Ngày 20-4, tại Kỳ họp thứ 11 - kỳ họp chuyên đề HĐND tỉnh khóa X, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết quy định mức hỗ trợ đối với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng (viết tắt là lực lượng bảo vệ rừng) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2027.
Ngày 20-4, tại Kỳ họp thứ 11 - kỳ họp chuyên đề HĐND tỉnh khóa X, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết quy định mức hỗ trợ đối với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng (viết tắt là lực lượng bảo vệ rừng) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2027.
Lực lượng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc (H.Xuân Lộc) làm nhiệm vụ tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: T.Nhân |
Đây là tin vui đối với lực lượng bảo vệ rừng trong tỉnh. Nhờ sự quan tâm, chăm lo kịp thời của tỉnh sẽ giúp lực lượng này yên tâm bám rừng, làm tốt nhiệm vụ được giao.
* Giảm nỗi lo “cơm áo, gạo tiền”
Vừa trở về sau nhiều ngày cùng đồng nghiệp tuần rừng, anh Vũ Hoàng Thiêm (30 tuổi, nhân viên bảo vệ rừng Phân trường 6, Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú) chia sẻ, bao mệt mỏi dường như tan biến khi hay tin HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết quy định mức hỗ trợ đối với lực lượng bảo vệ rừng.
Người đầu tiên anh chia sẻ niềm vui này chính là vợ, bởi vợ anh là người luôn thấu hiểu và ủng hộ anh đi theo ngành Lâm nghiệp. “Nếu vợ không ủng hộ thì tôi khó có thể gắn bó với nghề yêu thích trong suốt 9 năm qua... Tôi rất vui khi tới đây thu nhập tăng hơn nhờ được tỉnh hỗ trợ thêm một phần. Nhờ đó mà giảm được phần nào nỗi lo “cơm áo gạo tiền” để tôi yên tâm công tác”- anh Thiêm bộc bạch.
Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú Nguyễn Lê Anh Tuấn cho hay, trong những ngày qua, các nhân viên đủ điều kiện được hưởng mức hỗ trợ trong đợt này rất phấn khởi, nhất là các nhân viên trẻ mới vào nghề với mức thu nhập khoảng 3-4 triệu đồng/tháng được nâng lên khoảng 6-7 triệu đồng/tháng. Nhờ đó, họ có tiền gửi về chăm lo cho gia đình.
“Vừa qua, một số anh em rất tâm huyết với nghề giữ rừng nhưng vì thu nhập quá thấp nên họ có ý định nghỉ việc. Tuy nhiên, sau khi nghe thông tin về mức hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ rừng thì họ đã quyết định ở lại đơn vị để góp sức vào công tác giữ rừng”- ông Tuấn cho hay.
Cũng theo ông Tuấn, công tác giữ rừng tại gốc trong thời gian qua có nhiều khó khăn, áp lực cho lực lượng bảo vệ rừng. Bởi trong lâm phận có nhiều người dân sinh sống và dễ xảy ra xung đột trong công tác quản lý như: ngăn chặn hành vi lấn chiếm đất rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép… Mức hỗ trợ kịp thời cho lực lượng bảo vệ rừng đã tạo động lực tinh thần rất lớn, giúp họ có thêm nguồn thu nhập đảm bảo cuộc sống, an tâm công tác.
Phó giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc Tô Thế Mạnh cho biết: “Sự hỗ trợ này rất kịp thời, ngăn được làn sóng nghỉ việc trong đơn vị. Thời gian tới, đơn vị sẽ quan tâm nhiều hơn đến công tác tuyển dụng, đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm giúp anh em ngày càng chuyên nghiệp hơn trong công tác giữ rừng”.
* Tạo động lực để yên tâm công tác
Theo nghị quyết của HĐND tỉnh, đối tượng được hưởng hỗ trợ là viên chức giữ chức danh nghề nghiệp chuyên ngành quản lý bảo vệ rừng làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở NN-PTNT và UBND H.Xuân Lộc; viên chức giữ chức danh nghề nghiệp chuyên ngành quản lý bảo vệ rừng làm việc tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai chưa được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp thâm niên nghề theo các quy định hiện hành của Chính phủ về kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.
Mức hỗ trợ đối với viên chức giữ chức danh quản lý bảo vệ rừng (hạng II, hạng III) là 2,8 triệu đồng/người/tháng và 2 triệu đồng/người/tháng đối với viên chức giữ chức danh kỹ thuật viên bảo vệ rừng (hạng IV). Dự kiến tổng số tiền chi hỗ trợ giai đoạn 2023-2027 hơn 34 tỷ đồng.
Theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT Lê Văn Gọi, những người công tác trong ngành Lâm nghiệp ở Đồng Nai rất vui mừng khi đón nhận thông tin HĐND tỉnh nhất trí cao việc thông qua nghị quyết hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ rừng. Bởi việc hỗ trợ này đã mang ý nghĩa về chăm lo vật chất, giúp cho lực lượng bảo vệ rừng có thu nhập được nâng lên, đảm bảo cuộc sống. Đồng thời, mức hỗ trợ còn mang ý nghĩa rất lớn về mặt tinh thần, thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của lãnh đạo và nhân dân Đồng Nai đến công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng mà trực tiếp là những người giữ rừng tại gốc.
“Trước mắt, việc hỗ trợ kịp thời sẽ giữ chân được anh em ở lại đơn vị để tiếp tục bám nghề giữ rừng, đặc biệt thu hút những người trẻ, năng lực giỏi từ các trường đại học, trung cấp ngành lâm nghiệp tham gia tuyển dụng tại các đơn vị chủ rừng để xây dựng đội ngũ ngày càng chuyên nghiệp. Hy vọng rằng, với sự quan tâm kịp thời của lãnh đạo tỉnh sẽ tạo động lực phát triển cho công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng trong tương lai”- ông Lê Văn Gọi chia sẻ.
Đồng Nai hiện có hơn 172 ngàn ha đất có rừng, là địa phương có diện tích rừng lớn nhất khu vực Đông Nam bộ. Tình hình lâm phận trong thời gian qua luôn được quản lý ổn định, không xảy ra các vụ cháy rừng, mất rừng nghiêm trọng. Để đạt được kết quả nêu trên là sự nỗ lực của toàn ngành Lâm nghiệp, trong đó có đóng góp rất lớn của lực lượng quản lý, bảo vệ rừng trực tiếp tại các đơn vị chủ rừng. |
Thành Nhân