Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật luôn được các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh chú trọng thực hiện với đa dạng các hình thức hướng đến cơ sở, đặc biệt là hội viên phụ nữ người dân tộc thiểu số.
Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) luôn được các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh chú trọng thực hiện với đa dạng các hình thức hướng đến cơ sở, đặc biệt là hội viên phụ nữ người dân tộc thiểu số (DTTS).
Chủ tịch Hội LHPN xã Bảo Quang (TP.Long Khánh) Thị Tuyền chủ trì buổi sinh hoạt tuyên truyền pháp luật cho hội viên trong Tổ Phụ nữ đồng bào dân tộc Chơro. Ảnh: T.Nhân |
Qua đó, giúp chị em ngày càng nâng cao kiến thức pháp luật, góp phần đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương.
* Đưa pháp luật vào cuộc sống
Xã Bảo Quang (TP.Long Khánh) là một trong những địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, PBGDPL đến phụ nữ đồng bào DTTS. Toàn xã có hơn 1,6 ngàn hội viên phụ nữ đang tham gia sinh hoạt tại 5 chi hội ấp. Trong đó, hội viên đồng bào DTTS (Hoa, Nùng, Tày, Chơro…) có hơn 100 người và chủ yếu sinh sống tập trung tại 2 ấp: Lác Chiếu và Ruộng Tre.
Chủ tịch Hội LHPN xã Bảo Quang Thị Tuyền cho hay, thời gian qua, Hội đã đẩy mạnh công tác PBGDPL cho hội viên thông qua hội nghị, tập huấn, sinh hoạt chuyên đề, hội thi Phụ nữ với pháp luật… Nội dung tuyên truyền tập trung vào các vấn đề cốt lõi có liên quan đến phụ nữ, trẻ em như: hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống mua bán người; an toàn giao thông đường bộ hoặc những vấn đề dư luận xã hội quan tâm. “Việc tuyên truyền ngắn gọn, trọng tâm, dễ hiểu nhằm giúp bà con nhớ lâu” - bà Tuyền cho hay.
Bên cạnh đó, bà Tuyền còn dành nhiều thời gian đi cơ sở để phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến từng hộ dân; đồng thời, nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của hội viên, các tầng lớp phụ nữ. Những chuyến đi thực tế đã giúp bà có sự lựa chọn giải pháp hoặc sáng tạo ra các mô hình tuyên truyền phù hợp.
Đến nay, trên địa bàn xã Bảo Quang đã có nhiều mô hình tuyên truyền PBGDPL thiết thực, hiệu quả như: CLB Phụ nữ xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”; Tổ Phụ nữ đồng bào DTTS không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội gắn với an toàn giao thông, Tổ Phụ nữ văn nghệ, thể dục thể thao… Các mô hình đã tạo sự đoàn kết, giúp hội viên nâng cao kiến thức, kỹ năng về mọi mặt, tạo điều kiện cho chị em vươn lên trong cuộc sống. Đặc biệt, các chị em còn tích cực cung cấp thông tin, tố giác tội phạm, giúp cho tình hình an ninh trật tự trên địa bàn ngày càng tốt hơn.
* Góp phần giữ gìn an ninh trật tự địa phương
Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN tỉnh Bùi Thị Hạnh cho rằng, công tác tuyên truyền, PBGDPL cho phụ nữ là đồng bào DTTS có ý nghĩa và vị trí hết sức quan trọng, góp phần tăng cường đồng thuận xã hội; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và lòng tin của đồng bào DTTS vào Đảng và Nhà nước. Chính vì lẽ đó, Hội LHPN tỉnh trong thời gian qua đã chỉ đạo các cấp Hội thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật trong phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ đồng bào DTTS. Các cấp Hội luôn tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về mọi mặt cho chị em về điều lệ Hội, pháp luật, giới tính, vị trí, vai trò của người phụ nữ trong gia đình, xã hội.
Theo dự án 8 Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN tỉnh đã chủ động có kế hoạch thực hiện các hoạt động PBGDPL về bình đẳng giới năm 2023 cho phụ nữ là đồng bào DTTS tại 24 xã vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS. |
Đồng thời, Hội LHPN tỉnh luôn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, cải tiến hình thức, nội dung sinh hoạt Hội cho phù hợp nhu cầu, nguyện vọng từng nhóm đối tượng phụ nữ; tăng cường hình thức sinh hoạt nói chuyện chuyên đề, CLB, thảo luận nhóm, trao đổi kinh nghiệm... Qua đó, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật cho cán bộ, hội viên, phụ nữ, giúp chị em có hiểu biết pháp luật và kỹ năng tự bảo vệ mình. Từ đó tạo cho họ thói quen, nếp sống và làm việc theo pháp luật, tự giác tôn trọng pháp luật, chấp hành pháp luật, biết sử dụng pháp luật bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, góp phần tích cực vào các hoạt động phong trào tham gia giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương.
Cũng theo bà Hạnh, để thực hiện tốt công tác PBGDPL cho phụ nữ là đồng bào DTTS, trong thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng tuyên truyền pháp luật, đa dạng hóa các hình thức, nội dung tuyên truyền căn cứ vào tình hình từng địa bàn, các vấn đề nổi lên của địa phương để lựa chọn nội dung, hình thức, mô hình PBGDPL phù hợp. Tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ Hội và tuyên truyền viên ở cơ sở về kiến thức pháp luật, cập nhật các văn bản pháp luật về chế độ, chính sách của đồng bào DTTS.
Các cấp Hội cũng duy trì và nhân rộng mô hình CLB phụ nữ với pháp luật, Tổ tư vấn pháp luật, CLB phòng chống bạo lực gia đình, CLB “gia đình 5 không, 3 sạch”… ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đồng thời, làm tốt việc vận động, bồi dưỡng kiến thức pháp luật để các thành viên CLB là người đồng bào DTTS hoặc hội viên phụ nữ thông thạo tiếng dân tộc thiểu số thực hiện PBGDPL cho đồng bào DTTS tại buổi sinh hoạt các mô hình ở cơ sở. Qua đó, vận động bà con chấp hành pháp luật, góp phần tốt vào công tác phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương.
Thành Nhân