Báo Đồng Nai điện tử
En

Quyền đối với phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ trong quan hệ lao động

08:10, 10/10/2021

Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) trong trường hợp người lao động (NLĐ) nữ mang thai; NLĐ đang nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) trong trường hợp người lao động (NLĐ) nữ mang thai; NLĐ đang nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Hiện có nhiều quy định bảo vệ quyền lợi của lao động nữ. Trong ảnh: Nữ lao động làm việc tại Công ty TNHH Sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2. Ảnh minh họa: Hương Giang
Hiện có nhiều quy định bảo vệ quyền lợi của lao động nữ. Trong ảnh: Nữ lao động làm việc tại Công ty TNHH Sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2. Ảnh minh họa: Hương Giang

Bên cạnh đó, Bộ luật Lao động năm 2019 còn quy định, không được xử lý kỷ luật lao động đối với NLĐ nữ đang trong thời gian: mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

* Bảo vệ quyền lợi của lao động nữ mang thai

Chị Nguyễn Thị Hồng (ngụ P.Hố Nai, TP.Biên Hòa) hỏi: “Trường hợp HĐLĐ hết hạn trong thời gian tôi mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì tôi có được ưu tiên giao kết HĐLĐ mới không?”.

Luật gia Lê Văn Nhân (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, theo Khoản 3, Điều 137 Bộ luật Lao động năm 2019 thì trường hợp của chị được người sử dụng lao động ưu tiên giao kết HĐLĐ mới. Đồng thời, tại Điều 140 của bộ luật còn quy định, lao động được bảo đảm việc làm cũ khi trở lại làm việc sau khi nghỉ hết thời gian theo quy định tại các khoản 1, 3 và 5, Điều 139 của bộ luật này mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích so với trước khi nghỉ thai sản; trường hợp việc làm cũ không còn, người sử dụng lao động phải bố trí việc làm khác cho họ với mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản.

Cũng theo luật gia Lê Văn Nhân, bảo vệ thai sản đối với lao động nữ là chính sách nhân văn, vì quyền lợi của lao động nữ trong quan hệ lao động. Chính vì vậy, tại Điều 137 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, người sử dụng lao động không được sử dụng NLĐ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong trường hợp: mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp được người lao động đồng ý.

Bên cạnh đó, Điều 137 Bộ luật Lao động năm 2019 còn nêu, lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động biết thì được người sử dụng lao động chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 1 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với NLĐ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi (trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết...).

“Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo HĐLĐ” - luật gia Lê Văn Nhân cho biết thêm.

* Nhiều quy định nhân văn

Theo cơ quan chức năng của tỉnh, Đồng Nai hiện có khoảng 1,2 triệu công nhân lao động, trong đó hơn 60% là lao động nữ. Tại các doanh nghiệp chuyên sản xuất giày da và may mặc, tỷ lệ lao động nữ có nơi lên tới 80-90%.

Để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho lao động nữ, nhất là lao động nữ mang thai, nuôi con nhỏ trong quan hệ lao động, các cấp Công đoàn đã chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lao động, trong đó có quyền lợi của lao động nữ.

Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn không ít lao động nữ, nhất là lao động trẻ, mới bước vào làm việc, vùng nông thôn vẫn chưa hiểu và nắm bắt kịp thời quyền lợi của mình được hưởng ra sao khi mang thai, nuôi con nhỏ.

Để giúp lao động nữ hiểu hơn vấn đề này, hòa giải viên lao động Phạm Đình Đức (Sở LĐ-TBXH) cho biết, ngoài các quyền bảo vệ thai sản, bảo đảm việc làm cho lao động nghỉ thai sản thì Bộ luật Lao động năm 2019 còn quy định nhiều quyền khác đối với lao động nữ mang thai, nuôi con nhỏ như: quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn HĐLĐ của lao động nữ mang thai (Điều 138); nghỉ thai sản (Điều 139); trợ cấp trong thời gian chăm sóc con ốm đau, thai sản và thực hiện các biện pháp tránh thai (Điều 141); nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con (Điều 142)...

Theo đó, lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi thì có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ hoặc tạm hoãn thực hiện HĐLĐ. Lao động nữ được nghỉ thai sản trước và sau sinh là 6 tháng; thời gian nghỉ trước khi sinh không quá 2 tháng. Trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Thời gian nghỉ việc khi chăm sóc con dưới 7 tuổi ốm đau, khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu, phá thai bệnh lý, thực hiện các biện pháp tránh thai, triệt sản, người lao động được hưởng trợ cấp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội…

“Việc doanh nghiệp chăm lo và thực hiện tốt các chính sách, quy định về thai sản đối với lao động nữ sẽ giúp cho lao động nữ ổn định về việc làm, thu nhập, sức khỏe, chăm sóc con cái tốt hơn và gắn bó, trách nhiệm với doanh nghiệp” - hòa giải viên lao động Phạm Đình Đức (Sở LĐ-TBXH) cho biết.

Diễm Quỳnh

Tin xem nhiều
agomom Các triệu chứng mang thai tại dauhieumangthai.vn