Báo Đồng Nai điện tử
En

Phòng, chống tham nhũng là mệnh lệnh sống còn của Đảng

08:08, 03/08/2021

Trong những năm qua, để xuyên tạc chủ trương chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu của Đảng và Nhà nước Việt Nam, đặc biệt là quyết tâm mạnh mẽ từ người đứng đầu của Đảng và Nhà nước, các thế lực thù địch đã không ngừng xuyên tạc về công cuộc này.

Trong những năm qua, để xuyên tạc chủ trương chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu của Đảng và Nhà nước Việt Nam, đặc biệt là quyết tâm mạnh mẽ từ người đứng đầu của Đảng và Nhà nước, các thế lực thù địch đã không ngừng xuyên tạc về công cuộc này.

Họ cho rằng thực chất cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay chỉ là cuộc đấu đá nội bộ giữa phe này và phe khác. Rằng Đảng Cộng sản Việt Nam không thể chống tham nhũng vì Việt Nam chỉ do một đảng duy nhất lãnh đạo, rằng chỉ có một đảng thì không thể có dân chủ và vì vậy không thể chống được tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

* Không bao che, dung túng cho tham nhũng, lãng phí

Kết quả phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020. Đồ họa: TTXVN
Kết quả phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020. Đồ họa: TTXVN

Những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam không thể chống được tham nhũng vì tất cả những người có quyền lực trong bộ máy của Nhà nước đều là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Vậy nên, nếu Đảng Cộng sản Việt Nam chống tham nhũng là ta đánh ta nên không dám làm và vì vậy sẽ không chống được tham nhũng.

Đây là ý kiến không mới nhưng lại được một số người phụ họa và cổ xúy. Tuy nhiên, ý kiến này hoàn toàn sai trái, bởi quyền lực của Đảng cầm quyền, quyền lực của Nhà nước được phân công, ủy quyền cho từng nhóm cơ quan, tổ chức, từng cá nhân trong bộ máy, mỗi người, tùy cương vị khác nhau đảm nhiệm các nhiệm vụ được giao phó khác nhau. Vì vậy, chỉ có những cán bộ thoái hóa, biến chất mới lợi dụng quyền lực được Đảng giao phó, mà thực sự là quyền lực được nhân dân ủy thác để tham nhũng, lãng phí làm thiệt hại của công và làm xói mòn niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Vậy nên, không phải tất cả mọi người khi được giao quyền lực đều tham nhũng, lãng phí. Bằng chứng là có những nơi cũng người có chức vụ ấy tham nhũng, lãng phí, nhưng có những nơi, cũng những người giữ chức vụ ấy lại luôn tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí hiệu quả. Điều ấy chứng tỏ rằng cùng là cán bộ, cùng được giao quyền lực như nhau nhưng chỉ có những người thiếu tu dưỡng rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, cộng với thiếu kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực mới dẫn tới con đường tha hóa và tham nhũng. Chính những kẻ đục khoét của công ấy sẽ tìm cách vô hiệu hóa tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị để dễ bề thao túng nhằm thực hiện mưu đồ tham nhũng, làm suy thoái tổ chức Đảng.

Vì những nguy cơ mà tham nhũng đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ, vì vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi việc chống tham nhũng không chỉ để bảo vệ tài sản của Nhà nước, của nhân dân mà còn để bảo vệ uy tín của Đảng trước nhân dân. Cụ thể, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VI (tháng 12-1986) đã chỉ rõ: "Những hành vi lộng quyền, tham nhũng của một số cán bộ và nhân viên nhà nước chưa bị trừng trị nghiêm khắc". Đảng thừa nhận và coi tham nhũng là nguyên nhân gây mất lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), 5 bài học kinh nghiệm rút ra về cơ bản vẫn giữ nguyên như Cương lĩnh 1991. Tuy nhiên, Cương lĩnh đã bổ sung vào bài học kinh nghiệm thứ 2 nội dung rất quan trọng: "Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng". Đây có thể xem là một cam kết chính trị trước nhân dân về công cuộc phòng, chống tham nhũng.

Việc đưa ra cảnh báo nghiêm khắc về nguy cơ mà tệ tham nhũng gây ra thể hiện bản lĩnh chính trị của Đảng đã thẳng thắn thừa nhận, nhìn thẳng sự thật, nói đúng sự thật để có các biện pháp hữu hiệu phòng, chống hiệu quả.

* Không có “vùng cấm” trong chống tham nhũng ở Việt Nam

Trong các Văn kiện Đại hội VIII, IX, XI, Đảng Cộng sản Việt Nam đều tiếp tục chỉ rõ sự nguy hại của tham nhũng đến sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa. Văn kiện Đại hội X của Đảng chỉ rõ: "Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên gắn với tệ quan liêu tham nhũng, lãng phí là nghiêm trọng". Đại hội XII của Đảng đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và coi đây là nhiệm vụ cấp bách đối với Đảng. Vấn đề xây dựng Đảng, phòng chống quan liêu, tham nhũng được đề cao. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng được xác định là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ: "Tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" và "xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu". Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng đã một lần nữa khẳng định lại quan điểm nhất quán này…

Những quan điểm chỉ đạo của Đảng được thực tiễn kiểm nghiệm và chứng minh hoàn toàn đúng đắn với các bước đi phù hợp, hiệu quả trong một quyết tâm chính trị cao nhằm tạo chuyển biến tích cực trong hệ thống chính trị, góp phần cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tiêu cực, suy thoái, quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong Đảng. Với sự quyết tâm và nghiêm khắc của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhiều vụ tham nhũng được xét xử, nhiều cán bộ tha hóa, biến chất ở mọi cấp, mọi ngành, “không có vùng cấm” đã chịu sự trừng phạt của pháp luật; đã thu hồi, đề nghị thu hồi tại sản trị giá hàng ngàn tỷ đồng cho Nhà nước. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được điều tra, khởi tố, truy tố và xử lý công khai, khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Tính từ năm 2013 (năm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tháng 2-2013) đến hết năm 2020, các cơ quan tiến hành tố tụng trung ương và địa phương đã khởi tố, điều tra 14.300 vụ, 24.410 bị can; xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ, 22.600 bị cáo về tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Riêng Ban chỉ đạo từ khi thành lập đến nay đã đưa hơn 800 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ. Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định kỷ luật hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản lý (trong đó có 27 đồng chí là Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, 4 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị)… Mới đây, hàng loạt cán bộ cao cấp ở các tỉnh Bình Dương, Khánh Hòa cả đương chức và đã nghỉ hưu bị xử lý kỷ luật và bị khởi tố vì các vi phạm. Từ những dẫn chứng nêu trên để thấy rằng, Đảng và Nhà nước Việt Nam không bao giờ bao che, dung túng cho quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Tất cả những ai phạm tội thì tùy theo mức độ vi phạm đều bị xem xét xử lý kỷ luật một cách thấu đáo.

Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng được hiến định là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Vì vậy, Đảng phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về tất cả các quyết định của mình. Trong bộ máy Nhà nước, đa phần cán bộ đều là đảng viên của Đảng. Vì vậy, nếu để một bộ phận cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất dẫn tới quan liêu, tham nhũng, lãng phí sẽ làm mất lòng dân, gây ra tác hại khôn lường và đe dọa nguy cơ cầm quyền của Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên định các quan điểm về đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Đảng luôn coi tham nhũng là “giặc nội xâm”, một trong các nguy cơ, đe dọa sự tồn vong của chế độ, cản trở tiến trình phát triển đất nước, phải kiên quyết đấu tranh loại trừ ra khỏi đời sống xã hội. Vậy nên, để giữ vững vai trò lãnh đạo và cầm quyền, để nâng cao uy tín trước nhân dân, để thực sự xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam không thể không quyết liệt trong phòng, chống tham nhũng. Phòng, chống tham nhũng là mệnh lệnh sống còn của Đảng. Luận điệu cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam không thực tâm chống tham nhũng là luận điệu xuyên tạc nhằm đánh lạc hướng dư luận, gây xói mòn niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với công cuộc phòng, chống tham nhũng hiện nay.

Công tác phòng, chống tham nhũng được Đảng xác định là nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, toàn dân và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, khó khăn, phức tạp; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, không nóng vội, không chủ quan, với những bước đi vững chắc, tích cực và có trọng tâm, trọng điểm; phòng, chống tham nhũng cần phải thực hiện đồng bộ các biện pháp; phải chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, các hành vi bao che, dung túng tiếp tay cho tham nhũng; không có ngoại lệ, không có “vùng cấm” trong chống tham nhũng ở Việt Nam…

Trung Hanh

Tin xem nhiều