Báo Đồng Nai điện tử
Thứ 5, 09/01/2025, 06:31 En

Bài cuối: Giải pháp mạnh, hành động ngay

08:05, 31/05/2022

Ngăn chặn, đẩy lùi xu hướng trẻ hóa tội phạm góp phần bảo vệ thanh, thiếu niên trước những mặt trái của cơ chế thị trường, cũng như những tác động tiêu cực của mạng xã hội đến lối sống, nhân cách của người trẻ. Đó không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành Công an mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội.

Ngăn chặn, đẩy lùi xu hướng trẻ hóa tội phạm góp phần bảo vệ thanh, thiếu niên trước những mặt trái của cơ chế thị trường, cũng như những tác động tiêu cực của mạng xã hội đến lối sống, nhân cách của người trẻ. Đó không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành Công an mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội.

Công an tỉnh tổ chức tuyên truyền pháp luật cho người dân, trong đó có thanh, thiếu niên trên địa bàn TT.Dầu Giây (H.Thống Nhất), Ảnh: T.Tâm
Công an tỉnh tổ chức tuyên truyền pháp luật cho người dân, trong đó có thanh, thiếu niên trên địa bàn TT.Dầu Giây (H.Thống Nhất). Ảnh: T.Tâm

* Gia đình, nhà trường là cái nôi hình thành nhân cách

Theo trung tá Nguyễn Xuân Trường, Phó trưởng Công an H.Tân Phú, thời gian qua, các cơ quan chức năng đều đã vào cuộc thực hiện công tác tuyên truyền, tăng cường quản lý địa bàn, quản lý đối tượng và ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật của thanh, thiếu niên theo chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị. Tuy nhiên, để góp phần ngăn chặn có hiệu quả hơn nữa đối với tội phạm trẻ, trước tiên từ phía gia đình, nhà trường phải quan tâm sâu sát đến từng hành vi và các mối quan hệ bạn bè, xã hội của con em nhằm giúp sớm phát hiện, ngăn chặn những hành vi lệch lạc, vi phạm pháp luật.

“Cần nâng cao trách nhiệm và công tác phối hợp của các tổ chức chính trị, xã hội trong việc tuyên truyền trực quan, sinh động về hậu quả pháp lý do hành vi phạm tội gây ra; về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm và nhất là hiểm họa từ ma túy...” - trung tá Nguyễn Xuân Trường kiến nghị.

Phân tích về khía cạnh tâm lý, ThS tâm lý Hà Văn Phúc, Giám đốc Công ty Đào tạo và phát triển giáo dục V.LIFE, Chủ nhiệm CLB Kỹ năng sống Đồng Nai nhấn mạnh, cần cho trẻ được sống trong gia đình hạnh phúc, có nền tảng đạo đức, văn hóa, bởi gia đình là yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đến việc hình thành nhân cách của mỗi cá nhân ngay từ thời thơ ấu. Khi lớn lên người trẻ sẽ thấm nhuần văn hóa, giáo dục từ gia đình để hình thành nên hành vi, nhân cách tốt cho bản thân. Đồng thời, các cơ sở giáo dục cần chú trọng hơn hoạt động tham vấn học đường về tâm sinh lý lứa tuổi nhằm sớm phát hiện hành vi lệch chuẩn ở học sinh để có sự can thiệp đúng lúc, kịp thời.

Luật sư TRẦN CAO ĐẠI KỲ QUÂN, Đoàn Luật sư tỉnh cho biết, để ngăn chặn, giảm tỷ lệ người dưới 18 tuổi phạm tội, cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường quản lý, ngăn chặn các thông tin bẩn, đồi trụy, trái thuần phong mỹ tục trên không gian mạng để ngày càng lành mạnh hóa các nền tảng này.

Trên lĩnh vực giáo dục, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Huy Khánh cho biết, trong thời gian qua, ngành Giáo dục đã ký và thực hiện có hiệu quả các kế hoạch liên tịch phối hợp cùng với các cơ quan chức năng như: Công an, Tỉnh đoàn… để tổ chức tuyên truyền pháp luật trong các trường học trên địa bàn với các nội dung như: tác hại của ma túy; quy định pháp luật về giao thông; phương thức thủ đoạn hoạt động, lôi kéo, dụ dỗ học sinh của các loại tội phạm…

Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường học cho học sinh viết các bản cam kết tuân thủ và thực hiện tốt các quy định của pháp luật. Đối với những trường hợp nhà trường phát hiện học sinh cá biệt hoặc có biểu hiện vi phạm pháp luật sẽ nhắc nhở, phối hợp cùng gia đình tiến hành giáo dục và có hình thức ngăn chặn, uốn nắn kịp thời hành vi, nhân cách, đạo đức của học sinh, tránh để các em sa chân vào con đường phạm pháp.

Để ngăn ngừa nguy cơ phát sinh, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn xã hội trong đoàn viên thanh niên, thiếu niên trên địa bàn tỉnh, Phó bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội sinh viên tỉnh Võ Văn Trung cho hay, trong thời gian qua, Đoàn các cấp đã tập trung tổ chức một số hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong học sinh, sinh viên nhằm nâng cao nhận thức trong thanh, thiếu niên về tệ nạn xã hội. Đặc biệt, thường xuyên tổ chức các phiên tòa giả định nhằm tuyên truyền, răn đe đối với các em học sinh, sinh viên về hành vi vi phạm và hậu quả của việc phạm tội.

 Bên cạnh đó, hằng năm, Đoàn thanh niên các cấp đã phối hợp với các cấp, các ngành kiểm tra, rà soát, nắm chắc số lượng thanh niên từng có tiền án, tiền sự để phối hợp với các sở, ngành tổ chức các hoạt động giáo dục, cảm hóa với các mô hình như: Thắp sáng ước mơ hoàn lương, Hành trình thắp sáng niềm tin. Ngoài ra, sau khi được tái hòa nhập cộng đồng thanh, thiếu niên sẽ được các CLB thắp sáng niềm tin tại 170 xã, phường, thị trấn hỗ trợ tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề để có công việc, thu nhập ổn định, hạn chế tái phạm.

* Đa dạng các giải pháp phòng ngừa

Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, trước thực tế phân tích, đánh giá về tình trạng trẻ em, người dưới 18 tuổi phạm tội, cơ quan công an đã xây dựng các chuyên đề để tìm kiếm những giải pháp đấu tranh, phòng ngừa gia tăng xu hướng trẻ hóa tội phạm một cách phù hợp. Trong đó, công tác trọng tâm được lãnh đạo Công an tỉnh chú trọng triển khai là phối hợp với các cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể và chính quyền các địa phương để tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, cũng như tinh thần thượng tôn pháp luật.

Cụ thể, thời gian vừa qua, Công an tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành, MTTQ các cấp và các đoàn thể để tuyên truyền, giáo dục pháp luật, thủ đoạn hoạt động của tội phạm xâm hại trẻ em, phòng ngừa tội phạm ma túy; tình hình tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên; phòng, chống tội phạm trong giới học đường...

Một trong những giải pháp được Công an tỉnh đặc biệt chú trọng là công tác xây dựng các mô hình phòng ngừa, quản lý, giáo dục người chưa thành niên vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng; quản lý, cảm hóa người chưa thành niên có quá khứ vi phạm pháp luật đang sinh sống tại địa bàn, khu dân cư... thông qua những mô hình như: Phụ nữ với pháp luật, Tổ tự quản về an ninh trật tự... với hàng trăm thành viên tham gia tại các địa bàn.

Bên cạnh đó, lực lượng công an đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền quan tâm, chỉ đạo, triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp hiệu quả về công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, nhất là tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, các hành vi vi phạm pháp luật của người dưới 18 tuổi...

Tương tự, theo Viện KSND tỉnh, trước tình trạng người dưới 18 tuổi phạm tội có những diễn biến phức tạp, trong thời gian qua, ngành kiểm sát tỉnh đã chủ động xây dựng các chuyên đề nhằm nâng cao các giải pháp phòng ngừa, giáo dục đối với những đối tượng này.

Ông Nguyễn Chí Hà, Trưởng phòng 2, Viện KSND tỉnh cho biết, Viện KSND tỉnh xây dựng hẳn đề án Bảo vệ người dưới 18 tuổi trong hoàn cảnh pháp lý đặc biệt. Qua đó, ngành kiểm sát tỉnh có những đánh giá về công tác thi hành các quy định của pháp luật về phòng ngừa, giáo dục tái hòa nhập cộng đồng đối với người dưới 18 tuổi; công tác điều tra, truy tố người dưới 18 tuổi vi phạm hình sự và thi hành án hình sự đối với người dưới 18 tuổi.

Để bảo vệ, ngăn chặn thanh, thiếu niên, nhất là người dưới 18 tuổi phạm tội, ông Nguyễn Chí Hà cho rằng, cần có những giải pháp đồng bộ trong công tác quản lý, giáo dục, điều tra, xử lý. Trong đó, cơ quan chức năng cần xây dựng chiến lược phát triển tư pháp người dưới 18 tuổi toàn diện với các bước đi hợp lý, khả thi nhằm phòng ngừa và ứng phó hiệu quả, đồng bộ đối với vi phạm pháp luật của người dưới 18 tuổi.

Theo Viện KSND tỉnh, các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện luật pháp, chính sách về tư pháp đối với người dưới 18 tuổi, đặc biệt là nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Tư pháp người dưới 18 tuổi toàn diện; sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2015 theo hướng tăng cơ hội áp dụng hình phạt khác ngoài hình phạt tù cho người dưới 18 tuổi phạm tội. Đối với công tác xử lý các vi phạm của người dưới 18 tuổi, cần tăng cường áp dụng các biện pháp giáo dục, đặc biệt từng bước tăng cường sự đa dạng và chất lượng của chương trình giáo dục, phục hồi tại cộng đồng với sự tham gia chủ động, tích cực của gia đình, nhà trường, cộng đồng...

Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên sẽ góp phần nâng cao nhận thức trong thanh, thiếu niên về tệ nạn xã hội, hậu quả của các hành vi vi phạm pháp luật. Qua đó, góp phần làm giảm nguy cơ phát sinh, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh, thiếu niên trên địa bàn tỉnh.

Đặng Ngọc - Trần Danh - Tố Tâm

Liên kết hữu ích