Hoạt động giám định tư pháp có ý nghĩa rất quan trọng trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, góp phần quan trọng vào việc giải quyết các vụ án được chính xác, khách quan và đúng pháp luật. Tuy nhiên, quá trình giám định tư pháp đã bộc lộ một số bất cập, khó khăn trong công tác phối hợp.
Hoạt động giám định tư pháp có ý nghĩa rất quan trọng trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, góp phần quan trọng vào việc giải quyết các vụ án được chính xác, khách quan và đúng pháp luật. Tuy nhiên, quá trình giám định tư pháp đã bộc lộ một số bất cập, khó khăn trong công tác phối hợp.
Giám định viên Trung tâm Pháp y tỉnh đang tiến hành kiểm tra cho một đương sự trong một vụ án gây thương tích trên địa bàn tỉnh. Ảnh: T.Tâm |
Để nâng cao chất lượng giám định tư pháp, sáng 9-12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh và Trung tâm Pháp y Đồng Nai đã tổ chức lễ ký kết quy chế phối hợp công tác giữa 2 đơn vị về hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực pháp y.
* Giám định pháp y kịp thời
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, thời gian vừa qua, hoạt động giám định pháp y cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, trở thành “mắt xích” rất quan trọng giúp cơ quan điều tra giải quyết nhanh, chính xác các vụ án xảy ra trên địa bàn. Trong số đó, có nhiều vụ án xâm hại tình dục đòi hỏi phải kịp thời, giúp cơ quan điều tra làm rõ nhanh, chính xác về vụ án.
Điển hình, vào ngày 2-12, Công an H.Cẩm Mỹ nhận được tin báo của gia đình cháu T.K. (sinh năm 2008, ngụ H.Cẩm Mỹ) tố cáo đối tượng N.Đ.T. (33 tuổi, ngụ xã xuân Đông, H.cẩm Mỹ, dượng của K.) đã thực hiện hành vi giao cấu với cháu. Cụ thể, khi đang chở cháu K. về nhà T. chơi, khi đi đến khu vực xã Xuân Đông (H.Cẩm Mỹ), T. đã dẫn cháu K. vào căn nhà hoang và dùng vũ lực giao cấu trái ý muốn với cháu K. Sau khi Công an H.Cẩm Mỹ trưng cầu giám định, chỉ 5 ngày sau, Trung tâm Pháp y tỉnh đã có kết luận đối với vụ việc để Công an huyện có cơ sở tiếp tục điều tra về vụ án, xác định chính xác hành vi phạm tội của đối tượng.
Bên cạnh đó, có những vụ việc nạn nhân tử vong đột ngột (trong vụ án giết người, tai nạn giao thông…), khi cơ quan điều tra ra trưng cầu giám định thì các giám định viên phải tiến hành giám định ngay (bất kể ngày, đêm). Cụ thể, vào ngày 7-12, anh N.V.Đ (32 tuổi, ngụ xã La Ngà, H.Định Quán) bị tai nạn giao thông tại H.Thống Nhất và tử vong. Sau đó, anh được gia đình đưa về tại căn nhà nổi trên sông La Ngà. Đến khoảng 3 giờ ngày 8-12, giám định viên phải phối hợp cùng Công an H.Thống Nhất đến nhà nạn nhân tiến hành khám nghiệm tử thi nhằm có kết luận sớm, đảm bảo tính chính xác giúp cho cơ quan điều tra xác định nguyên nhân tử vong của nạn nhân, có hướng giải quyết vụ án đúng pháp luật.
* Phối hợp chặt chẽ hơn trong giám định pháp y
Theo đánh giá của Công an tỉnh và Trung tâm Pháp y tỉnh, trong những năm qua, công tác giám định tư pháp luôn được quan tâm và đạt kết quả quan trọng, góp phần phục vụ tốt cho hoạt động tố tụng. Tuy nhiên, trong quá trình phối hợp giữa cơ quan điều tra và Trung tâm Pháp y tỉnh đã gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Trong 11 tháng của năm 2021, Trung tâm Pháp y tỉnh đã giám định được gần 1,7 ngàn trường hợp (trong đó chủ yếu là giám định thương tật, độ tuổi, hung khí, khám nghiệm tử thi và xâm hại tình dục) |
BS CKI Võ Thanh Hòa, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Pháp y tỉnh cho biết, thời gian qua, một số hồ sơ trưng cầu giám định vẫn còn chưa đầy đủ, chặt chẽ, ảnh hưởng đến quá trình giám định và trả kết quả cho cơ quan điều tra. Theo quy định pháp luật, giám định pháp y chỉ giám định hồ sơ đối với người đã chết, mất tích, xuất ngoại; còn với người sống, phải có mặt của người được giám định hoặc phải có người giám hộ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cơ quan điều tra chỉ cung cấp hồ sơ đề nghị trưng cầu giám định nhưng không có người cần giám định (vì nhiều lý do như: người cần giám định không thể tự đến giám định hoặc không muốn đi giám định…) khiến cả hai bên đều tốn thời gian và công sức cho công tác giám định pháp y, ảnh hưởng tiến trình điều tra vụ án.
Trong khi đó, theo Công an tỉnh, công tác giám định liên quan đến các vụ xâm hại tình dục thường được yêu cầu làm ngay để phục vụ công tác điều tra. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp sau khi bị xâm hại một thời gian dài bị hại mới đến trình báo hoặc có lý do khách quan không thể tiến hành giám định được đã gây khó khăn trong công tác điều tra. Trong một số vụ án gây thương tích, nhiều bị hại từ chối giám định, trong khi không giám định tỷ lệ thương tật thì không có cơ sở khởi tố vụ án.
Do đó, để khắc phục những khó khăn, hạn chế trong công tác giám định pháp y, ngày 9-12-2021, Công an tỉnh và Trung tâm Pháp y tỉnh ký quy chế phối hợp gồm 3 Chương, 7 Điều. Nội dung xoay quanh các vấn đề phối hợp giữa hai cơ quan liên quan đến giám định pháp y như: giám định, giám định lại tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích và các nguyên nhân khác; giám định xâm hại tình dục; giám định và giám định lại tử thi, hài cốt; các trường hợp giám định khác theo quy định pháp luật và trưng cầu của cơ quan điều tra.
Cụ thể, quy chế quy định một số vấn đề như: việc giám định về xâm hại tình dục, tử vong sẽ được thực hiện 24/24 giờ, còn các giám định khác (thương tật, độ tuổi, vật, hồ sơ…) sẽ được thực hiện vào giờ hành chính, từ thứ 2 đến thứ 6; cơ quan trưng cầu giám định phải có trách nhiệm đến Trung tâm Pháp y tỉnh để thực hiện việc giao nhận hồ sơ và người cần giám định; Trung tâm Pháp y tỉnh cần trả hồ sơ trong vòng 7-30 ngày (tùy trường hợp). Ngoài ra, một số trường hợp đương sự không thể đến thì giám định viên sẽ đến tận nơi để thực hiện việc giám định và việc thanh toán chi phí phải đúng thời gian quy định…
Đại tá Nguyễn Ngọc Quang, Phó giám đốc Công an tỉnh cho biết, việc ký kết quy chế nhằm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong công tác thực hiện giám định, phối hợp về giám định tư pháp, đảm bảo hoàn thành đúng thời hạn các nội dung trưng cầu theo quy định pháp luật, phục vụ có hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử.
Đồng thời, quy chế nói trên cũng đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất trong tổ chức, quản lý hoạt động giám định tư pháp; giải quyết các vấn đề về giám định tư pháp cần có sự phối hợp giữa cơ quan trưng cầu giám định và cơ quan thực hiện giám định nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám định tư pháp.
Tố Tâm