Báo Đồng Nai điện tử
En

Đề xuất chuyển hồ sơ 'phạt nguội' giao thông về địa phương

10:12, 08/12/2021

Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đang kiến nghị chuyển chứng cứ vi phạm giao thông bằng hệ thống camera (phạt nguội) cho cơ quan chức năng địa phương lập biên bản, xử lý. Qua đó, tạo điều kiện cho người dân trong việc nộp phạt vi phạm giao thông và khắc phục những bất cập trong xử lý "phạt nguội" giao thông.

Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đang kiến nghị chuyển chứng cứ vi phạm giao thông bằng hệ thống camera (phạt nguội) cho cơ quan chức năng địa phương lập biên bản, xử lý. Qua đó, tạo điều kiện cho người dân trong việc nộp phạt vi phạm giao thông và khắc phục những bất cập trong xử lý “phạt nguội” giao thông.

Nộp phạt vi phạm giao thông trực tiếp tại Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh. Ảnh: T.Hải
Nộp phạt vi phạm giao thông trực tiếp tại Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh. Ảnh: T.Hải

* Còn bất cập trong xử lý

Hiện nay, trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ và cả trong khu vực nội thành ở các đô thị lớn, hệ thống camera giám sát giao thông đã được lắp đặt khá phổ biến. Tại Đồng Nai, thời gian qua, việc sử dụng hệ thống camera dùng để giám sát giao thông cũng được triển khai tại nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh.

Cuối tháng 5-2014, Công an TP.Biên Hòa đưa hệ thống camera giám sát giao thông, an ninh trật tự gồm 58 trụ camera được lắp đặt tại 25 nút giao thông quan trọng và phức tạp trên địa bàn vào hoạt động. Đến cuối tháng 3-2017, Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cũng đưa hệ thống camera giám sát xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông tuyến quốc lộ 1 đoạn qua Đồng Nai đi vào hoạt động.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt do Chính phủ ban hành nên thẩm quyền sửa đổi là của Chính phủ. Hiện Bộ GT-VT là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì việc lấy ý kiến và trình dự thảo sửa đổi nghị định trên để ban hành vào đầu năm 2022.

Mới đây, ngày 14-3-2021, Cục Cảnh sát giao thông đưa vào sử dụng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm về giao thông trên tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Hệ thống đưa vào vận hành sẽ đảm bảo 5 yếu tố gồm: quán xuyến được tình trạng trật tự an toàn giao thông; tích hợp với cơ sở dữ liệu dùng chung để phát hiện, xử lý các trường hợp sử dụng biển số giả, xe gây tai nạn bỏ chạy, xe mất cắp; tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia để xử lý vi phạm hành chính; xử lý vi phạm giao thông và kéo giảm tai nạn, đảm bảo ổn định, phân tích, đánh giá lưu lượng phương tiện để phục vụ quản lý nhà nước.

Công an tỉnh cho biết, qua hệ thống camera giám sát giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông và Công an TP.Biên Hòa đã phát hiện, xử phạt trực tiếp ngoài đường và gửi thông báo chiếm 80,6% tổng số vụ phát hiện. Qua đó, góp phần ngăn chặn vi phạm và hạn chế tai nạn giao thông có thể xảy ra.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, công tác xử lý vi phạm giao thông hiện đã đạt những kết quả nhất định, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Trong đó, việc kết nối, sử dụng nguồn dữ liệu từ camera giao thông chưa thống nhất, liên thông trong xử lý vi phạm. Mặt khác, số lượng trường hợp chủ phương tiện không đến phối hợp xử lý vi phạm theo quy định còn nhiều nên chưa đủ sức răn đe.

Một cán bộ cảnh sát giao thông Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh chia sẻ, vướng mắc lớn nhất trong việc xử lý “phạt nguội” đó là ý thức tự giác chấp hành, tự giác phối hợp với cơ quan chức năng của người vi phạm sau khi nhận thông báo. Nhiều trường hợp, lực lượng chức năng mất rất nhiều thời gian để truy tìm thông tin chủ xe, người vi phạm. Thực tế, có nhiều trường hợp không nộp phạt buộc cơ quan chức năng phải đưa lên hệ thống cảnh báo hoặc không cho đăng kiểm phương tiện.

* Tạo thuận lợi cho người dân trong nộp phạt

Theo quy định hiện hành, tài xế vi phạm giao thông phải đến trụ sở đơn vị phát hiện vi phạm (thông qua hệ thống camera) để ký biên bản, do vậy thời gian qua nhiều tài xế phải di chuyển quãng đường xa, thậm chí đi lại nhiều lần mới hoàn thiện được thủ tục nộp phạt vi phạm hành chính. Không ít trường hợp, vì lý do này mà trốn tránh việc nộp phạt, thậm chí bỏ cả giấy phép lái xe nếu bị giữ giấy tờ.

Ông Đỗ Trung Nhân (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho biết, bản thân làm nghề lái xe chở hàng nên phải di chuyển nhiều nơi. Trước đây, ông đi qua khu vực tỉnh Bình Thuận và bị “phạt nguội” nên phải đến tỉnh Bình Thuận để được giải quyết vi phạm. Có lần, ông lưu thông qua địa phận TP.Hà Nội mà vi phạm giao thông ở đó nên lại phải ra TP.Hà Nội giải quyết.

Thực trạng này gây ra phiền phức không chỉ cho tài xế mà còn khiến lực lượng chức năng nhiều lúc “bối rối”. Bởi khi trích xuất biển số xe vi phạm, cảnh sát giao thông gửi thông báo về địa chỉ đăng ký xe, nhưng có khi chủ xe đã chuyển đổi địa chỉ hoặc xe đã sang nhượng cho người khác mà chưa sang tên đổi chủ.

“Thực tế, việc nộp phạt nguội, nhận lại giấy tờ có thể thực hiện qua bưu điện, nhưng cũng rất mất thời gian và có thể bị thất lạc. Do đó, bất cập này được giải quyết sẽ tạo thuận lợi cho người dân” - ông Nhân nói.

Đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho biết, đã kiến nghị sửa đổi Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt theo hướng trường hợp phát hiện vi phạm giao thông bằng hệ thống camera ở tỉnh này song tài xế cư trú tại tỉnh khác (hoặc giữa các huyện khác nhau), cảnh sát giao thông sẽ chuyển kết quả thu thập đến cơ quan cấp dưới hoặc cơ quan cùng cấp nơi người vi phạm cư trú.

Người lập biên bản chuyển biên bản, tài liệu liên quan về cơ quan phát hiện vi phạm để ra quyết định xử phạt. Sau đó, người vi phạm sẽ đến trụ sở cơ quan chức năng ở địa phương để giải quyết hoặc có thể nộp phạt qua Cổng dịch vụ công quốc gia, tránh phải đi lại nhiều lần nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí.

Thanh Hải

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích