Báo Đồng Nai điện tử
En

Trốn thi hành án dân sự có thể bị xử lý hình sự

10:10, 01/10/2021

Theo Cục Thi hành án (THA) dân sự tỉnh, có nhiều vụ tranh chấp dân sự khó THA dù bản án của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Theo Cục Thi hành án (THA) dân sự tỉnh, có nhiều vụ tranh chấp dân sự khó THA dù bản án của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

 Cục Thi hành án dân sự tỉnh tham gia cưỡng chế, thi hành đối với bản án tranh chấp nhà đất  đã có hiệu lực pháp luật tại P.Tân Phong, TP.Biên Hòa. Ảnh: T.Tâm
Cục Thi hành án dân sự tỉnh tham gia cưỡng chế, thi hành đối với bản án tranh chấp nhà đất đã có hiệu lực pháp luật tại P.Tân Phong, TP.Biên Hòa. Ảnh: T.Tâm

Một số nguyên nhân chính là: người phải THA tìm cách trì hoãn, kéo dài việc THA; có những trường hợp chống đối quyết liệt hoặc lợi dụng quyền công dân để khiếu nại nhiều lần, vượt cấp. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, trường hợp người phải THA coi thường pháp luật, có hành vi chống đối thì sẽ bị xử lý hình sự nhằm răn đe nghiêm khắc.

* Cố tình không chấp hành án

Thời gian qua, tại một số tỉnh, thành trên cả nước đã có nhiều trường hợp vì trốn chấp hành THA dân sự đã phải lãnh hậu quả bằng bản án tù. Điều này không chỉ gây tổn thất về kinh tế do sự việc giải quyết bị kéo dài mà còn ảnh hưởng rất lớn đến bản thân, gia đình đương sự khi vướng vào vòng lao lý.

Vì thiếu hiểu biết pháp luật, nhiều đương sự vẫn cố chấp cho rằng, bản án tòa tuyên không đúng nên tìm cách chống đối, trì hoãn THA buộc cơ quan pháp luật phải dùng biện pháp mạnh bằng cách xử lý hình sự. Điển hình như vào tháng 3-2021, TAND tỉnh Hà Giang đã tuyên phạt 2 anh em ông T.V.S. (49 tuổi) và T.V.B. (44 tuổi), cùng ngụ tỉnh Hà Giang, mỗi người 9 tháng tù giam về tội không chấp hành án.

Điều 380 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm sẽ bị phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm tù. Đồng thời, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng.

Hồ sơ vụ án thể hiện anh em S. tranh chấp đất với ông L.V., hàng xóm của ông S. Khi bản án buộc ông S. trả lại đất cho ông V. có hiệu lực pháp luật, ông S. không chịu thi hành án và chống đối các quyết định của lực lượng chức năng nên bị khởi tố và lãnh án tù. Tại tòa, 2 ông S. và B. đều hối hận, nhận thấy hành vi của bản thân sai trái do thiếu hiểu biết pháp luật nên đã vướng vòng lao lý.

Tại Đồng Nai cũng có nhiều vụ việc đương sự không hợp tác, khiến việc THA kéo dài, dẫn đến những tranh chấp không đáng có. Chị T.N.G. (30 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa) kể lại, vợ chồng chị ly hôn và tranh chấp nuôi con chung. TAND TP.Biên Hòa đã đồng ý giao con cho chị G. nuôi, nhưng mỗi lần đến nhận con về chị G. đều bị chồng từ chối và đuổi đi dẫn đến cãi cọ, xô xát nhau.

Vụ việc kéo dài 2 năm rồi nhưng đến nay chị vẫn không được chăm con theo bản án của tòa. Theo chị G., hành trình để được tòa công nhận giao con cho nuôi đã khó nhưng quá trình thi hành bản án lại càng khó khăn bội phần. Nếu tiếp tục bị ngăn cấm, chị sẽ làm đơn yêu cầu cơ quan chức năng giải quyết theo đúng quy định pháp luật.

Không chỉ chị G. mà còn có rất nhiều vụ việc tranh chấp dân sự khó thi hành bởi các đương sự thua kiện không chấp hành án và có thái độ chống đối, ngăn cản cơ quan chức năng thực thi nhiệm vụ.

* Sẽ bị xử lý hình sự nếu không chấp hành án

Theo một thẩm phán TAND tỉnh, việc tự nguyện THA là cách thức để đương sự thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của bản thân mình.

Thông thường, để một bản án được thi hành, giải quyết êm đẹp, không xảy ra xung đột, các cơ quan thực thi pháp luật thường phải tuyên truyền, thuyết phục người dân tự nguyện thi hành. Tuy nhiên, trường hợp đương sự không chấp hành bản án, cơ quan THA sẽ tiến hành cưỡng chế.

Trong trường hợp các đương sự tự nguyện THA sẽ giúp cơ quan chức năng giảm tải lượng công việc và chi phí phát sinh, những người THA cũng không tốn thời gian, công sức, tiền bạc khi để vụ án kéo dài quá lâu. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có nhiều trường hợp người phải THA có điều kiện thi hành nhưng thiếu ý thức chấp hành pháp luật, cố tình trốn tránh, chây ì, chống đối nên cần phải xử lý nghiêm.

Theo luật sư Trần Thanh Tùng, Đoàn Luật sư Đồng Nai, trên thực tế có những vụ án đã có hiệu lực pháp luật nhưng đương sự cho rằng nội dung bản án chưa đúng nên có thái độ chống đối, không chấp hành. Thông thường, khi bản án đã có hiệu lực pháp luật, không bị sửa, hủy bản án thì đương sự cần phải chấp hành, bởi nếu chống đối có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp bị bắt, đương sự vừa không giải quyết được vụ việc bản thân cho rằng không đúng, vừa tự đẩy mình vào con đường tù tội. Cũng theo luật sư, nếu xét thấy bản án chưa đúng, đương sự cần làm đơn đề nghị xem xét để được các cấp tòa án cao hơn giải quyết đảm bảo đúng pháp luật.

Tố Tâm

Tin xem nhiều