Thời gian qua, các lực lượng chức năng trong tỉnh đã tăng cường nhiều giải pháp cũng như công tác tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện giao nộp động vật hoang dã (ĐVHD) để thả về môi trường sống tự nhiên.
Thời gian qua, các lực lượng chức năng trong tỉnh đã tăng cường nhiều giải pháp cũng như công tác tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện giao nộp động vật hoang dã (ĐVHD) để thả về môi trường sống tự nhiên.
Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai tổ chức thả động vật hoang dã về với môi trường tự nhiên. Ảnh: T.Nhân |
Kết quả mang lại khá tích cực, góp phần giúp nâng cao nhận thức của người dân về các quy định pháp luật trong việc bảo tồn các loài ĐVHD.
* Tự nguyện giao nộp ĐVHD
Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (viết tắt là Khu bảo tồn, H.Vĩnh Cửu) được giao quản lý hơn 68 ngàn ha rừng, đất rừng và trở thành ngôi nhà chung cho gần 2,3 ngàn loài động vật sinh sống.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo tồn ĐVHD, trong những năm qua, Khu bảo tồn thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ ĐVHD bằng nhiều hình thức, đặc biệt là qua các cuộc thi; tuyên truyền lưu động…
Giám đốc Khu bảo tồn Nguyễn Hoàng Hảo cho biết, đến nay công tác tuyên truyền, vận động đã mang lại nhiều kết quả khả quan, người dân ngày càng nhận thức đúng đắn về bảo vệ ĐVHD nói riêng và bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên nói chung; các hành vi xâm phạm, săn bắt, buôn bán, tiêu thụ ĐVHD đã giảm dần; người dân đã tự nguyện giao nộp ĐVHD để thả vào tự nhiên.
Cụ thể, từ năm 2022 đến nay, Khu bảo tồn đã tiếp nhận và thả vao rừng nhiều loài ĐVHD theo đơn tự nguyện của người dân với 146 cá thể như: tê tê, trăn, chim, rùa, mèo rừng, khỉ, nhím…
Gần nhất, vào ngày 12-1-2023, ông Ngô Xuân Hải (ngụ TT.Vĩnh An, H.Vĩnh Cửu) gọi điện thoại đến Khu bảo tồn báo tin ông có nhận của người bạn 1 con khỉ đã nuôi 15 năm và mong muốn giao lại cho cơ quan chức năng cùng thả về rừng. Ngay sau khi nắm được thông tin, Khu bảo tồn đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm H.Vĩnh Cửu đến tiếp nhận cá thể trên; đồng thời, xem xét về tình trạng sức khỏe của con khỉ trước khi thả về với môi trường tự nhiên.
Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật (thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên, H.Tân Phú) Nguyễn Thế Việt cho hay, trong thời gian qua, trung tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện giao nộp các loài ĐVHD bằng nhiều hình thức, trong đó có cả mạng xã hội (Zalo, Facebook). Nhờ đó, nhiều đơn vị, người dân khắp nơi trong cả nước biết đến và chủ động liên hệ để giao nộp ĐVHD ngày càng đông.
Cụ thể, năm 2022, trung tâm tiếp nhận từ các tổ chức, cá nhân khoảng 25 lượt với số lượng 315 cá thể và đã thả về tự nhiên 287 cá thể. Còn từ đầu năm 2023 đến nay, trung tâm đã tiếp nhận 7 vụ người dân tự nguyện giao nộp các loài ĐVHD. Gần đây là trường hợp anh Huỳnh Dự Chánh (quê tỉnh Bạc Liêu) đã chủ động liên hệ với trung tâm để tự nguyện giao nộp 1 con tê tê vàng.
Anh Chánh cho biết, anh đi trên đường và phát hiện 1 cái bao đựng con tê tê vàng. Qua tìm hiểu thì biết đây là loài ĐVHD quý hiếm nên anh đã liên hệ qua Facebook của trung tâm để cùng phối hợp thả cá thể này về với rừng Cát Tiên.
Cũng theo ông Nguyễn Thế Việt, trung tâm thực hiện bài bản việc tiếp nhận, cứu hộ và thả các loài ĐVHD về rừng. Đầu tiên, trung tâm tiếp nhận và tiến hành phân loại theo từng loài, độ tuổi, sức khỏe rồi đưa con vật vào khu chuồng cách ly để cho ăn uống, chăm sóc, theo dõi khoảng 21 ngày. Trong thời gian đó, nếu các cá thể động vật rừng ăn uống khỏe mạnh, linh hoạt thì trung tâm sẽ làm thủ tục để thả chúng về rừng Cát Tiên. Còn đối với các cá thể bị nuôi thuần hóa quá lâu hay bị thương, trung tâm tiếp tục chăm sóc, điều trị cho đến khi phục hồi hoàn toàn rồi đánh giá lại lần nữa trước khi thả về với tự nhiên.
* Chung tay bảo tồn ĐVHD
Hạt phó Hạt Kiểm lâm TP.Biên Hòa Lại Ngọc Dậu cho biết, thời gian qua, đơn vị đã chủ động phối hợp với các cơ quan tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các khu vực trọng điểm về săn, bắt, buôn bán, tiêu thụ các loài chim hoang dã, chim di cư trên địa bàn thành phố; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định. Bên cạnh đó, đơn vị còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân không thực hiện các hành vi săn, bắt, bẫy, mua, bán, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, chim di cư; chủ động tố giác các đối tượng vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư…
Nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nên hiệu quả mang lại rất cao. Từ năm 2022 đến nay, nhiều người dân đã thông qua Hạt Kiểm lâm TP.Biên Hòa tự nguyện giao nộp 176 cá thể động vật để thả về môi trường tự nhiên. Trong đó, có 15 cá thể thuộc loài nguy cấp, quý hiếm; còn lại là các loài chim như: sáo, chào mào, chích chòe lửa, khướu.
Giám đốc Khu bảo tồn Nguyễn Hoàng Hảo cho biết thêm, thời gian tới, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vận động cán bộ, công chức, viên chức và người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo tồn ĐVHD; vận động người dân giao nộp súng săn, súng tự chế để phòng ngừa tình trạng săn bắn ĐVHD. Phối hợp với các lực lượng chức năng đẩy mạnh kiểm soát việc buôn bán, tiêu thụ các loài ĐVHD; thường xuyên kiểm tra các nhà hàng, cơ sở kinh doanh để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hoạt động tàng trữ, mua bán, vận chuyển ĐVHD.
Còn theo ông Nguyễn Thế Việt, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật, đơn vị sẽ tiếp tục bổ sung kinh phí tự chủ để xây thêm các khu chuồng trại nhằm giúp công tác cứu hộ, bảo tồn và phát triển ĐVHD ngày càng tốt hơn.
Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh LÊ VIỆT DŨNG cho biết, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT và lãnh đạo tỉnh thường xuyên quan tâm, chỉ đạo việc tăng cường công tác bảo vệ các loài ĐVHD, đặc biệt là các loài chim hoang dã, chim di cư. Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã có văn bản chỉ đạo kịp thời đến các đơn vị trực thuộc cần thực hiện nghiêm vấn đề trên. |
Thành Nhân