Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗi niềm của người lao động bị sa thải

10:11, 19/11/2021

Sau 5 năm bị Công ty TNHH M. (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) sa thải, ông N.A.T. (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) luôn bị các công ty tuyển dụng từ chối khéo khi biết sự việc tranh chấp lao động giữa ông với công ty nói trên nhiều năm qua vẫn chưa giải quyết xong.

Sau 5 năm bị Công ty TNHH M. (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) sa thải, ông N.A.T. (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) luôn bị các công ty tuyển dụng từ chối khéo khi biết sự việc tranh chấp lao động giữa ông với công ty nói trên nhiều năm qua vẫn chưa giải quyết xong.

Ông N.A.T. (trái) được Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn (Liên đoàn Lao động tỉnh) hỗ trợ pháp lý  để đòi quyền lợi
Ông N.A.T. (trái) được Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn (Liên đoàn Lao động tỉnh) hỗ trợ pháp lý để đòi quyền lợi. Ảnh: Đ.Phú

Ông T. mong muốn các cấp tòa sớm làm sáng tỏ việc công ty sa thải và bắt ông bồi thường số tiền trên 228 triệu đồng là đúng hay trái luật?

* Khởi kiện để đòi quyền lợi

Năm 2007, ông T. được Công ty TNHH M. ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn, công việc là kỹ sư thiết kế máy, chức vụ là trưởng bộ phận bảo trì với mức lương và phụ cấp trên 27 triệu đồng/tháng.

Ngày 30-12-2016, công ty ra quyết định sa thải ông với lý do thiếu trách nhiệm trong việc tham mưu cho lãnh đạo trong việc mua sắm máy móc do nhà cung cấp H.L. không đảm bảo chất lượng, gây thiệt hại cho công ty số tiền trên 760 triệu đồng.

Luật sư LÊ TẤN TÝ, Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn (bảo vệ quyền lợi cho ông N.A.T.) cho rằng, cùng là TAND TP.Biên Hòa nhưng quan điểm về đường lối xét xử của 2 lần xét xử trái ngược nhau, nhận định lần xét xử sau mâu thuẫn với lần xét xử trước, trong khi không có tình tiết mới làm thay đổi bản chất của sự việc.

Ông T. cho rằng, việc Công ty TNHH M. sa thải ông là trái luật vì ông chỉ là người tham mưu, đề xuất, còn việc quyết định mua máy móc nào là do lãnh đạo công ty quyết định. Do đó, ông không có lỗi trong việc này và việc công ty quy trách nhiệm cho ông rồi kỷ luật sa thải, buộc bồi thường 30% tổng số tiền thiệt hại là không có căn cứ pháp lý.

Chính vì vậy, ông T. đã chủ động khởi kiện Công ty TNHH M. ra TAND TP.Biên Hòa với yêu cầu: nhận ông trở lại làm việc theo HĐLĐ đã ký trước đó; trả lương cho ông những ngày không được làm việc; bồi thường 2 tháng tiền lương; truy đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho ông kể từ ngày bị sa thải cho đến ngày nhận ông trở lại làm việc…

Bản án số 12/2018/LĐ-ST về việc tranh chấp kỷ luật lao động bằng hình thức sa thải ngày 12-9-2018 của TAND TP.Biên Hòa nhận định, Công ty TNHH M. chưa đưa ra được mức thiệt hại tương xứng với hành vi của ông T. gây ra để làm cơ sở xử lý kỷ luật và việc ra quyết định xử lý kỷ luật là không đúng thẩm quyền. Do đánh giá việc Công ty TNHH M. xử lý kỷ luật bằng hình thức sa thải đối với ông T. là trái luật nên tòa tuyên hủy quyết định kỷ luật này, buộc công ty nhận ông T. trở lại làm việc và phải chịu trách nhiệm của mình theo quy định tại Điều 42 Bộ luật Lao động năm 2012 (nhận người lao động làm việc trở lại, trả đủ lương trong những ngày không được làm việc và các quyền lợi về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội).

Trong khi đó, tại Bản án số 12/2018/LĐ-ST, phía Công ty TNHH M. cho rằng, nếu thực hiện đúng nhiệm vụ, trách nhiệm được giao thì ông T. phải khảo sát tìm nhà cung cấp tin cậy để đề xuất cho lãnh đạo. Sau khi lãnh đạo công ty phê duyệt nhà cung cấp thì ông T. phải làm việc kỹ với nhà cung cấp để đảm bảo máy móc, thiết bị cung cấp cho công ty phải có chất lượng tốt, tương thích, phù hợp với hệ thống máy móc, thiết bị công ty đang vận hành.

Cũng tại Bản án số 12/2018/LĐ-ST, đại diện Công ty TNHH M. cho rằng, hành vi thiếu trách nhiệm của ông T. dẫn đến việc công ty bỏ số tiền trên 760 triệu đồng mua máy móc từ nhà cung cấp H.L. nhưng không sử dụng được. Do ông T. đã thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản của công ty nên công ty kỷ luật bằng hình thức sa thải là đúng quy định, lẫn quy trình. Do đó, công ty này quyết định kháng cáo Bản án số 12/2018/LĐ-ST của TAND TP.Biên Hòa.

* Chờ bản án công minh

Vụ việc sau đó đã được TAND tỉnh đưa vụ việc ra xét xử phúc thẩm. Theo Bản án phúc thẩm 03/2019/LĐ-PT ngày 3-5-2019 của TAND tỉnh về việc tranh chấp xử lý kỷ luật theo hình thức sa thải và yêu cầu bồi thường thiệt hại, do Bản án sơ thẩm số 12/2018/LĐ-ST của TAND TP.Biên Hòa vi phạm tố tụng nghiêm trọng nên cấp phúc thẩm tuyên hủy án, giao TAND TP.Biên Hòa xét xử lại.

Ngày 30-9-2020, TAND TP.Biên Hòa đưa vụ việc ra xét xử lại và ban hành Bản án số 14/2020/LĐ-ST với quan điểm hoàn toàn ngược lại Bản án sơ thẩm số 12/2018/LĐ-ST.

Theo bản án này, Công ty TNHH M. sa thải ông T. là đúng luật. Ông T. có lỗi trong việc gây thiệt hại cho công ty trong việc mua máy móc, do đó phải có trách nhiệm bồi thường cho công ty số tiền trên 228 triệu đồng (30% tổng số tiền thiệt hại).

Lần này thì ông T. kháng cáo. Ông T. cho rằng, Bản án số 14/2020/LĐ-ST đưa ra phán quyết không phù hợp với quy định pháp luật và tình tiết khách quan của vụ án; phía công ty vẫn không chứng minh được lỗi của người lao động để áp dụng hình thức kỷ luật sa thải.

Ngay cả Viện KSND TP.Biên Hòa cũng kháng nghị bản án trên và đề nghị cấp phúc thẩm hủy Bản án sơ thẩm số 14/2020/LĐ-ST vì các lý do sau: Công ty TNHH M. ra quyết định xử lý kỷ luật ông T. đã vi phạm thẩm quyền xử lý, thẩm quyền ban hành quyết định xử lý kỷ luật và công ty vẫn không chứng minh được lỗi của người lao động để áp dụng hình thức kỷ luật sa thải. Bà T.T.T.T. tham gia với tư cách là người đại diện theo ủy quyền của công ty không đúng quy định về xác định tư cách tham gia tố tụng là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Chính vì nhận định và quan điểm xét xử của TAND TP.Biên Hòa 2 lần khác nhau nên ông T. mong TAND tỉnh sớm đưa vụ việc ra xét xử phúc thẩm để xem xét vụ việc một cách công tâm, khách quan.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều
Tin đăng viec lam them tại Vieclam24hTìm kiếm cơ hội việc làm chất lượng