Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) vừa được Quốc hội thông qua (sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023) quy định cụ thể hơn quyền hạn của lực lượng CSCĐ.
Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) vừa được Quốc hội thông qua (sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023) quy định cụ thể hơn quyền hạn của lực lượng CSCĐ.
Các chiến sĩ cảnh sát cơ động trong lễ công bố quyết định thành lập Trung đoàn Cảnh sát cơ động dự bị chiến đấu Công an tỉnh. Ảnh: T.Danh |
Qua đó, góp phần quan trọng trong các hoạt động của lực lượng CSCĐ cũng như công tác đấu tranh, phòng ngừa các loại tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự (ANTT) trong tình hình mới.
* Tăng quyền hạn
Một trong những điểm đáng chú ý của Luật CSCĐ là bổ sung thêm một số quyền hạn của lực lượng CSCĐ trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Theo đó, Luật quy định vị trí của CSCĐ là lực lượng vũ trang thuộc Công an nhân dân, với chức năng là lực lượng “nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang” bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và được quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động trong Luật. Đây chính là đặc thù và sự khác biệt của CSCĐ so với các lực lượng khác trong công an nhân dân.
Ngoài ra, Luật CSCĐ bổ sung thêm nhiệm vụ của lực lượng CSCĐ trong tham gia phối hợp với các lực lượng cảnh sát trong công tác đấu tranh, triệt phá các băng nhóm tội phạm, chuyên án có tính chất phức tạp về các lĩnh vực tội phạm như: hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường, các vụ án liên quan đến an ninh quốc gia... Qua đó sẽ góp phần rất lớn trong công tác giữ gìn ANTT.
Luật CSCĐ có 5 chương, 33 điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của CSCĐ; điều kiện bảo đảm và chế độ, chính sách đối với CSCĐ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023. |
Cụ thể, tại Điều 9 Luật CSCĐ quy định nhiệm vụ của CSCĐ là tham mưu với Bộ trưởng Công an về công tác vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, xây dựng lực lượng CSCĐ. Xây dựng, huấn luyện, diễn tập phương án tác chiến, phương án tuần tra kiểm soát, bảo vệ mục tiêu theo chức năng của CSCĐ. Thực hiện phương án tác chiến chống hoạt động phá rối an ninh, bạo loạn, khủng bố, bắt cóc con tin; trấn áp tội phạm có sử dụng vũ khí; giải tán các vụ tập trung đông người gây rối ANTT, biểu tình trái pháp luật. Vũ trang bảo vệ mục tiêu, sự kiện quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội; bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt. Tổ chức tuần tra kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về ANTT, an toàn xã hội; tham gia thực hiện một số hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật...
Điều 9 Luật CSCĐ cũng quy định, lực lượng CSCĐ có nhiệm vụ phối hợp với các lực lượng trong công an nhân dân đấu tranh triệt phá các chuyên án có tính chất phức tạp về hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường, các vụ án liên quan đến an ninh quốc gia; hỗ trợ các cơ quan, đơn vị thuộc các bộ, ngành, địa phương trong xử lý các hành vi vi phạm pháp luật…
* Phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
Theo các ngành chức năng, quá trình thực hiện nhiệm vụ, các hoạt động của lực lượng CSCĐ sẽ có những tác động đến quyền con người, quyền công dân nên việc quy định rõ một số nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng CSCĐ là để đảm bảo hơn những nhiệm vụ mà lực lượng này đã và đang thi hành.
Theo Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bùi Xuân Thống, trên thực tế, những vụ việc, tình huống phức tạp về ANTT thuộc chức năng, nhiệm vụ của CSCĐ có thể xảy ra ở bất kỳ địa bàn nào trong phạm vi toàn quốc. Đặc biệt, có những vụ việc có thể xảy ra và lan rộng đến nhiều tỉnh, thành đòi hỏi CSCĐ phải kịp thời, nhanh chóng triển khai lực lượng để giải quyết. Việc Quốc hội thông qua dự án Luật CSCĐ sẽ phát huy sức mạnh tổng hợp của lực lượng CSCĐ trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Lực lượng cảnh sát cơ động tham gia bắt đối tượng tội phạm trên địa bàn TP.Biên Hòa |
“Việc quy định nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ CSCĐ trong một văn bản có tính pháp lý cao nhất là Luật CSCĐ cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Quốc hội đối với sự phát triển của một trong những lực lượng nòng cốt trong duy trì thực thi pháp luật, bảo đảm ANTT, an toàn xã hội cũng như tầm quan trọng của yếu tố con người trong xây dựng, phát triển lực lượng này” - ông Bùi Xuân Thống cho hay.
Theo Phòng CSCĐ Công an tỉnh, trong thời gian tới, để xây dựng lực lượng CSCĐ vững mạnh toàn diện cần phải dựa trên nhiều yếu tố: con người, nguồn lực, trang bị, phương tiện…, nhưng trước hết là xây dựng con người. Để xây dựng yếu tố con người thì không thể thiếu một hệ thống các quy định, các điều cấm, các yêu cầu về trách nhiệm, nghĩa vụ và giá trị đạo đức căn bản của chủ thể trong quá trình xây dựng đó.
Đa số các ý kiến cho rằng, Luật CSCĐ được thông qua sẽ tháo gỡ những khó khăn, bất cập của Pháp lệnh hiện hành về CSCĐ. Đây cũng sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng lực lượng CSCĐ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới.
Trần Danh