Gần 6 tháng sau khi Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19 chính thức ra mắt, trên các diễn đàn mạng xã hội vẫn xuất hiện nhiều bài viết xuyên tạc về việc ra đời của quỹ, nhất là việc kêu gọi người dân, doanh nghiệp ủng hộ quỹ.
Gần 6 tháng sau khi Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19 chính thức ra mắt, trên các diễn đàn mạng xã hội vẫn xuất hiện nhiều bài viết xuyên tạc về việc ra đời của quỹ, nhất là việc kêu gọi người dân, doanh nghiệp ủng hộ quỹ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Sự đồng lòng của nhân dân là chìa khóa mở cánh cửa lớn để chúng ta thoát ra khỏi đại dịch và trở về cuộc sống bình thường, bình yên, an dân, an toàn. Ảnh: V.G |
Nhiều bài viết cho rằng, đi nhận tiền của cả người già, trẻ nhỏ là không đáng; rằng Đảng và Nhà nước Việt Nam không thể lo cho dân, mỗi khi có việc đều do người dân đóng góp…
* Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19 - sự tiếp nối tinh thần đoàn kết Việt Nam
Nhìn lại lịch sử dân tộc Việt Nam, mỗi khi Tổ quốc lâm nguy, tinh thần đại đoàn kết của người Việt lại cao hơn bao giờ hết, đó là tinh thần “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”, đó là tinh thần “một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”, đó là tinh thần yêu nước, là tinh thần đại đoàn kết của dân tộc. Một lần nữa, Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19 là sự tiếp nối tinh thần đại đoàn kết và giá trị của chiều sâu văn hóa Việt Nam.
Tối 5-6-2021, Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19 chính thức ra mắt tại Hà Nội với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các nhà lãnh đạo cao cấp của đất nước. Nhìn lên màn ảnh truyền hình, không chỉ các doanh nghiệp, đại diện các cơ quan, đơn vị mà còn có cả những cụ già, em nhỏ, đại diện các tôn giáo… Một lần nữa, tinh thần yêu nước, đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam tiếp tục được khơi dậy và phát huy trong bối cảnh mới, sáng đẹp và rực rỡ hơn. Còn nhớ, năm 1945, khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, đã có một phong trào vận động ủng hộ cho ngân quỹ quốc gia khi ấy là Tuần lễ Vàng…
Trong thư gửi đồng bào toàn quốc nhân dịp Tuần lễ Vàng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Muốn củng cố nền tự do độc lập, chúng ta cần sức hy sinh, phấn đấu của toàn quốc đồng bào, cần sức quyên góp của nhân dân, nhất là những nhà giàu có”. Trong thư này, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đã hướng tới đối tượng của Tuần lễ Vàng là “toàn quốc đồng bào”, thế nhưng thư cũng nhấn mạnh “nhất là những nhà giàu có”. Kêu gọi những nhà giàu có đóng góp cho đất nước, bởi khi ấy, người dân Việt Nam vừa trải qua trận đói khủng khiếp cuối năm 1944, đầu năm 1945 đã cướp đi sinh mệnh của gần 2 triệu đồng bào, vì vậy đa số người dân lao động Việt Nam khi ấy có đời sống rất khó khăn. Tuần lễ Vàng đã thu được những kết quả to lớn. Kết quả là “chỉ trong một thời gian ngắn, nhân dân cả nước đã quyên góp được 20 triệu tiền đồng và 370kg vàng”. Đây được xem là đóng góp của những người yêu nước.
Kết quả thu được từ Tuần lễ Vàng năm 1945 có ý nghĩa to lớn về tài chính và đi cùng với đó, kết quả này mang ý nghĩa chính trị sâu sắc. Sự đóng góp nhiệt thành của các tầng lớp nhân dân thể hiện niềm tin của người dân đối với chính phủ khi ấy, cũng khẳng định chân lý về sức mạnh đại đoàn kết của nhân dân. Đánh giá về thành tựu của cuộc vận động này, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tuần lễ Vàng sẽ tỏ cho toàn quốc đồng bào và cho toàn thế giới biết: Trong khi các chiến sĩ quyết hy sinh giọt máu cuối cùng để giữ vững nền tự do, độc lập của nước nhà, thì đồng bào ở hậu phương, nhất là những nhà giàu có, cũng có thể hy sinh được chút vàng để phụng sự Tổ quốc”.
* Sự chung tay, góp sức của đồng bào
Lễ ra mắt Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19 được tổ chức trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra phức tạp ở Việt Nam. Để giải quyết cách ly, chữa trị, dập dịch ở những địa bàn đông dân cư, phức tạp, nhất là trong môi trường làm việc như các doanh nghiệp cần một nguồn lực khổng lồ.
Vì lẽ ấy, Chính phủ cần sự chung tay góp sức của mỗi người dân, dù đóng góp bằng một tin nhắn. Chọn ngày 5-6-2021 để ra mắt buổi lễ này cũng là ngày kỷ niệm 110 năm ngày người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước.
Trong buổi lễ đặc biệt xúc động này, nhìn lên màn hình là hình ảnh Thủ tướng Phạm Minh Chính và nhiều lãnh đạo cấp cao đã trao chứng nhận cho những cá nhân và tập thể đóng góp ủng hộ quỹ. Thủ tướng đã trao chứng nhận cho một số cá nhân ủng hộ quỹ là những cụ già, em nhỏ, bác sĩ… Nhìn vào số tiền đóng góp của các cá nhân ấy, có thể thấy đó là số tiền không lớn, thậm chí rất nhỏ. Tuy nhiên, người Việt Nam có câu “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Sự cảm ơn của Thủ tướng đối với những cá nhân này là ghi nhận và trân trọng tấm lòng vàng của họ đối với đất nước trong giai đoạn khó khăn. Các nhà khoa học đã chế tạo ra những máy đo có thể cân đo được những đại lượng rất nhỏ, nhưng người ta chưa thể chế ra máy móc nào có thể cân đo được lòng tốt của con người. Điều này thể hiện trong bài phát biểu của Thủ tướng: “Đảng, Nhà nước, Chính phủ hiểu và trân trọng mọi đóng góp của người dân, doanh nghiệp không kể ít hay nhiều đều xuất phát từ tấm lòng, từ trái tim, từ trách nhiệm với cộng đồng, từ sự chia sẻ với Nhà nước, nên đảm bảo quản lý, giám sát hoạt động của quỹ minh bạch và đúng tôn chỉ, mục đích, đúng pháp luật để phục vụ cho sức khỏe, hạnh phúc của nhân dân là trên hết, trước hết”. Cũng vậy, Thủ tướng trao chứng nhận cho đại diện các tổ chức tôn giáo.
Hành động và nghĩa cử ấy là để tri ân sự chung tay góp sức của mọi giới đồng bào, của các tôn giáo. Trong bài phát biểu của mình, mặc dù Thủ tướng đã cố nén sự xúc động, nhưng rồi nước mắt ông đã rơi. Sự xúc động thật lòng của Thủ tướng vượt lên trên tất cả những ngôn từ, bởi có những xúc cảm từ trái tim nằm ngoài sự biểu đạt của ngôn ngữ, bởi những gì từ trái tim sẽ dễ dẫn tới trái tim.
* Không thể phủ nhận và xuyên tạc
Thế và lực của đất nước hôm nay đã khác xa 76 năm về trước, song vẫn còn đó muôn vàn những khó khăn, thách thức cần giải quyết và cần sự chung tay đóng góp của mỗi người dân.
Có ai đó đã phản biện trên các diễn đàn mạng xã hội rằng chính phủ phải có trách nhiệm với người dân, rằng chính phủ phải lo cho dân như trong trường hợp này, rằng chính phủ phải bỏ tiền ra… chứ đừng cái gì cũng kêu gọi sự đóng góp của người dân. Nhìn lại công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 ở Việt Nam, nhìn lại những chính sách về an sinh xã hội mà Chính phủ Việt Nam, các cơ quan trong hệ thống chính trị Việt Nam đã thực hiện suốt gần một năm rưỡi qua, những ai - dù có cái nhìn tiêu cực về xã hội - vẫn không thể phủ nhận rằng Đảng và Nhà nước Việt Nam đã và đang làm hết sức có thể vì cuộc sống và yên bình của người dân. Đó chính là nguyên nhân dòng tiền chảy vào quỹ ủng hộ liên tục tăng lên. Cũng có ý kiến cho rằng, vậy tiền thuế của dân đi đâu rồi mà cái gì cũng kêu dân đóng góp? Xin thưa, tiền thuế của dân vẫn đang được sử dụng theo luật.
Một hãng truyền thông lớn của quốc tế đăng bài viết có câu hỏi: “Tại sao nhận tiền của cụ già, em nhỏ”? Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19 là sự tự nguyện, Chính phủ Việt Nam kêu gọi sự ủng hộ của mỗi người dân, của cộng đồng, của các tổ chức, các doanh nghiệp… Sự đóng góp của mỗi người là tự nguyện, không bắt buộc và đây hoàn toàn không phải là một loại thuế. Một người nào đó, vì lý do này hay lý do khác không ủng hộ quỹ, nhưng có một điều chắc chắn rằng nếu không may bị nhiễm Covid-19, người ấy sẽ vẫn được chăm sóc đầy đủ, vẫn sẽ được tiêm vaccine trong chiến lược tiêm chủng vaccine toàn quốc của Chính phủ, đặc biệt sẽ không bao giờ bị gây khó dễ và không bắt buộc phải giải trình rằng đã ủng hộ quỹ hay chưa.
Trong lúc đất nước còn khó khăn, nguồn lực còn hạn chế thì sự đóng góp của mỗi người dân - dù nhỏ nhất là điều đáng trân trọng. Có danh nhân nào đó đã từng tuyên ngôn rằng thà đốt lên 1 que diêm còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối. Đây là lúc mà mỗi người Việt Nam yêu nước, yêu dân tộc mình - cả ở trong và ngoài nước - tùy vào khả năng của mình - có thể đốt lên 1 que diêm, đốt lên 1 bó đuốc chứ không phải là lúc để than vãn, hoài nghi, chê bai mà không hành động.
Hồng Phúc