại trong vụ án đa phần là những nông dân nghèo tích cóp tiền mua đất nhằm ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, số tiền này đã bị bị cáo chiếm đoạt và nay không có khả năng khắc phục hậu quả, khiến cho nhiều gia đình lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần, gia đình bất hòa. Bị cáo nhận thức được hậu quả do hành vi của mình gây ra là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước được hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra. Do vậy, cần xử bị cáo mức án thật nghiêm, tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả do hành vi bị cáo đã gây ra.
“Hành vi của bị cáo không chỉ xâm phạm đến tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ mà còn làm mất an ninh trật tự địa phương. Trong vụ án này, bị cáo Tùng phải chịu trách nhiệm chính về toàn bộ thiệt hại đã gây ra” - đại diện Viện KSND tỉnh đánh giá.
Viện KSND tỉnh nhận định, các bị cáo khác trong vụ án có vai trò đồng phạm giúp sức cho bị cáo Tùng thực hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên, các bị cáo ngoài số tiền lương và hoa hồng được nhận thì không được ăn chia số tiền bị cáo Tùng đã chiếm đoạt nên cần được xem xét xử mức án nhẹ.
* Xử lý phần tài sản của bị cáo Đỗ Sơn Tùng ra sao?
Qua các phiên tòa xét xử, nhìn hàng trăm bị hại tham dự phiên tòa, bị cáo Tùng vừa khóc, vừa cúi gập người xin lỗi các bị hại và cả những đồng nghiệp cấp dưới bị vạ lây trong vụ án. Bị cáo Tùng cho biết, mục đích ban đầu vẫn là mong cho người dân nghèo được sở hữu thửa đất phù hợp với số tiền có được. Thế nhưng, chỉ vì sự yếu kém trong việc làm dự án và quản lý công ty của bản thân, bị cáo đã đẩy nhiều nạn nhân rơi vào thảm cảnh, đẩy cấp dưới vào vòng tù tội.
Trong suốt các phiên tòa xét xử, bị cáo Tùng thừa nhận đã đem 10 thửa đất đi cầm cố cho 2 tiệm cầm đồ trên địa bàn TP.Biên Hòa. Để đảm bảo khoản vay, hai bên đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với giá trị tiền thấp hơn số tiền thực tế của các thửa đất trên. Trong khi đó, 2 chủ tiệm cầm đồ vẫn khẳng định bị cáo Tùng đã bán 10 thửa đất cho mình chứ không phải chỉ là cầm cố.
Luật sư Hoàng Như Vĩnh (Đoàn Luật sư Đồng Nai), bào chữa cho các bị hại trong vụ án cho rằng, các giao dịch cầm cố tài sản của bị cáo Tùng cho các tiệm cầm đồ là vô hiệu. Bởi lẽ, theo luật sư, giá trị chuyển nhượng tài sản ký với các chủ tiệm cầm đồ chỉ bằng 5,8% giá trị thực tế. Toàn bộ 10 thửa đất là tài sản do phạm tội mà có, hình thành sau khi bị cáo có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của các bị hại để mua tài sản nói trên. Do đó, cơ quan tiến hành tố tụng kê biên kịp thời là phù hợp.
Sau khi xem xét, đánh giá chứng cứ cũng như quá trình xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa, chiều 15-5, trong phần tuyên án, Hội đồng xét xử (HĐXX) nhận định hành vi của các bị cáo là nguy hiểm, chiếm đoạt tài sản của người khác với số tiền đặc biệt lớn, gây bức xúc trong nhân dân và ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự xã hội.
Về phần tài sản, HĐXX xác định 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên Đỗ Sơn Tùng liên quan trong vụ án đã được cầm cố cho 2 chủ tiệm cầm đồ chứ không phải là chuyển nhượng. Do đó, việc cơ quan điều tra kê biên đối với 10 thửa đất là phù hợp. HĐXX dành quyền khởi kiện bằng một vụ án dân sự đối với 2 chủ tiệm cầm đồ.
Ngoài ra, HĐXX đề nghị kê biên đối với 2 thửa đất khác của bị cáo Tùng tại P.Tân Phong và P.Tam Phước (TP.Biên Hòa), đã được bán cho những người khác trước đó. Đồng thời, buộc các bị cáo cũng như những cộng tác viên bán đất từ “dự án ma” phải nộp lại số tiền được hưởng hoa hồng từ việc bán đất để đảm bảo thi hành án.
Trong phiên tòa chiều 15-5, HĐXX TAND tỉnh đã tuyên tiếp tục tạm giữ số tiền 400 triệu đồng thu giữ của các bị cáo. Sau khi đã trừ toàn bộ số tiền bị cáo Đỗ Sơn Tùng đã trả lại cho các bị hại trước đó thì trong phần tuyên án, HĐXX yêu cầu bị cáo Tùng phải bồi thường cho gần 370 bị hại còn lại với số tiền hơn 93 tỷ đồng. |
Tố Tâm