Tội phạm mua bán người thường dùng thủ đoạn hứa hẹn tìm việc nhẹ, lương cao để dụ nạn nhân vào "bẫy". Khi nạn nhân "sập bẫy", các đối tượng đã "lật bài ngửa" và ép phải thực hiện theo ý đồ của chúng như: bán dâm, hoạt động massage kích dục, làm việc trong các sòng bạc ở nước ngoài...
Tội phạm mua bán người thường dùng thủ đoạn hứa hẹn tìm việc nhẹ, lương cao để dụ nạn nhân vào “bẫy”. Khi nạn nhân “sập bẫy”, các đối tượng đã “lật bài ngửa” và ép phải thực hiện theo ý đồ của chúng như: bán dâm, hoạt động massage kích dục, làm việc trong các sòng bạc ở nước ngoài...
Công an khám xét nơi ở của Nguyễn Tiến Dũng (bìa trái) sau khi phát hiện đối tượng tham gia trong đường dây mua bán người. Ảnh: Công an cung cấp |
Thời gian qua, Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an tỉnh đã triệt phá một số đường dây, bắt nhiều đối tượng về hành vi mua bán người.
* Lật tẩy các đường dây mua bán người qua biên giới
Theo PC02 Công an tỉnh, thời gian qua, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng một số đối tượng trong các đường dây mua bán người vẫn tìm cách hoạt động. Thực hiện chỉ đạo của Ban giám đốc Công an tỉnh, lãnh đạo PC02 đã chỉ đạo lực lượng trinh sát nắm chắc tình hình, bám sát địa bàn để kịp thời đấu tranh, triệt phá các đường dây mua bán người hoạt động trên địa bàn.
Vào đầu tháng 1-2022, PC02 chủ trì phối hợp với công an các tỉnh: Tây Ninh, Hà Tĩnh, TP.HCM đồng loạt kiểm tra, bắt khẩn cấp nhóm đối tượng tham gia trong đường dây mua bán người liên tỉnh gồm: Nguyễn Tiến Dũng (24 tuổi, quê tỉnh Hà Tĩnh), Lộc Thị Luân (21 tuổi, quê tỉnh Nghệ An), Ngô Đông Khoa (53 tuổi, ngụ TP.HCM) và Nguyễn Ngọc Tuyền (28 tuổi, quê tỉnh Thái Bình).
Theo điều tra, biết được một số người sang Campuchia làm việc trong các sòng bạc với mức thu nhập cao nên các đối tượng đã kết nối với một số người ở Việt Nam tìm thêm người đưa sang để bán. Nếu đưa trót lọt một người sang Campuchia các đối tượng sẽ được trả tiền công từ 10-20 triệu đồng.
Theo xác minh của công an, nhóm đối tượng trên đã đưa được 4 người qua biên giới Campuchia trót lọt và hưởng lợi mỗi người từ 40-100 triệu đồng. Riêng các nạn nhân, sau khi bị đẩy vào các động mại dâm để làm việc nhưng không đồng ý nên bị các chủ cơ sở này yêu cầu phải đóng phạt từ 60-120 triệu đồng mới được cho về nhà.
Để tiếp cận các nạn nhân, nhiều đối tượng thường sử dụng mạng xã hội, gửi hình ảnh, thông tin về môi trường công việc để làm quen, dẫn dụ nạn nhân vào “bẫy”.
Cụ thể vào đầu tháng 12-2021, từ nguồn tin báo của người dân, trinh sát PC02 Công an tỉnh phát hiện nhóm đối tượng tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép.
Kết quả điều tra, PC02 Công an tỉnh phối hợp với công an một số địa phương bắt giữ các đối tượng: Phan Thị Kim Huệ (25 tuổi, quê tỉnh Phú Yên), Bùi Văn Hữu (42 tuổi, quê tỉnh Bình Phước), Trần Danh Tường (25 tuổi, quê tỉnh Bình Thuận) và một số đối tượng khác. Các đối tượng này tiếp cận với một số cô gái đang tìm việc làm qua Zalo. Các đối tượng cũng dụ dỗ các nạn nhân đưa sang Campuchia làm việc với mức thu nhập từ 70-100 triệu đồng/tháng. Vào giữa năm 2021, nhóm này đã đưa trót lọt 4 phụ nữ sang Campuchia sau đó ép vào hoạt động bán dâm. Sau đó, các nạn nhân đã tìm cách liên hệ Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia để nhờ đưa về Việt Nam và tố cáo vụ việc đến cơ quan công an.
* Cảnh giác để tránh “sập bẫy”
Theo lãnh đạo PC02 Công an tỉnh, để thực hiện các đường dây mua bán người, các đối tượng người nước ngoài đã cấu kết với người Việt Nam ở nước ngoài và trong nước tìm kiếm người sau đó bán vào các động chứa, tụ điểm tệ nạn. Mỗi khi đối tượng liên quan bị bắt, đối tượng cầm đầu ở nước ngoài thường cắt liên lạc để tránh bị truy tìm.
Để triệt phá được các đường dây mua bán người, thời gian qua, Công an tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với công an nhiều tỉnh, thành như: Lai Châu, Thanh Hóa, Cần Thơ, Hà Tĩnh, Thái Bình, Bình Dương, Bình Phước, TP.HCM... Tuy nhiên, phần lớn các đối tượng cầm đầu trong các đường dây này đều đang ở nước ngoài nên công tác xác minh đối tượng còn gặp nhiều khó khăn.
Từ thực tế trên, theo cơ quan công an, ngoài sự vào cuộc, đấu tranh xử lý các đối tượng môi giới, “chân rết” tại các địa bàn thì vấn đề quan trọng vẫn là công tác phòng ngừa.
Lãnh đạo PC02 Công an tỉnh cho biết, nạn nhân trong các vụ mua bán người thường sinh sống ở những vùng nông thôn, đa phần họ có trình độ thấp, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm ổn định, thiếu hiểu biết xã hội và kỹ năng sống, nhẹ dạ cả tin. Chính vì vậy, khi có người giới thiệu, hứa hẹn bằng một công việc nhẹ, thu nhập hấp dẫn hoặc có điều kiện lấy chồng ngoại quốc... thì dễ dàng tin ngay. Bên cạnh đó, trong số các nạn nhân cũng có những cô gái trẻ thích hưởng thụ, ăn chơi, đua đòi, bị dụ dỗ đi du lịch, tham quan... sau đó bị bán vào động mại dâm hoặc bán cho đàn ông nước ngoài để làm vợ.
Để công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm mua bán người có hiệu quả, ngoài việc nâng cao trách nhiệm của ngành công an trong rà soát, nắm bắt, xử lý các đối tượng nghi vấn liên quan đến hoạt động mua bán người, thì chính quyền các địa phương cũng cần chỉ đạo các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nắm bắt được phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này cũng như các chủ trương, chính sách pháp luật về thủ tục xuất nhập cảnh, hợp tác lao động với nước ngoài. Các tổ chức đoàn thể quan tâm, giúp đỡ chị em phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, tránh bị đối tượng xấu lợi dụng dụ dỗ, lừa gạt và trở thành nạn nhân trong các vụ mua bán người.
Từ đầu năm 2022 đến nay, PC02 Công an tỉnh tiếp nhận 9 tin báo tội phạm về hoạt động mua bán người (trong đó năm 2021 chuyển qua 3 tin báo). Kết quả điều tra, xác minh đã khởi tố 2 vụ án, 7 đối tượng về hành vi mua bán người và tổ chức đưa người khác xuất cảnh trái phép. Một số vụ chuyển cho cơ quan khác điều tra và đang tiếp tục xác minh. |
Trần Danh