Theo chỉ đạo của Chính phủ, đến tháng 6-2022, tối thiểu 90% phương tiện được dán thẻ và sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng (ETC). Tuy nhiên, đây là mục tiêu khó hoàn thành khi tỷ lệ phương tiện sử dụng dịch vụ này hiện còn thấp.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, đến tháng 6-2022, tối thiểu 90% phương tiện được dán thẻ và sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng (ETC). Tuy nhiên, đây là mục tiêu khó hoàn thành khi tỷ lệ phương tiện sử dụng dịch vụ này hiện còn thấp.
Trạm thu phí BOT đường tránh TP.Biên Hòa (quốc lộ 1, đoạn qua xã Trung Hòa, H.Trảng Bom) có làn thu phí không dừng, nhưng nhiều phương tiện không sử dụng dịch vụ này khiến ùn tắc giao thông kéo dài. Ảnh: T.Hải |
Người dân chưa mặn mà với việc sử dụng thẻ ETC một phần do thói quen sử dụng tiền mặt vẫn còn phổ biến.
* Người dân, doanh nghiệp chưa mặn mà
Mặc dù có nhiều giải pháp như đưa vào sử dụng dịch vụ ETC, tỷ lệ người dân dán thẻ sử dụng dịch vụ ETC đã tăng cao nhưng vẫn còn tỷ lệ lớn chưa sử dụng khiến xảy ra ùn tắc trên các tuyến cửa ngõ ra vào thành phố lớn. Đến nay, cả nước mới có khoảng 2,5 triệu xe tham gia ETC (chiếm hơn 50% tổng số xe trên cả nước).
Hiện có nhiều yếu tố đặc thù, khách quan khiến nhiều chủ xe không có nhu cầu sử dụng dịch vụ ETC vì chỉ hoạt động trong các đô thị, ở vùng không có các trạm thu phí hoặc ít đi qua các trạm thu phí. Ngoài ra, nguyên nhân khiến chủ phương tiện chưa mặn mà với việc sử dụng thẻ ETC là các doanh nghiệp vận tải có nhiều đầu xe, lại phải đóng trước một số tiền không nhỏ. Việc chủ phương tiện nạp tiền vào tài khoản giao thông sau đó trừ dần cũng chưa thực sự khuyến khích người dân sử dụng.
Để bảo đảm mục tiêu mỗi trạm thu phí duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp như chỉ đạo của Thủ tướng, trong thời gian tới cần lắp thêm 126 làn ETC (trong đó 42 làn thuộc các trạm do Bộ GT-VT là cơ quan có thẩm quyền, 84 làn thuộc các trạm do địa phương là cơ quan có thẩm quyền). |
Theo đại diện Công ty CP Giao thông số Việt Nam (đơn vị phát hành thẻ ePass), tuy Chính phủ đã yêu cầu nhưng chưa có quy định pháp luật bắt buộc chủ phương tiện phải dán thẻ và sử dụng dịch vụ. Cùng với đó là do thói quen sử dụng tiền mặt của các chủ phương tiện vẫn còn phổ biến.
Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là trong quá trình vận hành hệ thống ETC vẫn còn một số lỗi, bất cập gây bức xúc cho chủ xe như: xe qua trạm phải trả tiền mặt trong khi tài khoản giao thông vẫn trừ tiền, nhiều xe chưa đủ điều kiện vẫn đi vào cửa dành riêng cho xe thực hiện ETC…
Ông Lê Văn Tài (ngụ P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa) cho biết, việc quản lý vận hành hệ thống liên quan đến nhiều bên như: ngân hàng, nhà đầu tư BOT, nhà cung cấp dịch vụ ETC, chủ xe... nên có nhiều quy định, chính sách chưa thực sự thống nhất. Bản thân ông Tài sử dụng thẻ ePass của Công ty CP Giao thông số Việt Nam nhưng không phải qua trạm BOT nào cũng được chấp nhận. Có những lần xe của ông qua làn ETC bị từ chối, ông phải quay xe để lưu thông qua làn thu phí thủ công.
“Điều này rất bất tiện vì vừa mất thời gian của chủ xe, vừa khiến giao thông thêm lộn xộn khi phải xếp hàng chờ đợi dẫn đến ùn tắc. Do đó, muốn loại hình dịch vụ này được nhiều người sử dụng thì cần tiếp tục hoàn thiện, khắc phục dứt điểm trong thời gian tới” - ông Tài nói.
* Mục tiêu có khả thi?
Để phát huy hiệu quả, lợi ích thiết thực trong việc sử dụng dịch vụ ETC theo yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ, Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ GT-VT và các cơ quan, đơn vị liên quan phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần ưu tiên giải quyết. Đến tháng 6-2022, cả nước phải đạt được tối thiểu 90% phương tiện dán thẻ và sử dụng dịch vụ ETC.
Theo Bộ GT-VT, đến hết năm 2021 đã có 113 trạm thu phí trên toàn quốc đưa vào vận hành hệ thống ETC. Một số trạm không triển khai hoặc lùi thời gian triển khai ETC do có tính chất đặc thù đã được Thủ tướng chấp thuận. Các trạm sẽ phải hoàn thành lắp đặt trong quý I-2022. Khi đó, mỗi trạm chỉ duy trì tối đa 1 làn thu phí hỗn hợp trên mỗi chiều lưu thông.
Bộ GT-VT đã làm việc với từng nhà đầu tư BOT do Bộ này quản lý và nhà cung cấp dịch vụ ETC để thống nhất phương án, phấn đấu hoàn thành trong quý I -2022. Đồng thời, Bộ làm việc với từng địa phương để thống nhất phương án, lộ trình triển khai làn ETC tại các trạm do địa phương quản lý.
Với các đường cao tốc chưa thực hiện ETC do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý, cơ quan có thẩm quyền đã thống nhất giao VEC tổ chức thuê đơn vị cung cấp dịch vụ ETC. Dự kiến VEC sẽ hoàn thành đấu thầu nhà cung cấp dịch vụ ETC trong quý I-2022, tổ chức lắp đặt, vận hành hệ thống trong quý II-2022.
Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cho hay, việc sử dụng dịch vụ ETC mang lại hiệu quả rất lớn. Nếu các phương tiện đã dán thẻ ETC thì khi lưu thông qua các trạm thu phí sẽ không mất thời gian dừng lại chờ đợi. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tỷ lệ lớn phương tiện chưa sử dụng khiến xảy ra ùn tắc trên các tuyến cửa ngõ ra vào thành phố, đô thị lớn vào mỗi dịp lễ, Tết. Do đó, đẩy mạnh hoạt động này sẽ góp phần giải tỏa giao thông tại các trạm thu phí, tạo điều kiện cho lưu thông thuận lợi và an toàn.
Thanh Hải