Gần đây, có nhiều người chưa thành niên (dưới 18 tuổi) thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội như: giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích, lừa đảo chiếm đoạt tài sản… Điều này đã khiến nhiều trẻ vướng vào vòng lao lý và đánh mất tương lai.
Gần đây, có nhiều người chưa thành niên (dưới 18 tuổi) thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội như: giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích, lừa đảo chiếm đoạt tài sản… Điều này đã khiến nhiều trẻ vướng vào vòng lao lý và đánh mất tương lai.
Nhóm thiếu niên tụ tập dùng hung khí nguy hiểm tham gia đánh nhau bị Công an H.Trảng Bom phát hiện, bắt giữ. Ảnh: T.Tâm |
Trước tình trạng này, gia đình, nhà trường và toàn xã hội cần chú trọng hơn trong việc giáo dục nhân cách, đạo đức cho giới trẻ và đưa ra giải pháp thiết thực hơn để trẻ em được lớn lên với một nhân cách tốt, sống có ích.
* Coi thường pháp luật
Thời gian qua, tình trạng trẻ chưa thành niên phạm pháp khá phổ biến, gây ảnh không nhỏ đến an ninh trật tự (ANTT) địa phương. Phổ biến nhất là việc các thanh thiếu niên bỏ học, tụ tập tham gia đánh nhau bằng hung khí nguy hiểm theo kiểu “giang hồ”.
Đơn cử, mới đây Công an H.Trảng Bom đã bắt giữ 20 đối tượng từ 15-21 tuổi để điều tra về hành vi gây rối trật tự công cộng. Cụ thể, vào ngày 11-12-2022, Thái Anh Kỳ (17 tuổi, ngụ xã Bình Minh, H.Trảng Bom) rủ thêm gần 20 đối tượng khác có độ tuổi từ 15-21 tuổi tham gia đánh nhau với một nhóm thanh niên khác. Khi nhóm Kỳ đã chuẩn bị sẵn hung khí gồm: dao phóng lợn, cây ba chỉa, dao mã tấu, kiếm… đến khu vực TT.Trảng Bom để giải quyết mâu thuẫn thì bị Công an H.Trảng Bom kịp thời ngăn chặn và đưa các đối tượng về trụ sở làm việc.
Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người từ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội được hưởng các chính sách pháp luật như: không áp dụng hình phạt tù chung thân, tử hình; đối với người từ 14-16 tuổi thì hình phạt tù cao nhất không quá 12 năm tù; đối với người từ 16-18 tuổi, hình phạt tù cao nhất không quá 18 năm tù; hình phạt tù đối với người dưới 18 tuổi không quá 3/4 mức hình phạt so với người đã thành niên… |
Hiện nay, một số thiếu niên bỏ học sớm, sống lêu lổng, đua đòi nên khi thiếu tiền tiêu xài đã lập thành nhóm rủ nhau đi trộm cắp tài sản của người dân, gây ảnh hưởng lớn đến tình hình ANTT địa bàn. Điển hình như: P.T.V. (17 tuổi), Nguyễn Hoàng Anh (19 tuổi) và N.Q.H. (15 tuổi), đều ngụ H.Thống Nhất, bỏ nhà đi bụi và thường tụ tập ăn chơi. Để có tiền tiêu xài, cả ba đã rủ nhau cạy cửa, đột nhập vào nhà dân trộm cắp tài sản. Tính từ ngày 2 đến 27-11-2022, cả 3 đã cùng nhau thực hiện 3 vụ trộm cắp tài sản trên địa bàn xã Gia Kiệm (H.Thống Nhất) với tổng số tiền khoảng 125 triệu đồng.
Nguy hiểm hơn là một số thanh thiếu niên chỉ vì mâu thuẫn nhỏ đã trở thành kẻ giết người khi tuổi đời còn rất trẻ. Đơn cử, vào ngày
29-8-2022, do có mâu thuẫn với nhau nên Võ Nguyễn Tuấn Khang (17 tuổi, ngụ P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) và Đặng Huỳnh Thanh Nghĩa (19 tuổi, ngụ P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) đã tham gia ẩu đả với một nhóm của Bùi Văn Nam (19 tuổi), Phan Ngọc Duy (17 tuổi), cùng ngụ TP.Biên Hòa. Hậu quả, Khang đã dùng dao đâm Duy tử vong và đâm anh Nam bị thương nặng. Khang và Nghĩa đã bị truy tố về tội giết người.
* Bảo vệ trẻ khỏi hành vi phạm pháp
Thẩm phán Phan Thị Thu Hương, Phó chánh Tòa gia đình và người chưa thành niên TAND tỉnh cho biết, hiện nay chính sách pháp luật hình sự đối với người dưới 18 tuổi đã có những thay đổi theo hướng khoan hồng và tạo điều kiện để có cơ hội sửa chữa lỗi lầm. Trong khi đó, tình trạng trẻ dưới 18 tuổi thực hiện hành vi côn đồ, tinh vi và gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội đang ngày càng phổ biến.
Theo thẩm phán Hương, trẻ chưa thành niên được xem là độ tuổi đang dần hoàn thiện về mặt thể chất nhưng lại bất ổn về mặt tâm sinh lý. Ở tuổi này, trẻ dễ nổi loạn, thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc nên thường dẫn đến hành vi sai phạm do bị lôi kéo, kích động và dễ trượt dài với những sai phạm của bản thân.
Hơn nữa, hiện nay mạng xã hội phát triển nên việc giới trẻ tiếp cận với internet rất sớm và dễ dàng. Nếu cha mẹ bỏ mặc con, không kiểm soát sẽ khiến trẻ tự tìm hiểu những trang mạng “độc hại”, có tính chất bạo lực, lối sống và suy nghĩ lệch lạc... Lâu dần, trẻ hình thành nên tính cách ương bướng, dễ kích động và có xu hướng dùng bạo lực giải quyết mâu thuẫn, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên với lối sống thực dụng, ích kỷ, coi thường pháp luật.
Thiếu tá Nguyễn Văn Dũng, Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp Công an H.Tân Phú cho hay, một trong những nguyên nhân dẫn đến trẻ dễ phạm tội là do cha mẹ thiếu sự quan tâm tới con, nhất là đối với trẻ đang ở độ tuổi dậy thì. Cha mẹ thường tạo áp lực và gây tổn thương cho trẻ. Thậm chí, có nhiều gia đình thể hiện bạo lực ngay trước mặt trẻ khiến cho chúng hình thành nên thói quen sử dụng bạo lực khi mâu thuẫn xảy ra. Chính những nguyên nhân này đã ảnh hưởng rất lớn đến lối sống, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của trẻ em.
Do đó, để kéo giảm được tình trạng người dưới 18 tuổi phạm tội, theo thiếu tá Nguyễn Văn Dũng, từ trong gia đình cha mẹ phải dành nhiều thời gian quan tâm, nhắc nhở, định hướng, giáo dục cho con những điều tốt đẹp để hình thành nên nhân cách tốt. Nhà trường ngoài truyền đạt kiến thức, cần chú trọng giáo dục về đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh. Đặc biệt, cần tăng cường tuyên truyền pháp luật cho trẻ vị thành niên cũng như các bậc phụ huynh. Trong đó, chú trọng đến hậu quả pháp lý để thanh thiếu niên hiểu và biết tránh xa những hành vi phạm pháp.
Cũng theo thiếu tá Nguyễn Văn Dũng, trách nhiệm giáo dục, bảo vệ trẻ em không chỉ là của gia đình mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Do đó, các cơ quan, tổ chức xã hội, các đoàn thể và chính quyền địa phương cần phối hợp để cùng thực hiện nhiều hoạt động thiết thực hơn như: tạo sân chơi bổ ích, hấp dẫn cho các thanh thiếu niên; quản lý chặt các nhóm thanh thiếu niên có biểu hiện hư hỏng để tránh tình trạng tụ tập, lôi kéo nhau làm điều xấu. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho nhiều trẻ em nghỉ học sớm có cơ hội được làm việc, tham gia học nghề trong môi trường lành mạnh, giúp trẻ xây dựng được tương lai tốt đẹp cho bản thân và trở thành công dân có ích cho xã hội.
Tố Tâm