Với mục tiêu để người dân, nhất là đối tượng yếu thế (người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật…) dễ dàng, thuận lợi trong việc tiếp cận kiến thức pháp luật mà không phải đi xa, Trung tâm Tư vấn pháp luật (TVPL) tỉnh (thuộc Hội Luật gia tỉnh) tiếp tục triển khai thêm các điểm TVPL ở các địa phương trong tỉnh.
Với mục tiêu để người dân, nhất là đối tượng yếu thế (người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật…) dễ dàng, thuận lợi trong việc tiếp cận kiến thức pháp luật mà không phải đi xa, Trung tâm Tư vấn pháp luật (TVPL) tỉnh (thuộc Hội Luật gia tỉnh) tiếp tục triển khai thêm các điểm TVPL ở các địa phương trong tỉnh.
Các luật sư Trung tâm Tư vấn pháp luật tỉnh (Hội Luật gia tỉnh) tư vấn, trợ giúp pháp lý cho người dân tại Điểm tư vấn pháp luật cộng đồng đặt tại Phòng Dân tộc TP.Long Khánh. Ảnh: Đoàn Phú |
Đầu năm 2022, điểm TVPL cộng đồng tại Phòng Dân tộc TP.Long Khánh chính thức đi vào hoạt động. Đây là điểm tư vấn thứ 6 được thành lập với nhiệm vụ đưa pháp luật về gần dân hơn.
* Giúp dân gỡ rối về pháp luật
Cuối tháng 2-2022, điểm TVPL cộng đồng tại Phòng Dân tộc TP.Long Khánh ra mắt với 5 luật sư, hoạt động vào ngày thứ năm và thứ sáu hằng tuần. Luật sư Nguyễn Xuân Thanh (Hội Luật gia tỉnh), Phụ trách điểm TVPL này cho biết, từ khi đi vào hoạt động đến nay, các luật sư đã TVPL cho nhiều người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo… Qua đó, giúp gỡ rối nhiều vấn đề liên quan đến pháp lý.
Khi được luật sư Nguyễn Xuân Thanh tư vấn về cách thức giải quyết tranh chấp đất đai trong gia đình, bà T.M. (ngụ xã Bàu Trâm, TP.Long Khánh) cảm thấy thỏa lòng khi ra về. Qua trao đổi với luật sư, bà hiểu rõ hơn về các quy định pháp luật liên quan đến đất đai để có hướng giải quyết vụ việc hợp tình, hợp lý hơn, tránh xung đột, mâu thuẫn không đáng có.
Còn bà V.T. (người Hoa, ngụ P.Xuân An, TP.Long Khánh) khi được luật sư tư vấn cũng thấy an tâm phần nào, không còn nơm nớp lo sợ mẹ con bà ra đi tay trắng khi bị cha mẹ chồng dọa đòi lại đất cho vợ chồng bà ở trước khi chồng bà qua đời. Vì theo quy định pháp luật, mẹ con bà vẫn có quyền lợi tại khu đất này, đồng thời cha mẹ chồng và các em bên chồng cũng được phần tương xứng. Một khi các bên biết ngồi lại thỏa thuận, phân chia thì không cần phải dắt nhau ra tòa tranh chấp vừa mất tình thân, vừa tốn kém tiền bạc.
Luật gia Vòng Khiềng, Giám đốc Trung tâm TVPL tỉnh chia sẻ, các luật sư, luật gia của trung tâm dù có đi vài chục cây số từ TP.Biên Hòa đến TP.Long Khánh nhưng vẫn thấy vui khi giúp được nhiều người dân, đồng bào dân tộc thiểu số khắc phục những hạn chế về kiến thức pháp luật, cũng như giải quyết những vướng mắc về pháp lý mà trước đây họ còn băn khoăn, lo lắng.
Đặc biệt, không chỉ trực tư vấn, trợ giúp pháp lý cho người dân ở điểm TVPL cộng đồng tại Phòng Dân tộc TP.Long Khánh vào các buổi sáng thứ năm và thứ sáu hằng tuần, các luật sư, luật gia còn có thể về tận địa phương nơi người dân sinh sống để tư vấn, trợ giúp pháp lý theo đề xuất của Phòng Dân tộc TP.Long Khánh. Qua đó, giúp công tác TVPL đến gần dân hơn, cũng như kịp thời tháo gỡ những vấn đề khúc mắc của người dân liên quan đến pháp lý.
* Mở rộng các điểm TVPL về vùng sâu, vùng xa
Luật gia Vòng Khiềng, Giám đốc Trung tâm TVPL tỉnh (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, hiện có 6 điểm TVPL tại các đơn vị, địa phương, Văn phòng Hội Luật gia tỉnh và Hội Luật gia TP.Biên Hòa. Trong thời gian tới, sẽ giảm bớt các điểm tư vấn tập trung quá nhiều tại TP.Biên Hòa, chú trọng mở các điểm tại những huyện, xã nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, xa trung tâm, vùng đô thị. Làm được điều này góp phần vào việc giảm thiểu việc đi lại xa, mất nhiều thời gian của người dân.
Trong năm 2021, Trung tâm TVPL tỉnh và các điểm, chi nhánh TVPL đã giải đáp thắc mắc cho trên 3 ngàn trường hợp, trợ giúp pháp lý miễn phí trong và ngoài tố tụng được 59 trường hợp, tổ chức đoàn về tận ấp, xã tuyên truyền kết hợp tư vấn được 12 buổi cho 1.500 lượt người.
Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Phan Văn Châu đánh giá, các điểm, chi nhánh TVPL ngày càng phát huy và thể hiện tinh thần thiện nguyện đầy tâm huyết của đội ngũ luật gia, luật sư của Hội. Việc mở thêm các điểm TVPL mới nhằm tạo môi trường cho đội ngũ hội viên cống hiến, góp sức; thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị tuyên truyền, giáo dục pháp luật; nâng cao kiến thức và điều kiện tiếp cận pháp luật của mọi tầng lớp nhân dân được tốt, chính thống và không phải tốn chi phí.
Điểm TVPL cộng đồng tại Bộ phận tiếp dân UBND H.Tân Phú được Trung tâm TVPL tỉnh thành lập vào năm 2017, do luật gia Lê Ánh Hồng (Hội viên Hội Luật gia tỉnh) phụ trách và trực tiếp dân xuyên suốt vào các ngày làm việc trong tuần.
Luật gia Lê Ánh Hồng cho biết, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, trong năm 2021, điểm TVPL vẫn tiếp nhận trên 300 lượt người dân tới tư vấn và tiến hành trợ giúp pháp lý miễn phí cho 5 người liên quan tới nhiều lĩnh vực như: đất đai, hôn nhân - gia đình, dân sự, hành chính… Bên cạnh đó, điểm TVPL này còn phối hợp với các đơn vị, địa phương về xã, ấp tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân.
“Nhờ được UBND H.Tân Phú, nhất là bộ phận tiếp công dân của UBND huyện quan tâm tạo điều kiện nơi làm việc, giới thiệu người dân tới tư vấn nên công việc trực tư vấn, trợ giúp pháp luật của tôi rất thuận lợi. Mỗi khi người dân báo lại vụ việc đã được chính quyền, gia đình giải quyết thỏa đáng là tôi cảm thấy hạnh phúc, vui cùng với họ” - luật gia Lê Ánh Hồng chia sẻ.
Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh PHAN VĂN CHÂU nhấn mạnh, việc duy trì và mở rộng các điểm, hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp luật tại những địa bàn vùng sâu, xa trung tâm sẽ giúp người dân nơi đây dễ dàng tiếp cận các văn bản pháp luật, các dịch vụ pháp lý và giải tỏa được những vấn đề xung đột pháp lý cá nhân, cộng đồng trên tinh thần thượng tôn pháp luật, thắt chặt mối đoàn kết cộng đồng, thấu hiểu và sẻ chia. |
Đoàn Phú