Tài sản chung, nợ chung của vợ chồng được hình thành trong thời kỳ hôn nhân, về nguyên tắc khi ly hôn thì vợ chồng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau. Tức là tài sản và nợ chung đó được chia đôi cho từng người phần thụ hưởng lẫn nghĩa vụ thanh toán.
Tài sản chung, nợ chung của vợ chồng được hình thành trong thời kỳ hôn nhân, về nguyên tắc khi ly hôn thì vợ chồng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau. Tức là tài sản và nợ chung đó được chia đôi cho từng người phần thụ hưởng lẫn nghĩa vụ thanh toán.
Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) tư vấn quyền và nghĩa vụ đối với tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng cho một người dân ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Đ.Phú |
Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh), cho biết pháp luật về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định như vậy nhằm đảm bảo sự bình đẳng về quyền đối với tài sản, nợ chung của vợ chồng và ngăn chặn sự tẩu tán tài sản chung đó để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ đối với bên thứ 3.
* Phải phân xử theo luật
Sau 20 năm kết hôn, vợ chồng ông H.V.C. - bà L.T.T. (ngụ TT.Định Quán, H.Định Quán) tạo lập được căn nhà cấp 4 nằm trên diện tích đất 2 sào tại TT.Định Quán (giá thị trường khoảng 1 tỷ đồng). Trong quá trình chung sống, cả 2 có 2 con chung (đã thành niên) và số nợ chung trên 500 triệu đồng.
Năm 2021, do vợ chồng lục đục trong chuyện tình cảm, tiền bạc nên ông C. đơn phương yêu cầu xin ly hôn với bà T. Trong đơn ly hôn, ông C. đề nghị việc phân chia tài sản, nợ chung như sau: căn nhà và đất trên, bà T. được hưởng 30% (quy thành tiền là 300 triệu đồng), ông sẽ đưa số tiền này cho bà T. để ông được toàn quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất đó. Riêng phần nợ chung 500 triệu đồng thì ông yêu cầu bà T. phải tự trả, khiến bà T. lúng túng không biết xử sự ra sao để bảo vệ quyền lợi khi ông C. kiên quyết ly hôn và chia tài sản, nợ chung của vợ chồng như vậy.
Luật sư Ngô Văn Định giải thích, việc chia tài sản, nợ chung của vợ chồng có thể được giải quyết theo thỏa thuận của vợ, chồng hoặc do tòa án quyết định. 2 vợ chồng có thể yêu cầu phân chia tài sản, nợ chung ngay trong đơn ly hôn. Ngược lại, nếu trong đơn không đề cập đến vấn đề này thì tài sản, nợ chung đó vẫn thuộc sở hữu, trách nhiệm chung của vợ chồng. Do đó, dù đã ly hôn, các bên có thể thỏa thuận phân chia tài sản, nợ chung sau đó, hoặc nếu có yêu cầu hoặc tranh chấp về tài sản, nợ chung thì một trong 2 bên hoặc cả 2 bên đều có quyền yêu cầu tòa án phân chia tài sản, nợ chung.
“Do ông, bà không đồng thuận trong vấn đề ly hôn, chia tài sản và nợ chung nên khi thụ lý vụ việc, tòa án sẽ giải quyết vấn đề theo quy định của pháp luật chứ không phải giải quyết theo ý chí riêng của ông C. Vì vậy, trong quá trình thụ lý vụ việc, bà được quyền yêu cầu tòa án phân chia tài sản, nợ chung đó mỗi người nhận và chịu ½ giá trị” - luật sư Ngô Văn Định giải thích.
* Vợ hoặc chồng có được quyền mượn tiền để tiêu xài riêng?
Tháng 6-2021, ông B. (ngụ xã Nam Cát Tiên, H.Tân Phú) tự ý mượn bạn bè số tiền trên 70 triệu đồng tiêu xài mà không hỏi ý kiến vợ là bà A. Nay đến hạn trả nợ, ông B. không trả được nên lánh mặt. Vì vậy, bạn của ông tìm gặp bà A. đòi tiền thì bà A. nói: “Dù chồng tôi mượn nợ có viết giấy nhưng tôi không hay biết, không ký vào giấy mượn nợ nên không có trách nhiệm trả nợ thay chồng. Ai cho chồng tôi mượn thì cứ tìm chồng tôi mà đòi”.
Hay như trường hợp của ông T.D.H. (ngụ xã Thanh Sơn, H.Định Quán) nợ tiền quán nhậu của một người quen ở TT.Tân Phú 7 triệu đồng. Khi người chủ quán tìm đến nhà đòi thì ông nói vợ là bà P.T.B. trả. Ông H. lý lẽ rằng, đó là tiền nhậu xã giao để lo cuộc sống gia đình nên vợ chồng cùng chịu. Tuy vậy, bà B. vẫn lý sự: “Khi nào tôi cho phép ông nhậu xã giao thì mới trả thay, còn khi ông lén lút đi bù khú với bạn bè thì tôi không chịu trách nhiệm”.
Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định, nếu giao dịch của chồng dùng để đáp ứng mục đích nhu cầu cá nhân của chồng như: đầu tư kinh doanh riêng, mua vật dụng cá nhân…, nếu vợ đưa ra những chứng cứ chứng minh việc chồng đứng ra vay tiền mà không đưa vào sử dụng chung thì không có nghĩa vụ liên đới trả nợ. |
Luật sư Đỗ Văn Gọn (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, mặc dù pháp luật công nhận vợ hoặc chồng có quyền có tài sản riêng, có quyền vay mượn nợ riêng để chi tiêu cho mục đích cá nhân không có liên quan tới phục vụ lợi ích chung gia đình nhưng người vay mượn phải tự chịu trách nhiệm trả nợ bằng tài sản riêng của mình. Chính vì vậy, việc bà P.T.B. từ chối trả nợ thay chồng là đúng với Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
Theo đó, vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản như sau: nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm; nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình; nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình; nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì cha mẹ phải bồi thường; nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.
“Một khi người chồng không có tài sản riêng để trả nợ thì chủ nợ có quyền khởi kiện người này ra tòa án. Lúc này, tòa án mới có thẩm quyền buộc người chồng lấy tài sản mà mình có được trong khối tài sản chung của vợ chồng, tức phần được hưởng khi phân chia khối tài sản chung của vợ chồng có giá trị tương xứng với phần nợ phải trả để thi hành bản án” - luật sư Đỗ Văn Gọn lưu ý.
Đoàn Phú