Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, người từ đủ 18 tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường. Người chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại.
Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, người từ đủ 18 tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường. Người chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại.
Các luật sư, luật gia Hội Luật gia tỉnh tư vấn cho người dân (bìa trái) về trách nhiệm bồi thường vật chất thay do con chưa thành niên gây ra (ảnh minh họa) |
Tuy nhiên, luật sư Cao Sơn Hà (Đoàn Luật sư tỉnh) cho hay, tùy vào từng trường hợp cụ thể mà luật quy định, cha mẹ, người giám hộ không phải bồi thường trách nhiệm vật chất do hành vi của con, người được giám hộ gây ra.
* Trường hợp cha mẹ và người khác bồi thường
Do sơ ý, em P.H.S. (13 tuổi, ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) đá trái bóng làm vỡ kính nhà hàng xóm và bị hàng xóm bắt cha mẹ em bồi thường. Dẫu biết rằng “mũi dại lái chịu đòn”, nhưng cha mẹ em S. cảm thấy khó chịu với hành vi đòi bồi thường của người hàng xóm vì cho rằng con của họ chỉ sơ ý.
Về vấn đề này, luật sư Cao Sơn Hà cho hay, do em chưa đủ 15 tuổi nên khi gây thiệt hại (bể kính) thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho hàng xóm. Việc người hàng xóm bắt phụ huynh em S. bồi thường là đúng quy định pháp luật, dù thiệt hại các em gây ra không lớn và lỗi của em S. là vô ý.
“Khoản 2, Điều 586 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định rất rõ, người chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại. Đồng thời, hành vi do em S. gây ra không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 4, Khoản 5, Điều 585 Bộ luật Dân sự năm 2015. Nghĩa là khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình” - luật sư Cao Sơn Hà phân tích.
Cũng theo luật sư Cao Sơn Hà, Bộ luật Dân sự năm 2015 còn quy định trường hợp người có hành vi vi phạm pháp luật nhưng không phải chịu trách nhiệm bồi thường vật chất cho người bị hại mà luật buộc người khác phải bồi thường thay. Đó là những trường hợp được quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 599 (bồi thường thiệt hại do người dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra trong thời gian trường học, bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý).
Theo đó, người chưa đủ 15 tuổi trong thời gian trường học trực tiếp quản lý mà gây thiệt hại thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra. Người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại cho người khác trong thời gian bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý thì bệnh viện, pháp nhân khác phải bồi thường thiệt hại xảy ra.
* Không có tài sản thì bồi thường ra sao?
Khoản 3, Điều 586 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, người chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi), người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường. Nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình. Nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.
Luật gia Vòng Khiềng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật tỉnh (Hội Luật gia tỉnh) đặt vấn đề, khi người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ và người chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi), người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại nhưng không có tài sản bồi thường thì tính sao?
“Đây chính là vấn đề luật chưa làm rõ? Nên có thể hiểu: người gây ra thiệt hại vẫn phải có trách nhiệm bồi thường, khi nào có tài sản thì bồi thường hoặc người bị thiệt hại sẽ mãi mãi không nhận được tiền bồi thường” - luật gia Vòng Khiềng nói.
Luật gia Vòng Khiềng phân tích, việc thi hành án dân sự đối với người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, lẫn tài sản, một khi họ không tự nguyện thi hành hoặc họ chưa có điều kiện thi hành án cũng đã gây khó khăn đối với cơ quan thi hành án dân sự, người yêu cầu thi hành án. Cho nên, việc người bị hạn chế năng lực hành vi, không có tài sản, nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì việc bồi thường thiệt hại cho người bị hại sẽ đi vào bế tắc.
Đồng quan điểm với luật gia Vòng Khiềng, một chấp hành viên cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh bày tỏ, việc người bị thi hành án né tránh nghĩa vụ, trách nhiệm thi hành bản án bồi thường vật chất cho người bị hại, thiệt hại với các lý do không có tài sản, tẩu tán tài sản, viện cớ mắc bệnh tâm thần đang điều trị nhằm mục đích kéo dài hoặc không muốn thi hành bản án trong thực tế có nhiều. Nhưng với người mất năng lực hành vi dân sự không có tài sản, người giám hộ thuộc trường hợp luật cho phép không phải bồi thường thay thì nếu thực tế có xảy ra sẽ rất khó giải quyết.
Diễm Quỳnh