TAND tối cao vừa ban hành Công văn 02/TANDTC-PC về giải quyết một số vướng mắc trong xét xử. Theo đó, nếu tòa án đình chỉ giải quyết vụ án dân sự vì lý do nguyên đơn không nộp tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng thì nguyên đơn không có quyền khởi kiện lại để yêu cầu tòa án giải quyết tiếp vụ án.
TAND tối cao vừa ban hành Công văn 02/TANDTC-PC về giải quyết một số vướng mắc trong xét xử. Theo đó, nếu tòa án đình chỉ giải quyết vụ án dân sự vì lý do nguyên đơn không nộp tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng thì nguyên đơn không có quyền khởi kiện lại để yêu cầu tòa án giải quyết tiếp vụ án.
Quy định không có quyền khởi kiện lại khi không nộp chi phí tố tụng góp phần tháo gỡ vướng mắc trong giải quyết án tồn. Trong ảnh: Đương sự tham gia tranh luận trong một phiên tòa xét xử vụ án tranh chấp dân sự tại TAND tỉnh vào tháng 4-2021. Ảnh minh họa: T.Tâm |
Điều này đã giúp cho ngành Tòa án giải quyết dứt điểm một số vụ án dân sự bị kéo dài do đương sự không hợp tác, nhưng lại gây ảnh hưởng tiêu cực đến người có quyền khởi kiện.
* Góp phần giải quyết dứt điểm án tồn
Theo một thẩm phán TAND tỉnh, việc TAND tối cao đưa ra hướng giải quyết khi nguyên đơn không nộp tiền định giá tài sản, chi phí tố tụng và bị đình chỉ vụ án thì không được quyền khởi kiện lại là có cơ sở.
Tại Điều 218, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định, khi quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác so với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp. Hơn nữa, việc cho phép khởi kiện lại sẽ gây khó khăn cho bị đơn và người có quyền, lợi ích liên quan (như: bị đơn, người làm chứng, phiên dịch…) trong khi vụ kiện mới này không có nội dung nào khác so với vụ án đã bị đình chỉ.
Theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, đương sự có quyền nộp đơn khởi kiện lại sau khi vụ án đã bị đình chỉ trong một số trường hợp như: người khởi kiện có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự; yêu cầu ly hôn, yêu cầu thay đổi nuôi con, mức cấp dưỡng…; đã có đủ điều kiện khởi kiện; một số trường hợp khác theo quy định pháp luật về tranh chấp thừa kế tài sản, phân chia tài sản là di sản thừa kế. |
“Thời gian qua, có nhiều đương sự có tiền nhưng lại cố tình không hợp tác, không nộp tiền định giá tài sản để vụ án kéo dài khiến cho công tác xét xử gặp nhiều khó khăn. Do đó, nếu có quy định, khi nguyên đơn không nộp tiền định giá tài sản thì không được quyền khởi kiện sẽ gỡ được vướng mắc trong giải quyết các vụ án tồn, án kéo dài” - vị thẩm phán này phân tích.
Điển hình như vụ án tranh chấp tài sản tại TAND TP.Biên Hòa đã kéo dài 7 năm nhưng vẫn không giải quyết được do nguyên đơn không chịu nộp tiền tạm ứng định giá tài sản. Mặc dù tòa án đã tạo mọi điều kiện và giải thích pháp luật, nhưng đương sự vẫn cố tình để kéo dài vụ án. TAND TP.Biên Hòa vừa ra quyết định đình chỉ vụ án này để giải quyết dứt điểm án tồn, án kéo dài.
Hơn nữa, đối với người nghèo, pháp luật đã có cơ chế miễn, giảm một số chi phí tố tụng nên đương sự có thể tìm hiểu để có hướng hợp tác cùng giải quyết vụ án nhanh chóng. Đồng thời, theo hướng cải cách tư pháp hiện nay, các đương sự khi tham gia khởi kiện phải hiểu các quy định pháp luật và tự thu thập chứng cứ, tài liệu để tòa có đủ cơ sở xem xét, giải quyết.
Một số thẩm phán TAND tỉnh cho rằng, nội dung hướng dẫn giải quyết vướng mắc theo Công văn 02/TANDTC-PC của TAND tối cao đã phần nào giảm tải công việc cho ngành Tòa án và bớt khó khăn cho bị đơn, những người có quyền, lợi ích liên quan. Điều này cũng mang tính răn đe và đưa ra lời cảnh báo cho các đương sự khi không hoàn thành trách nhiệm tài chính trong quá trình tố tụng.
* Băn khoăn ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự
Tuy nhiên, theo một luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh, bên cạnh những ưu điểm thì nội dung hướng dẫn của Công văn 02/TANDTC-PC của TAND tối cao đã phần nào ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của đương sự trong vụ án.
Luật sư này đưa ra ví dụ như: ông A. khởi kiện bà B. về tranh chấp quyền sử dụng đất. Để có cơ sở cho việc giải quyết vụ án đúng pháp luật, cần thẩm định, định giá tài sản. Khi đã quá yêu cầu của tòa án, ông A. vẫn không có tiền nộp tạm ứng định giá tài sản nên vụ án bị đình chỉ. Sau một thời gian, ông A. có tiền nộp nhưng tòa án không thụ lý lại vụ án. Như vậy, tại một thời điểm nào đó, nguyên đơn không có tiền tạm ứng cho chi phí tố tụng nhưng khi đủ điều kiện thì mất quyền khởi kiện.
Do đó, người có quyền khởi kiện sẽ không dám khởi kiện khi chưa có tiền để nộp tạm ứng chi phí định giá tài sản, chi phí tố tụng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền khởi kiện của đương sự. Hơn nữa, việc tòa án không đồng ý thụ lý lại vụ án sẽ dẫn đến tình trạng tranh chấp thực tế vẫn còn nhưng lại không thể được tòa án giải quyết và có khả năng dùng bạo lực để giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.
Để đảm bảo người không có tiền vẫn được tiếp cận công lý thông qua tòa án, một số luật sư Đoàn Luật sư tỉnh cho rằng, cần có hướng giải quyết mở theo hướng cho phép đương sự khởi kiện lại khi không có tiền nộp chi phí giám định nhưng buộc nguyên đơn phải trả chi phí và thiệt hại mà những người có liên quan trong vụ án phải chịu đối với vụ án đã đình chỉ trước đó.
Tố Tâm