Bên cạnh sự lơ là, chủ quan của tài xế xe đưa rước học sinh (ĐRHS) thì những năm qua, một trong những vấn đề khiến nhiều phụ huynh lo ngại chính là hạ tầng giao thông tại khu vực trước các cổng trường còn nhiều bất cập. Đường hẹp, lượng xe ra vào đông, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, không có chỗ quay đầu xe… là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến việc đảm bảo an toàn cho học sinh nói chung và học sinh đi xe ĐRHS nói riêng.
[links()]Bên cạnh sự lơ là, chủ quan của tài xế xe đưa rước học sinh (ĐRHS) thì những năm qua, một trong những vấn đề khiến nhiều phụ huynh lo ngại chính là hạ tầng giao thông tại khu vực trước các cổng trường còn nhiều bất cập. Đường hẹp, lượng xe ra vào đông, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, không có chỗ quay đầu xe… là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến việc đảm bảo an toàn cho học sinh nói chung và học sinh đi xe ĐRHS nói riêng.
Khu vực đường Nguyễn Khuyến trước cổng Trường tiểu học Hà Huy Giáp (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) đông đúc các phương tiện chờ rước học sinh. Ảnh: T.Nhân |
Tình trạng trên từ lâu đã là một thực trạng đáng lo ngại tại TP.Biên Hòa - nơi có số học sinh rất đông (chiếm hơn 27% số học sinh từ mầm non đến THPT toàn tỉnh) nhưng phần lớn các trường hiện nay đều gặp khó khăn về không gian cho các phương tiện dừng, đậu xe ĐRHS.
* Nhiều “nút thắt” cổ chai
Theo phản ảnh của các phụ huynh, sau sự cố khiến một học sinh lớp 3 Trường tiểu học Hà Huy Giáp (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) tử vong vì bị xe ĐRHS tông vào trưa 8-2, phóng viên Báo Đồng Nai quay lại khu vực trước cổng trường này và nhận thấy không gian trước cổng trường khá chật hẹp. Trong khi đó, vào buổi chiều, lượng người và phương tiện lưu thông qua khu vực này rất lớn. Hơn nữa, nhiều phụ huynh sử dụng xe máy tập trung quá đông trước cổng trường để chờ đón con, không ít người còn đậu xe dưới lòng đường. Dù không có các loại xe lớn đi qua nhưng tình trạng trên cũng đủ khiến tình hình giao thông khu vực này trở nên phức tạp và thiếu an toàn vào giờ cao điểm.
Theo Giám đốc Sở GT-VT, Phó trưởng ban thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh LÊ QUANG BÌNH, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nên nghiên cứu điều chỉnh hạ tầng giao thông các cổng trường theo hướng bố trí 1 khu vực chờ phía trước cổng trường cho phụ huynh, xe ĐRHS dừng, đậu an toàn, trật tự. |
Thậm chí, ngay trước cổng Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức và Trường THCS Trần Hưng Đạo trên cùng con đường 30-4 (thuộc P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa), ngay tại trung tâm thành phố, hàng chục phụ huynh đi xe máy chen chúc nhau chờ đón học sinh. Do vỉa hè không đủ chỗ, nhiều người đậu xe tràn ra lòng đường, khiến con đường từ 3 làn xe bị “bóp” lại chỉ còn 1 làn.
Anh N.T.V. (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) ngán ngẩm cho biết: “Không ai muốn dừng xe đứng dưới lòng đường chờ đón con vì việc này không đảm bảo an toàn giao thông, nếu chẳng may có xe ô tô nào lỡ nhấn chân ga thì hậu quả sẽ khó lường. Nhưng nếu không đứng chờ ở đây thì cũng không biết phải chờ ở đâu, vì khu vực này đông xe lắm, nếu chờ con xa cổng trường quá lại không yên tâm vì xe cộ lưu thông qua đây khá lộn xộn”.
Không chỉ tại khu vực trên mà ở TP.Biên Hòa hiện có nhiều tuyến đường, giao lộ có 2-3 trường học đối diện nhau, “sát vách” nhau khiến không gian bên ngoài cổng trường càng chật hẹp. Điển hình như Trường tiểu học Phan Bội Châu đối diện Trường THCS Hoàng Văn Thụ (đường Yết Kiêu, P.Long Bình); Trường tiểu học Trần Văn Ơn đối diện Trường THCS Ngô Gia Tự (đường Bùi Hữu Nghĩa, P.Bửu Hòa); 2 cơ sở của Trường tiểu học Long Bình Tân đối diện nhau nằm trên đường Nguyễn Văn Tỏ (P.Long Bình Tân)... Đây là những tuyến đường đông đúc người và phương tiện qua lại, trong đó có cả xe tải lưu thông, nhưng quanh các cổng trường lại thiếu không gian cho phụ huynh, tài xế xe ĐRHS dừng, đậu xe.
Hay tại trước cổng Trường tiểu học Tân Phú (ấp 5, xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu), do trường nằm ngay ngã ba giữa đường 768 với đường trục 16 nên buổi trưa, khi trường tan học thì tình hình giao thông tại khu vực này trở nên lộn xộn. Đáng nói, khu vực này phương tiện lưu thông qua lại, nhất là xe ben, xe tải rất đông. Trong khi đó, một số phụ huynh đón con bằng xe máy băng ngang qua đường, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông. Nhiều học sinh còn ra khỏi cổng trường để mua đồ ăn, thức uống, thậm chí có một số em còn tự ý băng qua đường hoặc đi dưới lòng đường, vừa nói chuyện vừa đùa giỡn rất nguy hiểm.
Trung tá Võ Ngọc Vương, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho hay, hiện tại một số khu vực gần trường học đang có tình trạng xe ĐRHS chạy lên vỉa hè, thậm chí sát cổng trường để đưa đón học sinh, rất nguy hiểm đối với học sinh và người đi bộ. Nguyên nhân là do không gian xung quanh trường khá hạn chế, giờ học sinh ra về buổi trưa/chiều cũng rơi vào khung giờ cao điểm nên lượng phương tiện di chuyển đã đông lại bị “vướng” những xe dừng, đậu chờ rước học sinh. Do đó, xe ĐRHS không có chỗ dừng, đậu, kéo theo đó là ùn tắc cục bộ tại một số cổng trường.
* Thiếu chỗ dừng, đậu xe ĐRHS
Để học sinh đi học an toàn, nhiều gia đình đã chọn cho con em đi xe đưa rước, nhưng xe đưa rước loại 16 và 30 chỗ (thậm chí 50 chỗ) lại cần có không gian để dừng, đậu, quay đầu ở khu vực cổng trường. Mặt khác, nhiều khu vực trường học thiếu không gian để một lượng lớn xe đưa rước dừng, đậu cùng lúc; thậm chí có khu vực còn đặt biển cấm dừng, đậu trước cổng trường, dẫn tới tài xế xe đưa rước dừng giữa đường để học sinh đi vào trường. Đây là một bất cập về hạ tầng giao thông đã tồn tại nhiều năm nay ở TP.Biên Hòa.
Một số tài xế xe ĐRHS ở TP.Biên Hòa bày tỏ, phần lớn các trường yêu cầu xe ĐRHS phải dừng, đậu bên ngoài cổng, không được vào trường. Quy định trên đúng là để đảm bảo an toàn cho các em học sinh nhưng lại dẫn tới tình trạng không có nơi cho xe đưa rước dừng, đậu, quay đầu; nên việc tài xế phải dừng xe vội vàng, “lùa” nhanh học sinh lên, xuống xe để tiếp tục di chuyển là việc bất đắc dĩ.
Ông V.M.D., tài xế xe ĐRHS tại khu vực P.Tân Tiến (TP.Biên Hòa) cho hay, nếu các trường, các ngành chức năng bố trí chỗ dừng, đậu xe phù hợp, dành riêng cho xe ĐRHS thì sẽ thuận tiện cho tài xế, an toàn cho học sinh. Chứ mỗi chiều, tại khu vực đường Nguyễn Ái Quốc - Lê Thoa (P.Tân Tiến) có đến hơn 20 xe loại 30 chỗ cùng dừng, đậu chờ học sinh thì muốn quay đầu an toàn cũng không đơn giản.
Những bất cập nêu trên từ lâu đã được các cơ quan chức năng nhận diện. Do đó, một số trường học, địa phương trên toàn tỉnh đã cắt cử các giáo viên phối hợp cùng dân quân thường trực các địa phương kéo barrier, căng dây thừng ngăn dòng xe để hỗ trợ học sinh qua đường. Tuy nhiên, vấn đề tiếp tục phát sinh là các giáo viên, dân quân thực hiện công việc trên có chức năng, kỹ năng để chặn các phương tiện sao cho an toàn hay không.
Đây cũng là vấn đề được các ngành chức năng đặt ra trong cuộc họp thống nhất các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông xe ĐRHS tại các trường học trên địa bàn tỉnh ngày 14-2 do Ban An toàn giao thông tỉnh tổ chức. Trong cuộc họp này, lãnh đạo Ban An toàn giao thông tỉnh đề nghị Ban An toàn giao thông các địa phương nghiên cứu, bố trí nơi dừng, đậu xe rõ ràng, cụ thể. Riêng các ngành chức năng của TP.Biên Hòa có thể nghiên cứu thêm việc tổ chức giao thông, giảm kẹt xe trước các cổng trường, giúp học sinh qua đường an toàn hơn.
Phó trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa Lưu Thị Hằng cho rằng, nếu quy định cho phép, Công an TP.Biên Hòa có thể chỉ đạo công an các xã, phường hỗ trợ các trường học trong việc kiểm tra xe ĐRHS; đồng thời, lực lượng cảnh sát giao thông cần có mặt để duy trì an ninh trật tự, an toàn giao thông khu vực cổng trường vào giờ cao điểm.
Chánh Thanh tra giao thông (Sở GT-VT) NGUYỄN PHAN TRONG đề xuất, các trường có thể lập 1 tổ tự quản, có giáo viên phối hợp cùng dân quân các phường, xã hỗ trợ học sinh lên, xuống xe an toàn. Nếu sân trường rộng và có thêm cổng phụ thì nên phân luồng bằng các barrier di động để thuận lợi khi học sinh ra về, xe ĐRHS vào và ra có trật tự. Qua đó, giảm tình trạng tập trung xe ĐRHS, xe của phụ huynh quá đông trước cổng trường. |
Đăng Tùng - Công Nghĩa - Thành Nhân
Bài 3: Thiếu chặt chẽ trong quản lý