Báo Đồng Nai điện tử
En

Tháo gỡ vướng mắc trong giải quyết khiếu kiện hành chính

06:12, 15/12/2021

Từ khi có Luật Tố tụng hành chính năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2016), việc xét xử án hành chính của TAND 2 cấp tại Đồng Nai đã bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các tổ chức và công dân; đồng thời, nâng cao chất lượng hoạt động hành chính của chính quyền địa phương. Dù vậy, án hành chính đang ngày càng tăng cao và việc xét xử cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Từ khi có Luật Tố tụng hành chính năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2016), việc xét xử án hành chính của TAND 2 cấp tại Đồng Nai đã bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các tổ chức và công dân; đồng thời, nâng cao chất lượng hoạt động hành chính của chính quyền địa phương. Dù vậy, án hành chính đang ngày càng tăng cao và việc xét xử cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

TAND tỉnh xét xử một vụ án hành chính trong năm 2021. Ảnh: T.Tâm
TAND tỉnh xét xử một vụ án hành chính trong năm 2021. Ảnh: T.Tâm

Đặc biệt, án hành chính liên quan đến đất đai tăng theo từng năm (chiếm 70% các vụ việc hành chính) và ngày càng phức tạp, bị kéo dài.

* Khó khăn trong giải quyết án hành chính

Theo TAND tỉnh, thời gian qua, việc xét xử án hành chính đảm bảo đúng trình tự, thủ tục và thời hạn giải quyết, từng bước nâng cao chất lượng xét xử. Trong đó, nhờ phối hợp kịp thời giữa cơ quan hữu quan và ngành tòa án mà nhiều vụ án được xử lý nhanh, hiệu quả.

Điển hình, vào tháng 1-2020, TAND tỉnh thụ lý vụ án về việc khiếu kiện hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai của ông L.V.Đ. (ngụ P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) kiện Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa. Theo đơn khởi kiện của ông Đ., sau năm 1975, bà N. có hơn 18 ngàn m2 tại P.Bửu Hòa. Sau đó, bà N. giao hơn 8,6 ngàn m2 đất cho Sở Vật tư Nam bộ hợp tác làm ăn, phần đất còn lại hơn 9,8 ngàn m2 giao cho ông Đ. quản lý, sử dụng. Sau này, UBND tỉnh giao phần đất trên cho Sở Xây dựng quản lý. Đến năm 2000, Công ty Kinh doanh nhà Đồng Nai tiếp nhận khu đất (8,6 ngàn m2) để xây dựng và lấy cả diện tích đất 9,8 ngàn m2 của ông Đ. mà không tính toán, bồi thường, chỉ hỗ trợ cây trồng trên đất hơn 26,7 triệu đồng..

Ông Đ. cho rằng đã làm đơn khiếu nại nhiều lần nhưng UBND tỉnh và TP.Biên Hòa không ban hành quyết định giải quyết, chỉ trả lời bằng văn bản là không chấp nhận đơn khiếu nại. Do đó, ông Đ. khiếu kiện yêu cầu ngành tòa án xem xét hành vi không nhận và giải quyết đơn khiếu nại của ông Đ.

Vào tháng 8-2020, sau khi thu thập đầy đủ các chứng từ, hồ sơ liên quan trong vụ án, TAND tỉnh đưa vụ án ra xét xử và nhận định ông Đ. đã khiếu nại nhiều lần liên quan đến việc thu hồi diện tích đất hơn 9,8 ngàn m2 và đã được giải quyết nhiều lần, nhưng ông Đ. vẫn tiếp tục khiếu nại. Cụ thể, Hội đồng bồi thường TP.Biên Hòa đã tính toán đền bù cây trồng và giếng đào cho ông hơn 26 triệu đồng. Đồng thời để ông ổn định cuộc sống, cơ quan chức năng đã thống nhất cho ông giữ lại căn nhà đang ở trên diện tích 3 lô đất theo quy hoạch khoảng 300m2 (thuộc diện tích đất 9,8 ngàn m2). Do đó, Hội đồng xét xử tuyên bác yêu cầu khởi kiện của ông Đ.

Vụ án bị kháng cáo. Đến đầu năm 2021, TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm và tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Đồng Nai.

Cũng có những vụ khiếu kiện hành chính có tính chất phức tạp nên bị kéo dài nhiều năm. Cụ thể, vào năm 2018, ông H.V.D. (ngụ H.Long Thành) khiếu nại Sở TN-MT yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) đối với bà H.

Theo ông D., từ năm 1999 đến nay, ông sử dụng đất ổn định tại H.Long Thành với diện tích hơn 10 ngàn m2, không có tranh chấp. Đến năm 2017, ông làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ thì được biết diện tích đất trên đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho bà H. Đến năm 2018, ông D. làm đơn khởi kiện.

Sau 4 năm thu thập chứng cứ, tài liệu, vào tháng 4-2021, TAND tỉnh đưa vụ việc ra xét xử và nhận định Sở TN-MT cấp giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất không đúng vị trí, hiện trạng sử dụng. Do đó, tòa tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông D., hủy giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất  do Sở TN-MT cấp cho bà H.

* Từng bước tháo gỡ vướng mắc trong giải quyết án hành chính

Theo ngành tòa án, trong những năm gầy đây, số lượng án hành chính tăng cao, nhất là khiếu kiện liên quan đến đất đai, có diễn biến phức tạp và bộc lộ những khó khăn, vướng mắc.

Phó chánh án TAND tỉnh Nguyễn Thành Sơn cho hay, trong những năm gần đây, tỉnh Đồng Nai phát triển nhiều dự án kinh tế lớn như: cảng hàng không quốc tế Long Thành; đường cao tốc; các đường giao thông huyết mạch nối Đồng Nai, TP.HCM và các tỉnh lân cận, nên Đồng Nai cũng là một trong những điểm nóng của thị trường bất động sản, các vụ án hành chính, nhất là án hành chính liên quan đến đất đai vì vậy tăng theo từng năm. Hơn nữa, người dân thường có tâm lý muốn đạt được yêu cầu, mong muốn của họ trong việc bồi thường, hỗ trợ; nhiều người chưa nắm rõ về quy định pháp luật nên có nhiều vụ việc đã hết thời hiệu khởi kiện nhưng vẫn nộp đơn kiện, dẫn đến án hành chính tăng.

Theo ông Sơn, một lý do khách quan nữa là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến việc xét xử tất cả các vụ án đều bị ngưng trệ. Trong khi đó, khi phát sinh khiếu kiện, tranh chấp, đương sự cư trú ở nhiều nơi nên tòa án mất nhiều thời gian thu thập, củng cố hồ sơ, tài liệu và triệu tập các đương sự đến làm việc. Nhiều vụ án có tính chất phức tạp, khó giải quyết, các đương sự mâu thuẫn, căng thẳng và gây áp lực cho thẩm phán, thư ký.

“Hiện nay, đa số án hành chính đều do tòa án cấp tỉnh thụ lý. Số án hành chính tăng cao hằng năm nhưng thẩm phán giải quyết án lại rất ít, chỉ 6 thẩm phán. Trong khi các thẩm phán không chỉ giải quyết án hành chính mà còn giải quyết các án khác như: dân sự, hình sự nên không đủ lực lượng. Hơn nữa, hiện chỉ có Luật Tố tụng hành chính mà không có Luật Hành chính nên khi thụ lý, giải quyết các vụ án hành chính, thẩm phán buộc phải tìm các văn bản pháp luật liên quan để áp dụng cho đúng, phù hợp, giúp giải quyết vụ án chính xác” - Phó chánh án TAND tỉnh Nguyễn Thành Sơn phân tích thêm.

Theo lãnh đạo TAND tỉnh, trước đây việc cung cấp tài liệu từ các cơ quan nhà nước cho tòa còn chậm nhưng từ năm 2019, khi có quy chế phối hợp giữa ngành tòa án và UBND tỉnh thì cơ bản việc cung cấp hồ sơ đã tương đối thuận lợi, được tháo gỡ một phần khó khăn. Do đó, để giải quyết nhanh, chính xác các vụ án hành chính, phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan hữu quan, cung cấp đầy đủ, kịp thời, nhanh chóng các nguồn tài liệu. Thông qua công tác giải quyết, xét xử các vụ án nói chung và án hành chính nói riêng, ngành tòa án sẽ có kiến nghị hoặc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương để có các giải pháp về quản lý hành chính, đất đai, góp phần giữ vững an ninh trật tự địa phương. Đồng thời, ngành tòa án cũng sẽ cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng và động viên cán bộ, công chức tự nâng cao trình độ chuyên môn.

Án hành chính liên tục tăng cao

Trong những năm qua, án hành chính liên tục tăng theo từng năm. Cụ thể, trong 3 năm, từ năm 2016-2018, tổng thụ lý hơn 870 vụ, việc; trong khi đó, trong 3 năm, từ năm 2019-2021, ngành tòa án đã thụ lý hơn 1,1 ngàn vụ, việc.

Tố Tâm

Tin xem nhiều