Trong quá trình nam, nữ chung sống với nhau có con chung thì con chung này có quyền và nghĩa vụ đối với cha mẹ như con được sinh ra trong trường hợp cha mẹ có đăng ký kết hôn, được pháp luật công nhận là vợ chồng.
Trong quá trình nam, nữ chung sống với nhau có con chung thì con chung này có quyền và nghĩa vụ đối với cha mẹ như con được sinh ra trong trường hợp cha mẹ có đăng ký kết hôn, được pháp luật công nhận là vợ chồng.
Luật sư Nguyễn Xuân Thanh (Đoàn Luật sư tỉnh) tư vấn pháp luật về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ đối với con trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Ảnh: Đoàn Phú |
Luật gia Phan Văn Châu, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, cho biết do quyền và nghĩa vụ của con đối với cha mẹ không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ nên người con này có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ đối với cha mẹ ruột của mình theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và các luật có liên quan.
* Quyền của con không phụ thuộc tình trạng hôn nhân của cha mẹ
Trong cuộc sống hiện tại, không hiếm trường hợp nam nữ chung sống với nhau nhưng không đăng ký kết hôn rồi có con chung. Sau đó đường ai nấy đi và người cha hoặc mẹ hay cả cha mẹ có gia đình khác và lại có con riêng với người chồng hoặc vợ mới.
Luật gia Phan Văn Châu cho biết, khi nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn thì quyền và nghĩa vụ vợ chồng đối với nhau sẽ không được pháp luật công nhận, bảo vệ. Tuy vậy, quyền và nghĩa vụ của nam nữ đối với con chung và ngược lại vẫn được pháp luật bảo vệ đầy đủ như trường hợp con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hợp pháp. Tại Khoản 2, Điều 68 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 rất nhân văn khi khẳng định quyền và nghĩa vụ của con đối với cha mẹ không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ khi sinh ra mình.
Cụ thể các quyền này gồm: được cha mẹ thương yêu, tôn trọng, thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp về nhân thân và tài sản theo quy định của pháp luật; được học tập và giáo dục; được phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức. Con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì có quyền sống chung với cha mẹ, được cả cha mẹ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc. Con đã thành niên có quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, nơi cư trú, học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội theo nguyện vọng và khả năng của mình; được hưởng quyền về tài sản tương xứng với công sức đóng góp vào tài sản của gia đình.
* Vẫn bị thiệt thòi
Mặc dù pháp luật khẳng định quyền của cha mẹ đối với con và ngược lại không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ, nhưng khi nam nữ chung sống với nhau không hôn thú được một thời gian thì bỏ nhau, lấy vợ hoặc chồng khác thì dĩ nhiên con cái vẫn bị thiệt thòi.
Chẳng hạn như trường hợp em T.V. (12 tuổi, ngụ H.Trảng Bom), em K.T. (9 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa), em Đ.B. (13 tuổi, ngụ H.Cẩm Mỹ) được sinh ra khi cha mẹ các em còn rất trẻ, sống chung như vợ chồng trong quá trình đi làm ăn xa. Sau đó, cha mẹ các em đường ai nấy đi và giao con cho ông bà nuôi. Các em dù có đầy đủ quyền nhân thân (quyền xác định cha mẹ ruột trong giấy khai sinh) nhưng tình thương và trách nhiệm (quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con) thì vẫn còn bị bỏ ngỏ.
Theo các chuyên gia bảo vệ quyền trẻ em, về lý thì luật không cho phép cha mẹ chối bỏ quyền này đối với con chưa thành niên hoặc bị hạn chế về năng lực hành vi dân sự. Tuy nhiên, thực tế thì xã hội đều nhìn nhận, trẻ em thuộc trường hợp này luôn bị thiệt thòi so với các trẻ em có đủ cha mẹ. Đó là những thiệt thòi dễ bắt gặp như: không được sống cùng cha mẹ, thiếu tình yêu thương của cha hoặc mẹ khi sống với ông bà, cuộc sống vật chất khó khăn hơn…
Luật sư Nguyễn Xuân Thanh (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con.
Theo đó, quyền của nam nữ đối với con chung như sau: thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội. Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật Dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự. Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
Luật sư Nguyễn Xuân Thanh cho biết thêm, nam nữ sống chung và có con chung mà không thực hiện hoặc trốn tránh thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ đối với con sẽ bị xử phạt hành chính hay hình sự (tùy theo tính chất, mức độ, hành vi vi phạm). Tại khoản 3, Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định, mọi hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình phải được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu tòa án, cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Đoàn Phú