Báo Đồng Nai điện tử
En

Để không vướng tranh chấp kinh doanh, thương mại

06:05, 06/05/2022

Theo nhận định của ngành chức năng, thời gian gần đây, án kinh doanh, thương mại có chiều hướng phức tạp, gây khó khăn trong quá trình giải quyết các tranh chấp, nhất là những vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài, tín dụng ngân hàng.

Theo nhận định của ngành chức năng, thời gian gần đây, án kinh doanh, thương mại có chiều hướng phức tạp, gây khó khăn trong quá trình giải quyết các tranh chấp, nhất là những vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài, tín dụng ngân hàng.

Thẩm phán, thư ký của TAND tỉnh giải thích, trao đổi với đương sự trong quá trình giải quyết án tranh chấp hợp đồng kinh doanh, thương mại. Ảnh: Tố Tâm
Thẩm phán, thư ký của TAND tỉnh giải thích, trao đổi với đương sự trong quá trình giải quyết án tranh chấp hợp đồng kinh doanh, thương mại. Ảnh: Tố Tâm

Để giải quyết các mâu thuẫn về lợi ích trong hoạt động kinh doanh thương mại, các cá nhân, tổ chức thường khởi kiện nhau tại tòa để được đảm bảo quyền lợi đôi bên.

* Nhiều tranh chấp phức tạp

Mới đây, TAND tỉnh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty S. (trụ sở ở Campuchia) về việc tranh chấp hợp đồng mua bán và buộc Công ty V. (đóng tại xã Cây Gáo, H.Trảng Bom) có trách nhiệm phải thanh toán tổng số tiền nợ hơn 820 triệu đồng cho Công ty S.

Theo nội dung vụ án, từ năm 2016, Công ty S. và Công ty V. có ký 3 hợp đồng mua bán mặt hàng kính. Hợp đồng ghi rõ, sau khi giao - nhận hàng thì Công ty V. phải thanh toán toàn bộ số tiền gần 570 triệu đồng. Tuy nhiên, do gặp khó khăn nên Công ty V. không thanh toán cho đối tác dù đã bị đòi nợ nhiều lần. Để giải quyết tranh chấp, năm 2020, Công ty S. đã đệ đơn lên tòa án yêu cầu giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán. Do vụ án liên quan đến công ty ở nước ngoài nên công tác xác minh, giải quyết bị kéo dài và gặp nhiều khó khăn.

Theo TAND tỉnh, tính từ tháng 3-2021 đến tháng 3-2022, TAND 2 cấp của tỉnh đã giải quyết được 177 vụ, việc/hơn 460 vụ, việc. Trong đó, TAND cấp huyện đã giải quyết 167 vụ, việc/419 vụ, việc.

Tương tự, việc giải quyết các án kinh doanh, thương mại tranh chấp hợp đồng tín dụng cũng khá phức tạp. Có nhiều vụ bị kháng cáo khiến vụ án kéo dài nhiều năm. Đơn cử như vào năm 2016, ngân hàng P. (trụ sở ở TP.Biên Hòa) đã cho Công ty L. (Q. Bình Thạnh, TP.HCM) vay 1,6 tỷ đồng với điều kiện thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại H.Củ Chi (TP.HCM) do ông V.T. (48 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) đứng tên. Quá trình vay, Công ty L. chỉ trả lãi được hơn 50 triệu đồng rồi ngưng. Do đó, phía ngân hàng đã làm đơn khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết.

Vào năm 2019, TAND TP.Biên Hòa tuyên buộc Công ty L. phải có trách nhiệm thanh toán cho ngân hàng P. hơn 1,9 tỷ đồng (bao gồm tiền gốc và lãi). Tài sản thế chấp đảm bảo là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông V.T. Ngay sau đó, ông V.T. là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm vì cho rằng, ngân hàng nhận thế chấp không đúng đối tượng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông là bên thứ 3.

Sau khi xem xét hồ sơ, tranh tụng tại phiên tòa xét xử vào cuối năm 2021, TAND cấp phúc thẩm đã không chấp nhận kháng cáo của ông V.T. và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

* Cẩn trọng khi ký hợp đồng

Theo đại diện Tòa Kinh tế, TAND tỉnh, những năm gần đây, kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển và hội nhập sâu với thế giới. Đi kèm với sự phát triển là những tranh chấp, rủi ro không thể lường trước được trong quá trình thực hiện các hợp đồng kinh doanh, thương mại. Trong đó, tranh chấp thương mại chủ yếu là do mâu thuẫn về quyền và nghĩa vụ giữa các bên như: mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, cho thuê, xây dựng, vận chuyển hàng hóa, mua bán trái phiếu, cổ phiếu, đầu tư tài chính, ngân hàng… Trong quá trình thực hiện giao dịch, do phát sinh những mâu thuẫn quá lớn, không thỏa thuận được nên các cá nhân, tổ chức thường chọn cách khởi kiện ra tòa án để được giải quyết.

Bên cạnh những vụ án tranh chấp kinh tế có tính chất đơn giản, chứng cứ rõ ràng thì cũng có những vụ tranh chấp mang tính chất phức tạp do có yếu tố nước ngoài (công ty ở nước ngoài, người đại diện pháp lý là người nước ngoài…). Quá trình giải quyết vụ án phải thực hiện các ủy thác tư pháp đến các cơ quan lãnh sự quán tại nước ngoài khiến vụ án bị kéo dài. Đặc biệt là trong đợt dịch bệnh Covid-19 bùng phát, tình hình ủy thác tư pháp diễn ra khó khăn hoặc không thể ủy thác tư pháp trong một thời gian dài. Bên cạnh đó, nhiều quy định pháp luật còn chồng chéo, có sự điều chỉnh liên tục nên gây khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật để giải quyết.

“Trong các vụ án tranh chấp kinh doanh, thương mại thì án tranh chấp liên quan đến xây dựng là một trong những loại án khó giải quyết nhất, bởi trong quá trình xây dựng thường phát sinh nhiều thay đổi, rủi ro mà cả hai bên đều không lường trước được. Trong khi đó, hợp đồng liên quan đến xây dựng thường là hợp đồng mở, không có nhiều điều khoản rõ ràng để buộc các bên thực hiện quyền và nghĩa vụ được chặt chẽ hơn” - một vị thẩm phán TAND tỉnh trao đổi thêm.

Chánh án TAND H.Vĩnh Cửu Bùi Bá Diễn cho biết, đa phần các vụ tranh chấp kinh doanh, thương mại đều do TAND thuộc cấp huyện giải quyết. Thời gian qua chủ yếu là tranh chấp hợp đồng tín dụng ngân hàng, một số vụ tranh chấp có chiều hướng phức tạp, gây khó khăn cho các thẩm phán. Nhất là việc tranh chấp các hợp đồng tín dụng, ngân hàng nhưng tài sản thế chấp liên quan đến quyền lợi của người thứ 3.

“Hiện nay, xuất hiện các trường hợp như các cá nhân, doanh nghiệp sau khi thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ngân hàng đã bán đất bằng giấy tay cho người dân. Hoặc có trường hợp đã phân lô bán đất cho nhiều người dân ở ổn định nhưng “sổ đỏ” vẫn đứng tên chủ cũ và khi cần tiền chủ cũ đã đem đi thế chấp ngân hàng. Điều này đã khiến các vụ tranh chấp khó giải quyết, kéo dài do liên quan đến quyền lợi bên thứ 3” - thẩm phán Bùi Bá Diễn cho biết thêm.

Do đó, theo ngành tòa án, để giải quyết án kinh doanh, thương mại đạt hiệu quả cao, đòi hỏi lực lượng thẩm phán, thư ký phải luôn trau dồi kinh nghiệm, bổ sung kiến thức, nâng cao công tác nghiệp vụ. Đồng thời, các cá nhân, tổ chức phải luôn cẩn trọng khi ký hợp đồng và trong quá trình thực hiện các loại hợp đồng giao dịch để tránh những mâu thuẫn, rủi ro không đáng có. Việc giải quyết có hiệu quả các tranh chấp hợp đồng kinh doanh thương mại tại tòa mang ý nghĩa quan trọng khi không chỉ đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp mà còn góp phần tạo môi trường kinh doanh an toàn, lành mạnh.

Bồi dưỡng kỹ năng trọng tài thương mại cho luật gia, luật sư

Hội Luật gia tỉnh vừa phối hợp với Trung tâm Trọng tài thương mại TP.HCM (Tracent) tổ chức khóa tập huấn pháp luật về trọng tài cho 14 trọng tài viên, luật sư, luật gia khu vực Đông Nam bộ. Tại khóa tập huấn, học viên được các trọng tài viên giàu kinh nghiệm của Tracent triển khai chuyên đề: pháp luật về trọng tài thương mại, tố tụng trọng tài; kỹ năng tố tụng trọng tài, phương thức giải quyết tranh chấp thương mại bằng tố tụng trọng tài; tính ưu việt của giải quyết tranh chấp thương mại giữa các bên thông qua con đường trọng tài thương mại…

Đoàn Phú

Tố Tâm

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích