Báo Đồng Nai điện tử
En

Kẻ tử, người đi tù sau cuộc nhậu

06:06, 01/06/2022

Tại phiên tòa xét xử, ngoài 11 bị cáo thì phía dưới phòng xử án các hàng ghế chật kín người đều là cha mẹ các bị cáo. Trong số họ, có người nước mắt lưng tròng vì thương con nông nổi, bồng bột; có người không giấu được sự trầm ngâm lo lắng về mức án mà con mình sẽ phải chịu.

Tại phiên tòa xét xử, ngoài 11 bị cáo thì phía dưới phòng xử án các hàng ghế chật kín người đều là cha mẹ các bị cáo. Trong số họ, có người nước mắt lưng tròng vì thương con nông nổi, bồng bột; có người không giấu được sự trầm ngâm lo lắng về mức án mà con mình sẽ phải chịu.

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử. Ảnh: Tố Tâm
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử. Ảnh: Tố Tâm

Ngày 27-5, TAND tỉnh tuyên phạt 11 bị cáo này, mỗi bị cáo từ 3 năm tù (hưởng án treo) đến 17 năm tù cùng về tội gây rối trật tự công cộng. Điều đáng quan tâm là đa phần các bị cáo từ 25-37 tuổi, đang trong độ tuổi lao động chính của gia đình.

* Trả giá cho thói côn đồ

Trước giờ xử án, có 2 người phụ nữ gói ghém từng phần cơm cố đưa cho các bị cáo ăn. Tuy nhiên, vì quy định không được phép nên họ đành phải cột gọn lại để phía ngoài lành lang nơi phòng xử án. Lúc này, bà H.D. (mẹ bị cáo Hoàng Lê Phương, 25 tuổi, ngụ xã Lang Minh, H.Xuân Lộc) bật khóc: “Giờ đến cả bữa cơm mẹ cũng không nấu cho con ăn được nữa rồi”.

Bà D. kể lại, vào năm 2017, sau khi mãn hạn 10 tháng tù về tội gây rối trật tự công cộng, Phương đã tu chí làm ăn và ít tham gia tụ tập bạn bè. Muốn con ổn định cuộc sống, bà đã thúc giục Phương lấy vợ và dự định sẽ tổ chức đám cưới cho con. Vào giữa tháng 7-2021, bà có nghe đến chuyện Phương mượn Võ Thế Duy (37 tuổi, ngụ xã Xuân Đông, H.Cẩm Mỹ) 10 triệu đồng nhưng chưa trả nên hai bên đã xảy ra mâu thuẫn. Bà không ngờ, chỉ sau một cuộc nhậu, các bị cáo không làm chủ được hành vi, gọi điện thách thức nhau để khiến hôm nay phải vướng vòng lao lý.

Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh, tối 31-10-2021, tại đoạn đường thuộc ấp Đông Minh (xã Lang Minh), nhóm của Phương gồm Lê Đình Khương (36 tuổi) và 2 thanh niên cùng ngụ tại H.Xuân Lộc đã hẹn nhóm của Duy gồm Võ Hồng Hiệp (31 tuổi, em ruột Duy) cùng 6 người bạn khác gặp nhau để giải quyết mâu thuẫn. Trong lúc hai bên đánh nhau, Phương và Khương đã trực tiếp đánh anh Hiệp. Sau đó, Phương còn dùng dao thái lan đâm anh Hiệp 3 nhát, khiến nạn nhân tử vong.

Kết quả, TAND tỉnh tuyên phạt bị cáo Phương 17 năm tù, Khương 14 năm tù, Duy 4 năm tù; 8 bị cáo còn lại, mỗi bị cáo lãnh từ 3 năm tù (hưởng án treo) đến 3 năm tù về tội gây rối trật tự công cộng.

Tại phiên tòa xét xử, các bị cáo đều nhận thấy hành vi sai trái mình gây ra để lại hậu quả nặng nề và xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt để sớm được trở về làm người công dân có ích cho xã hội.

* Con dại, cái mang

Cầm mảnh giấy nhỏ trong tay, bà H.N. (mẹ bị hại Hiệp) đưa ngón tay rà lại từng khoản chi phí bà yêu cầu bồi thường một cách cẩn thận. Sau đó, bà gấp tờ giấy vào trong chiếc túi ny-lông và giao lại cho thư ký phiên tòa.

Mái tóc bạc trắng, đôi mắt đỏ hoe, sưng húp, trông bà rất mệt mỏi. Bà kể, đêm trước ngày xét xử, bà không thể chợp mắt được, bởi bà sợ phải một lần nữa nghe lại câu chuyện đau lòng khiến 2 con trai của bà là anh Hiệp và bị cáo Duy người tử, người đi tù chỉ vì một phút nóng giận tức thời do rượu, bia gây ra. Nỗi đau này quá sức chịu đựng của một người mẹ như bà nên suốt phiên tòa bà chỉ lặng lẽ khóc.

Trong khi đó, tranh thủ giờ Hội đồng xét xử vào nghị án, ông H.G., cha của bị cáo Phương, mái tóc đã bạc trắng ra ngoài hành lang ngồi trầm ngâm. Ông kể, hai gia đình của bị cáo và bị hại đều biết nhau. Sau khi nghe tin con mình giết người, ông đã vay mượn, gom đủ số tiền 120 triệu đồng để lo ma chay cho bị hại. Vì thương con nên ông đã xin gia đình bị hại viết đơn bãi nại cho con mình, nhưng không được chấp nhận.

Tại phiên tòa xét xử, vị luật sư bào chữa cho bị cáo Phương cho rằng, bị cáo không phạm vào tội giết người mà chỉ là tội cố ý gây thương tích, hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác. Bởi lẽ, bị cáo không hề có ý định tước đi mạng sống của anh Hiệp mà chỉ ngăn chặn hành vi bị đuổi đánh. Phương chỉ đâm vào chân và mông chứ không phải là vị trí trọng yếu của cơ thể, anh Hiệp chết nằm ngoài ý chí chủ quan của bị cáo.

Tranh luận lại, vị đại diện Viện KSND tỉnh cho rằng, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhưng bị cáo Phương đã sử dụng hung khí nguy hiểm là con dao trực tiếp đâm 3 nhát vào người anh Hiệp. Do đó, hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội. Hành vi của bị cáo Phương không chỉ xâm phạm tính mạng của người khác mà còn khiến cho gia đình bị hại mất đi người thân, nỗi đau đó không có gì bù đắp được. Đồng thời, hành vi của các bị cáo còn ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Hội đồng xét xử cũng nhận định hành vi của các bị cáo là nguy hiểm nên cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc để cải tạo, răn đe và phòng ngừa chung. Tuy nhiên, các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải nên Hội đồng xét xử giảm nhẹ một phần hình phạt để thể hiện sự khoan hồng của pháp luật.

“Gia đình nào cũng có nỗi khổ của mình. Con dại thì cái mang. Chỉ vì tranh cãi 10 triệu đồng vay mượn mà hậu quả để lại còn nặng nề hơn khi 1 người mất mạng, 11 người bị vào tù và gia đình tôi lâm cảnh nợ nần vì phải chạy vạy vay mượn các nơi để bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân” - ông H.G., cha bị cáo Phương, bộc bạch.

Tố Tâm

Tin xem nhiều