Báo Đồng Nai điện tử
En

Siết chặt phòng cháy tại các cơ sở 'siêu cũ'

09:03, 22/03/2022

Thời gian tới, các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trên toàn tỉnh được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC có hiệu lực (ngày 4-10-2001) sẽ được cơ quan chức năng trong tỉnh siết chặt quản lý, buộc bổ sung các biện pháp đảm bảo an toàn, thoát hiểm.

Thời gian tới, các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trên toàn tỉnh được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC có hiệu lực (ngày 4-10-2001) sẽ được cơ quan chức năng trong tỉnh siết chặt quản lý, buộc bổ sung các biện pháp đảm bảo an toàn, thoát hiểm.

Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh kiểm tra một cơ sở (tại TP.Biên Hòa) được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy, chữa cháy có hiệu lực (ngày 4-10-2001). Ảnh: Tư liệu
Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh kiểm tra một cơ sở (tại TP.Biên Hòa) được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy, chữa cháy có hiệu lực (ngày 4-10-2001). Ảnh: Tư liệu

Ngày 8-12-2021, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 26/2021/NQ-HĐND quy định xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC có hiệu lực (trước ngày 4-10-2001).

* Nhiều giải pháp thay thế, bổ sung

Nghị quyết 26/2021/NQ-HĐND đã buộc các cơ sở phải khắc phục những tồn tại không đảm bảo an toàn về PCCC theo quy chuẩn, tiêu chuẩn đang có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, nghị quyết vẫn "mở" hướng ra cho các trường hợp không thể thực hiện theo quy chuẩn, tiêu chuẩn khi cho phép áp dụng các giải pháp thay thế, bổ sung theo các quy định cụ thể đã được cơ quan chuyên môn về PCCC thẩm định.

Cụ thể, nghị quyết tập trung vào 5 nhóm giải pháp thay thế, bổ sung chính là: thực hiện khoảng cách an toàn về PCCC; giao thông phục vụ chữa cháy; lối thoát nạn; bố trí mặt bằng, công năng sử dụng; hệ thống, phương tiện PCCC. Trong đó có một số biện pháp được Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh đánh giá là các cơ sở có thể thực hiện ngay nhằm đảm bảo an toàn PCCC. Điển hình như: giảm thiểu số lượng, bố trí sắp xếp hàng hóa; chất hàng nguy hiểm về cháy, nổ cách xa tường phía tiếp giáp với công trình xung quanh, tạo khoảng cách an toàn đến khu vực có nguồn nhiệt, nguồn lửa, thiết bị điện; bổ sung các lối ra khẩn cấp, lối đi qua ban công hoặc mái sang các nhà liền kề có cùng độ cao, cầu thang và lối thoát nạn; trang bị mặt nạ lọc độc trên mỗi tầng để sử dụng trong quá trình thoát nạn...

Ngoài ra, trong thời gian thực hiện các giải pháp thay thế, bổ sung, các cơ sở phải trang bị bổ sung phương tiện PCCC, bố trí giám sát PCCC 24/24 giờ; thực hiện các biện pháp sắp xếp hàng hóa đảm bảo khoảng cách về PCCC để giảm thiểu nguy cơ rủi ro xảy ra cháy, tăng khả năng chữa cháy tại chỗ, khi mới xảy ra cháy.

* Ra quân tổng kiểm tra

Để thực hiện tốt Nghị quyết 26/2021/NQ-HĐND, UBND tỉnh vừa có kế hoạch triển khai nghị quyết này bằng việc thành lập đoàn liên ngành kiểm tra, rà soát, lập danh sách các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC có hiệu lực. Qua kiểm tra, đoàn liên ngành sẽ đánh giá các nội dung không đảm bảo yêu cầu về PCCC theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định đang có hiệu lực thi hành của từng cơ sở. Từ đó yêu cầu chủ cơ sở thực hiện các biện pháp khắc phục những tồn tại không đảm bảo an toàn về PCCC theo quy chuẩn, tiêu chuẩn đang có hiệu lực thi hành hoặc kiến nghị áp dụng các giải pháp thay thế, bổ sung.

Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh (cơ quan được giao nhiệm vụ phó trưởng đoàn kiểm tra) cho biết: "Dựa vào thực tế kiểm tra, đoàn sẽ kiến nghị các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư các cơ sở phải bố trí nguồn vốn, kinh phí để khắc phục những tồn tại không đảm bảo an toàn về PCCC hoặc dùng cho giải pháp thay thế, bổ sung. Đối với các cơ sở không thực hiện được, sẽ vận động chuyển đổi, thay đổi tính chất sử dụng công trình cho phù hợp, hoàn thành trước ngày 31-12-2023".

Trước đó, vào tháng 6-2021, UBND tỉnh cũng đã lập đoàn kiểm tra 21 cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC trên toàn tỉnh được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC có hiệu lực. Chủ yếu là các chợ, cây xăng, cơ sở kinh doanh gas tập trung tại TP.Biên Hòa và các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ, Trảng Bom, Thống Nhất, Vĩnh Cửu. Bên cạnh đó, hằng năm, các cơ sở này cũng thường xuyên được công an địa phương kiểm tra, nhắc nhở về công tác PCCC.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng yêu cầu các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC có hiệu lực phải xây dựng phương án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp hệ thống, phương tiện PCCC theo kiến nghị của đoàn kiểm tra. Lập hồ sơ thiết kế về PCCC của cơ sở gửi Cơ quan Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ thẩm duyệt trước khi thực hiện các biện pháp khắc phục. Đặc biệt, chỉ được đưa cơ sở hoạt động lại sau khi đã được Cơ quan Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ nghiệm thu.

Điều 2 Nghị quyết 26/2021/NQ-HĐND nêu rõ, trong thời gian kể từ ngày nghị quyết này có hiệu lực đến ngày 1-1-2024, các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC có hiệu lực thi hành phải hoàn thành các giải pháp thay thế, bổ sung theo quy định. Sau ngày 1-1-2024, các cơ sở không thực hiện các giải pháp thay thế, bổ sung bị đình chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều