Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Biên Hòa vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Lê Thanh Hiếu (33 tuổi, ngụ P.Tân Hạnh, TP.Biên Hòa) để điều tra về hành vi gây rối trật tự công cộng.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Biên Hòa vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Lê Thanh Hiếu (33 tuổi, ngụ P.Tân Hạnh, TP.Biên Hòa) để điều tra về hành vi gây rối trật tự công cộng. Theo điều tra của cơ quan công an, vào tối 1-6, Hiếu sử dụng súng công cụ hỗ trợ bắn nhiều phát chỉ thiên để thị uy khi được một người dân yêu cầu nhanh chóng di chuyển xe ô tô tránh gây ùn tắc giao thông tại khu vực đường Võ Thị Sáu, P.Thống Nhất (TP.Biên Hòa). Sự việc xảy ra quá nhanh khiến những người chứng kiến sự việc bị một phen hú vía.
Trước đó, vào ngày 1-3, hai nhóm thanh niên đã mang theo hung khí, súng công cụ hỗ trợ đến khu vực trước Siêu thị BigC (thuộc KP.2, P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) đánh nhau, gây rối trật tự công cộng. Trong lúc ẩu đả, có người trong 2 nhóm đối tượng nổ súng khiến 2 người bị thương do đạn cao su.
Việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Biên Hòa khởi tố vụ án để điều tra vi phạm đối với Hiếu và nhóm thanh niên tham gia vụ ẩu đả ở khu vực BigC Tân Hiệp nói trên là một động thái mạnh mẽ trong xử lý vi phạm liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đang có xu hướng diễn biến phức tạp. Gần đây, ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có địa bàn tỉnh, xảy ra một số vụ việc sử dụng súng công cụ hỗ trợ để thị uy, giải quyết mâu thuẫn cá nhân. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào mức độ vi phạm có thể bị xử lý hành chính, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ năm 2017 nghiêm cấm cá nhân sở hữu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (trừ vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo). Luật này cũng quy định rõ những trường hợp được sử dụng công cụ hỗ trợ. Do đó, người sử dụng vũ khí quân dụng, kể cả súng công cụ hỗ trợ trái phép có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo Điểm a, Khoản 5, Điều 11, Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31-12-2021 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình. Cụ thể, mức phạt tiền từ 20-40 triệu đồng đối với người chế tạo, trang bị, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao.
Về trách nhiệm hình sự, Điều 304 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự thì bị phạt tù 1-7 năm. Trường hợp sử dụng vũ khí quân dụng làm chết người thì bị phạt tù 5-12 năm. Để ngăn ngừa các vụ việc sử dụng súng trái phép, ngoài việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định pháp luật để mang tính răn đe, giáo dục, trấn an dư luận, còn phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định pháp luật liên quan đến quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân để mọi người cùng hiểu rõ, chấp hành, tuân thủ đúng các quy định pháp luật.
Đặng Ngọc