Theo đánh giá của lực lượng chức năng của tỉnh, trong thời gian qua, vấn nạn xâm hại tình dục (XHTD), nhất là XHTD trẻ em diễn biến phức tạp.
Theo đánh giá của lực lượng chức năng của tỉnh, trong thời gian qua, vấn nạn xâm hại tình dục (XHTD), nhất là XHTD trẻ em diễn biến phức tạp.
TAND tỉnh xét xử một vụ xâm hại tình dục (Ảnh chụp tháng 6-2021). Ảnh: Tố Tâm |
Trong khi đó, việc phát hiện, xử lý đối với vụ việc liên quan đến XHTD còn gặp nhiều khó khăn như: tâm lý lo sợ, e dè của bị hại; việc thu thập chứng cứ bị kéo dài, có nhiều thay đổi; quy định về xử lý hành vi dâm ô còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe…
* Vẫn còn diễn biến phức tạp
Theo Công an tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2021 toàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ hiếp dâm người dưới 16 tuổi, 18 vụ giao cấu với người đủ 13-16 tuổi (tăng 63% so với cùng kỳ năm 2021). Điều này cho thấy tình trạng XHTD trẻ em vẫn còn phức tạp.
Tuy nhiên, việc giải quyết các vụ án liên quan đến XHTD nói chung và XHTD trẻ em nói riêng còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu đến từ bị hại và gia đình bị hại. Điển hình như ngày 7-7, trong khi đối tượng C.P.V. (19 tuổi, ngụ H.Cẩm Mỹ) bị TAND tỉnh đưa ra xét xử về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi thì cháu Q. (sinh năm 2008, ngụ H.Cẩm Mỹ) ngồi khóc và xin khai lại lời khai so với suốt quá trình điều tra.
Làm việc với cơ quan chức năng, cháu Q. cho biết, cả hai quen biết thông qua mạng xã hội và nảy sinh tình cảm yêu đương. Việc bản thân để bị XHTD đều là tự nguyện mà không chịu sự ép buộc nào từ phía đối phương. Sau khi kể lại sự việc cho bà nội biết, cháu Q. đã nhiều lần xin gia đình đừng trình báo vụ việc để che giấu hành vi phạm tội cho V. Do đó tại tòa, khi nhìn thấy người yêu bị xét xử, cháu Q. đã cố tình thay đổi lời khai khiến vụ án bị kéo dài.
Tương tự, có nhiều vụ án liên quan đến hành vi XHTD bị kéo dài xét xử, hoãn phiên tòa do gia đình của bị hại thay đổi lời khai nhằm giảm nhẹ tội cho bị cáo. Đơn cử như ngày 12-3, sau nhiều lần trả hồ sơ, hoãn phiên tòa để làm rõ các tình tiết của vụ án, TAND tỉnh đã tuyên phạt bị cáo N.V.D. (44 tuổi, ngụ H.Long Thành) tù chung thân vì hành vi hiếp dâm người dưới 16 tuổi (cũng chính là con ruột của bị cáo).
Nguyên nhân để vụ án kéo dài từ năm 2019 đến năm 2021 mới đưa ra xét xử là bởi bà N.H. (64 tuổi, mẹ ruột của bị cáo, cũng là bà nội của bị hại) liên tục thay đổi lời khai buộc cơ quan chức năng phải trả hồ sơ và hoãn phiên tòa nhiều lần. Tại phiên tòa xét xử ngày 12-3, bà H. cho rằng, do thấy bị cáo D. nghiện ma túy, liên tục đánh đập, đe dọa bà nên bà tìm lý do tố cáo, đưa D. vào tù để gia đình được yên ổn. Nhưng tại tòa, khi thấy khung hình phạt đối với D. quá nặng, bà thay đổi lời khai mong cho D. thoát tội.
Tuy nhiên, quá trình điều tra, khám nghiệm hiện trường, giám định pháp y và thu thập chứng cứ xác định, D. có hành vi hiếp dâm con ruột nên Hội đồng xét xử TAND tỉnh có đủ cơ sở xác định hành vi phạm tội của D. Đồng thời, Hội đồng xét xử nghiêm khắc nhắc nhở đối với bà H. đã gây khó khăn cho quá trình điều tra và xét xử chỉ vì thương con.
* Tránh bỏ lọt tội phạm XHTD
Một vị kiểm sát viên Viện KSND tỉnh phân tích, trong các tội liên quan đến XHTD, hành vi dâm ô đối với người từ đủ 16 tuổi trở lên vẫn chưa được coi là nguy hiểm cho xã hội nên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây được xem là một khoảng trống pháp lý trong việc đấu tranh, ngăn ngừa, xử lý tội phạm liên quan đến XHTD. Trên thực tế, đã có hiện tượng quấy rối tình dục gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của phụ nữ và trẻ em, nhưng lại chưa có hình thức xử lý cụ thể hoặc việc xử lý cũng chỉ như kiểu “bắt cóc bỏ dĩa”, không mang tính răn đe. Do đó, cần phải hoàn thiện pháp luật về đảm bảo quyền của nạn nhân bị dâm ô.
Cũng theo vị kiểm sát viên này, thời gian qua có một số vụ nạn nhân bị XHTD trình báo quá muộn, việc xác định chứng cứ khó khăn, mất nhiều thời gian. Vì quá trình giải quyết một vụ án liên quan đến XHTD đòi hỏi nhiều quy trình như: tiếp nhận tin báo, tổ chức lấy lời khai, đi thăm khám tại cơ sở y tế, tổ chức giám định pháp y để tìm kiếm các chứng cứ của vụ án.
Trong phần lớn các vụ XHTD, nhiều bị hại, gia đình bị hại có tâm lý e ngại, sợ ảnh hưởng cuộc sống gia đình, bị hàng xóm dị nghị hoặc đã tự thỏa thuận mức bồi thường nên giấu diếm, lảng tránh cơ quan chức năng. Trong một số tình huống gia đình bị hại lưỡng lự khi tố giác tội phạm dẫn đến chứng cứ bị xóa dấu vết, khó giám định pháp y để chứng minh việc bị XHTD. Có những gia đình tố giác tội phạm nhưng khi ra tòa đã thay đổi lời khai vì lý do cá nhân dẫn đến vụ án bị kéo dài. Nhiều nạn nhân không hợp tác bởi có tình cảm với đối tượng; còn đối tượng lại khai nhận vòng vo, không chịu thừa nhận hành vi dẫn đến việc thu thập chứng cứ khó khăn, không đầy đủ.
Để tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm XHTD, nhất là XHTD trẻ em, thẩm phán Trần Phương Đông, Chánh tòa gia đình và người chưa thành niên TAND tỉnh cho rằng, cơ quan điều tra cần thu thập chứng cứ nhanh, chính xác, khẩn trương khám nghiệm hiện trường ngay từ ban đầu tiếp nhận hồ sơ. Trong trường hợp các bên không hợp tác, đòi hỏi cơ quan chức năng phải nắm bắt tâm lý, tổ chức vận động, tuyên truyền để họ hiểu được sự nguy hiểm và ảnh hưởng nghiêm trọng của hành vi XHTD đối với bị hại, nhất là đối với trẻ em để buộc kẻ phạm tội phải bị trừng trị thích đáng.
Theo ngành chức năng, thời gian qua, các vụ XHTD trẻ em nói riêng chủ yếu diễn ra ở những vùng nông thôn có đời sống kinh tế khó khăn, dân trí thấp. Trong khi đó, nạn nhân của các vụ XHTD thường ít có khả năng tự bảo vệ, chưa đủ nhận thức về sự nguy hiểm từ hành vi xâm hại, đồng thời nhiều bậc cha mẹ vì mải mê làm kinh tế nên không dành nhiều thời gian quan tâm con em mình.
“Gia đình có con em bị XHTD cần mạnh dạn đứng ra tố cáo kẻ phạm tội, bảo vệ con em mình, góp phần hạn chế những hành vi lệch chuẩn, vi phạm pháp luật. Đồng thời cần thường xuyên quan tâm và dạy cho trẻ các kỹ năng nhận biết, phòng ngừa nạn XHTD để tránh các vụ việc đáng tiếc xảy ra” - thẩm phán Trần Phương Đông khuyến cáo.
Tố Tâm