Cùng với sự phát triển kinh tế, việc mua bán giao dịch giữa các chủ thể kinh doanh ngày càng nhiều. Bên cạnh các giao dịch lành mạnh, đúng pháp luật vẫn còn nhiều việc mua bán, giao dịch thông qua các hợp đồng kinh doanh thương mại chưa cụ thể, rõ ràng; nhiều điều khoản khó hiểu, khó áp dụng; thậm chí trái pháp luật. Từ đó phát sinh mâu thuẫn, xung đột giữa các bên dẫn đến tranh chấp.
Cùng với sự phát triển kinh tế, việc mua bán giao dịch giữa các chủ thể kinh doanh ngày càng nhiều. Bên cạnh các giao dịch lành mạnh, đúng pháp luật vẫn còn nhiều việc mua bán, giao dịch thông qua các hợp đồng kinh doanh thương mại chưa cụ thể, rõ ràng; nhiều điều khoản khó hiểu, khó áp dụng; thậm chí trái pháp luật. Từ đó phát sinh mâu thuẫn, xung đột giữa các bên dẫn đến tranh chấp.
Trong thực tế nhiều vụ việc tranh chấp rất quyết liệt, căng thẳng và có giá trị rất lớn, quá trình giải quyết thường kéo dài, nhiều vụ qua rất nhiều năm vẫn chưa xong, đưa các bên tranh chấp vào thế bất lợi, hoạt động bị ngưng trệ, gây thiệt hại không nhỏ cho các bên tranh chấp.
Để giải quyết tranh chấp giữa các chủ thể kinh doanh, pháp luật hiện hành quy định có nhiều hình thức giải quyết như thương lượng, hòa giải, trọng tài hoặc tòa án. Trong thực tế, nhiều doanh nghiệp xảy ra tranh chấp, sau khi thương lượng, hòa giải không thành thì họ khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài thương mại. Phần đông các doanh nghiệp có 100% vốn của nước ngoài chọn trọng tài thương mại giải quyết tranh chấp.
Bởi lẽ, ưu điểm của trọng tài thương mại là tính bảo mật, giải quyết nhanh, phán quyết của trọng tài là chung thẩm và được thi hành trên 150 quốc gia trên thế giới.
Theo quy định, muốn đưa vụ việc tranh chấp ra trọng tài thương mại giải quyết thì các bên phải thỏa thuận trọng tài. Theo quy định tại Khoản 2, Điều 3 của Luật Trọng tài thương mại 2010, thỏa thuận trọng tài là thỏa thuận giữa các bên về giải quyết bằng trọng tài tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh.
Như điều luật đã viện dẫn trên đây thì thỏa thuận trọng tài có thể được ghi nhận là một điều khoản trong hợp đồng mà các bên đã ký kết với nội dung cụ thể là khi có phát sinh tranh chấp giữa các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng thì các bên chọn trung tâm trọng tài giải quyết tranh chấp. Nếu các bên không thỏa thuận trong hợp đồng thì khi có tranh chấp xảy ra, các bên tranh chấp lập thỏa thuận trọng tài bằng một văn bản, theo đó các bên đồng ý chọn trung tâm trọng tài nào để giải quyết tranh chấp. Đây là điều kiện bắt buộc để phát sinh thẩm quyền giải quyết của Trọng tài thương mại, nghĩa là trọng tài thương mại chỉ có thẩm quyền giải quyết khi các bên có sự thỏa thuận chọn Trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp.
Thực tế cho thấy, phần lớn các tranh chấp đã xảy ra, nếu không thỏa thuận trọng tài trước đó bằng một điều khoản trong hợp đồng thì các bên tranh chấp rất khó gặp nhau để lập văn bản thỏa thuận trọng tài. Đây là yếu tố quan trọng các doanh nghiệp cần chú ý khi ký kết hợp đồng.
Với những ưu điểm của trọng tài thương mại ngày càng có nhiều doanh nghiệp lựa chọn trọng tài thương mại để giải quyết khi có tranh chấp xảy ra. Vấn đề ở chỗ là các bên phải thỏa thuận trọng tài, đây là điều kiện tiên quyết để phát sinh thẩm quyền của trọng tài.
LS Nguyễn Đức