Từ đầu năm 2021 đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng cắt giảm kinh phí cho công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại một số đơn vị. Đây cũng là một trong những nguyên nhân góp phần nâng số vụ cháy trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng đầu năm tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Từ đầu năm 2021 đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng cắt giảm kinh phí cho công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại một số đơn vị. Đây cũng là một trong những nguyên nhân góp phần nâng số vụ cháy trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng đầu năm tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tham gia chữa cháy khu vực nhà xưởng của Công ty TNHH Hóa chất Arirang (Khu công nghiệp Long Bình, TP.Biên Hòa) chiều 28-6. Ảnh: Minh Thành |
Tuy nhiên, với sự nỗ lực của lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ toàn tỉnh, phần lớn các vụ cháy được xử lý kịp thời, không để cháy lan ra khu dân cư hoặc khu công nghiệp (tổng diện tích bảo vệ không để cháy lan là hơn 12 ngàn m2); hạn chế thiệt hại đáng kể cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là giảm số người thương vong do cháy, nổ.
* Cháy, nổ diễn biến phức tạp
Theo Công an tỉnh, từ đầu năm 2021 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 24 vụ cháy (tăng 13 vụ so với cùng kỳ năm 2020). Trong đó, TP.Biên Hòa xảy ra 10 vụ cháy; 2 huyện Long Thành và Trảng Bom mỗi huyện xảy ra 4 vụ cháy... Chỉ trong quý III-2021 (từ ngày 15-6 đến 14-9), toàn tỉnh xảy ra 5 vụ cháy (tăng 2 vụ so với cùng kỳ năm 2020), chủ yếu là cháy nhà xưởng của các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có chứa các nguyên liệu dễ gây cháy, nổ.
Gần nhất là vụ cháy lớn xảy ra sáng 14-9 tại nhà xưởng xử lý rác thải y tế, công nghiệp của Công ty CP Môi trường Tân Thiên Nhiên (thuộc xã Bàu Cạn, H.Long Thành) thiêu rụi 1.200m2 nhà xưởng. Hay vụ cháy khu vực nhà xưởng của Công ty TNHH Hóa chất Arirang (Khu công nghiệp Long Bình, TP.Biên Hòa) vào trưa 28-6 thiêu rụi 1.500m2 nhà xưởng… Đây là 2 vụ cháy lớn, lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh và công an các địa phương phải chữa cháy nhiều giờ liền mới khống chế được ngọn lửa, không để lan rộng ra các khu vực lân cận.
Lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh) cho biết, số vụ cháy từ đầu năm 2021 đến nay chủ yếu xảy ra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh bên ngoài khu công nghiệp, nhà dân và phương tiện giao thông. Nguyên nhân chủ yếu do sự cố điện, sự cố kỹ thuật và bất cẩn. Đáng chú ý số người thương vong do cháy gây ra trong 9 tháng qua giảm hẳn so với năm 2020 (giảm 3 người chết, 1 người bị thương).
Theo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, ngoài những lý do nêu trên, năm 2021 số vụ cháy gia tăng còn có một phần do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Theo đó, dịch bệnh kéo dài từ cuối năm 2019 đến nay gây ảnh hưởng đến các đơn hàng, hợp đồng, lợi nhuận nên nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thu hẹp quy mô hoạt động; cắt giảm nhiều khoản kinh phí, trong đó có kinh phí cho hoạt động PCCC, làm chậm trễ việc bảo dưỡng, bổ sung, thay mới phương tiện PCCC tại chỗ. Việc này ảnh hưởng đến công tác PCCC tại cơ sở; khi có cháy, nổ xảy ra không kịp thời xử lý sự cố ban đầu khiến cho thời gian cháy tự do kéo dài, ngọn lửa bùng phát nhanh, gây cháy lớn.
* Chủ động phòng ngừa cháy, nổ
Để kéo giảm số vụ cháy, nổ trong 3 tháng cuối năm 2021, lực lượng Cảnh sát PCCC toàn tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp tập trung phòng cháy ngay từ cơ sở. Trong đó, chủ yếu là kiểm tra an toàn PCCC và xử phạt nghiêm với các vi phạm của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đến nay, toàn tỉnh đã kiểm tra hơn 5.500 cơ sở, qua đó xử phạt 464 cơ sở vi phạm hành chính về PCCC, 3 cơ sở để xảy ra cháy với tổng số tiền hơn 970 triệu đồng.
Bên cạnh đó, để hạn chế các vụ cháy lan, cháy lớn bắt nguồn từ việc phát hiện trễ, xử lý ban đầu không tốt, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ cùng công an các địa phương đã chú trọng nâng cao khả năng xử lý sự cố cháy, nổ của lực lượng PCCC tại chỗ. Theo đó, lực lượng cảnh sát PCCC đã phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực tập hơn 300 phương án chữa cháy, thoát nạn; tổ chức 367 lớp huấn luyện PCCC cho hơn 12 ngàn người tham gia.
Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ nhận định, hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang thực hiện phương án “3 tại chỗ”, kéo theo đó là nguy cơ cháy phát sinh từ việc gia tăng dùng nguồn nhiệt, nguồn lửa (sạc điện thoại, hút thuốc…). Do đó, các doanh nghiệp cần chú ý tăng cường tự kiểm tra, nhất là việc bố trí hệ thống ổ điện tại nơi ăn nghỉ, sinh hoạt của người lao động an toàn, phù hợp. Đặc biệt phải bố trí khu vực hút thuốc lá riêng biệt, không để phát sinh ngọn lửa tại khu vực nghỉ ngơi, làm việc.
Riêng công tác quản lý PCCC tại các khu dân cư, từ tháng 4-2021 đã chuyển giao hơn 13,5 ngàn cơ sở trong khu dân cư (các tiệm tạp hóa có diện tích kinh doanh dưới 300m2, dãy nhà trọ dưới 10 phòng…) về cho UBND cấp xã quản lý. Theo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, lãnh đạo địa phương cần có phương án tuyên truyền, nhắc nhở các hộ dân lưu ý phòng cháy trong sinh hoạt tại gia đình và trong cộng đồng. Nhất là cẩn trọng sử dụng điện, gas trong sinh hoạt; kiểm soát nguồn nhiệt khi đốt rác, đốt nhang...
Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh) cho hay, trong thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC đã không ngại nguy hiểm, khó khăn, sẵn sàng tham gia chữa nhiều vụ cháy lớn, trong đó có vụ cháy hóa chất để kịp thời dập tắt vụ cháy, ngăn cháy lan, cháy lớn. Trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, lực lượng Cảnh sát PCCC còn chủ động các phương án PCCC ở những nơi có nguy cơ cháy, nổ cao để đảm bảo an toàn PCCC, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, doanh nghiệp. |
Minh Thành