Báo Đồng Nai điện tử
En

Vấn đề pháp lý khi vay mượn nợ

09:12, 21/12/2021

Trong năm 2021, Hội Luật gia tỉnh tư vấn pháp luật miễn phí cho gần 1 ngàn trường hợp; trong đó, có gần 100 trường hợp liên quan tới việc vay mượn nợ hoặc giao dịch khác bằng miệng như: mua bán nông sản, phân thuốc, con giống...

Trong năm 2021, Hội Luật gia tỉnh tư vấn pháp luật miễn phí cho gần 1 ngàn trường hợp; trong đó, có gần 100 trường hợp liên quan tới việc vay mượn nợ hoặc giao dịch khác bằng miệng như: mua bán nông sản, phân thuốc, con giống...

Người dân xã Phú Cường (H.Định Quán) thắc mắc vấn đề pháp lý liên quan đến việc cho vay mượn nợ bằng miệng tại buổi tuyên truyền pháp luật do Hội Luật gia tỉnh và Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai phối hợp tổ chức. Ảnh: Đoàn Phú
Người dân xã Phú Cường (H.Định Quán) thắc mắc vấn đề pháp lý liên quan đến việc cho vay mượn nợ bằng miệng tại buổi tuyên truyền pháp luật do Hội Luật gia tỉnh và Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai phối hợp tổ chức. Ảnh: Đoàn Phú

Theo Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Phan Văn Châu, việc người dân giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong cuộc sống, phát triển kinh tế bằng hình thức cho vay mượn không lãi suất hoặc lãi suất thấp khá phổ biến. Điều này xuất phát từ tập quán tốt đẹp, niềm tin, uy tín và trách nhiệm giữa người vay và người cho vay. Tuy nhiên, việc cho vay mượn bằng miệng, không có giấy tờ vay mượn dễ xảy ra tranh chấp, khiếu nại.

* Cẩn trọng khi cho vay không có giấy tờ

Do thiếu vốn để chăn nuôi heo, ông P.V.B. (ngụ xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu) mượn vợ chồng ông H.V.M. (ngụ cùng địa phương) 70 triệu đồng. Vợ chồng ông M. cho ông B. mượn không lãi suất, không cần viết giấy làm bằng chứng và hai bên có thỏa thuận miệng với nhau đến cuối năm 2021 (tức ngày 31-12-2021) thì ông B. phải trả tiền cho vợ chồng ông M.

Do giá heo hơi hạ, dẫn tới thua lỗ kéo dài nên nay sắp tới ngày trả nợ, ông B. vẫn không xoay được tiền trả nợ nên thường xuyên lánh mặt, không nghe điện thoại mỗi khi ông M. gọi điện đòi nợ. Chính vì vậy, ông M. rất lo lắng, sợ ông B. không thừa nhận việc vay tiền của vợ chồng ông.

Luật sư Cao Sơn Hà (Đoàn Luật sư tỉnh) cho hay, Khoản 1, Điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, hình thức của giao dịch dân sự như sau: được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Do đó, việc thỏa thuận cho vay mượn bằng miệng giữa ông B., ông M. được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Vì việc này không trái quy định pháp luật và xuất phát từ truyền thống, tập quán tốt đẹp tương trợ, giúp đỡ nhau trong nhân dân.

Luật sư Cao Sơn Hà cũng lưu ý, dù pháp luật dân sự công nhận việc vay mượn giữa các bên được thể hiện bằng lời nói, nhưng khi phát sinh tranh chấp, bên cho vay sẽ gặp rắc rối, khó khăn rất lớn trong việc tìm chứng cứ chứng minh khi bên vay có ý định xấu, lật kèo hoặc chối bỏ việc mình có vay mượn nợ, thời gian trả nợ chưa tới.

Do đó, sự lo lắng của ông M. cũng là nỗi lo của nhiều người khi cho bạn bè, người thân vay mượn tiền mà không làm biên bản. Tốt nhất, khi giao dịch các bên nên lập thành văn bản, ký tên, điểm chỉ và có thể nhờ hàng xóm làm chứng hoặc ra UBND xã chứng thực.

* Cách giải tỏa nỗi lo

Để giải quyết vấn đề, theo luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luât gia TP.Biên Hòa), người vay nên chủ động gặp người cho vay trình bày hoàn cảnh, lý do không thực hiện trả nợ đúng giao kết để người cho vay thông cảm, đồng ý cho kéo dài thêm thời hạn trả gốc lẫn lãi suất. Việc thỏa thuận này nên lập thành văn bản để tạo niềm tin và hướng giải quyết về sau thêm thuận lợi, nhất là khi người vay chối bỏ việc vay mượn hoặc đã nhiều lần được cho giãn nợ.

Còn phía người cho vay, khi nhận thấy người vay có ý định chối bỏ việc đã vay mượn thì nên củng cố chứng cứ thật vững chắc trước khi khởi kiện người vay. Muốn vậy, người cho vay phải có vật chứng, tài liệu đọc được, nghe được, dữ liệu điện tử (tin nhắn) liên quan tới việc vay mượn giữa đôi bên theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Cụ thể, khi khởi kiện, người cho vay phải có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho tòa án và chứng cứ này là những gì có thật. Từ đó, tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ việc cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.

Luật gia Phạm Đình Đức lưu ý, người cho vay không vì quá bức xúc khi bị người vay quỵt nợ, chối bỏ việc vay mượn dù đã được chủ nợ nhiều lần cho giãn nợ mà có các hành vi như: cưỡng đoạt tài sản để trừ nợ, chửi bới, đe dọa con nợ, bắt giữ con nợ… “Vì trong thực tế vẫn xảy ra trường hợp từ chủ nợ trở thành bị can, bị cáo trong các vụ án cưỡng đoạt tài sản, đe dọa giết người, xúc phạm danh dự, xâm phạm thân thể người khác, bắt giữ người trái pháp luật. Đau nhất là số tiền nợ bị quỵt không đủ cho chủ nợ bồi thường dân sự cho người nợ mà còn vướng vào lao lý” - luật gia Phạm Đình Đức khuyến cáo.

Luật sư CAO SƠN HÀ (Đoàn Luật sư tỉnh) cho hay, nếu bên vay chưa có khả năng trả nợ đúng hạn thì có thể thỏa thuận với bên cho vay được chậm trả. Người cho vay đồng ý thì hai bên lập văn bản thỏa thuận, không đồng ý thì khởi kiện ra tòa án.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích