Báo Đồng Nai điện tử
En

Dịch bệnh Covid-19 được xem là trở ngại khách quan trong giao dịch dân sự

08:08, 24/08/2021

Theo Bộ luật Dân sự năm 2015, trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình.

Theo Bộ luật Dân sự năm 2015, trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình.

Luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) tư vấn cho người dân ở P.Tân Vạn (TP.Biên Hòa) về tiền đặt cọc trong giao dịch dịch đất đai tại Văn phòng Hội Luật gia tỉnh vào tháng 3-2021. Ảnh: Đoàn Phú
Luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) tư vấn cho người dân ở P.Tân Vạn (TP.Biên Hòa) về tiền đặt cọc trong giao dịch dịch đất đai tại Văn phòng Hội Luật gia tỉnh vào tháng 3-2021. Ảnh: Đoàn Phú

Luật sư Nguyễn Đức, Hội Luật gia tỉnh cho hay, dịch bệnh Covid-19 cũng được xem là trở ngại khách quan, điều kiện làm cho giao dịch dân sự vô hiệu.

* Giao dịch bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh

Tháng 5-2021, ông Trần Ngọc (ngụ P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) được ông N.V.B. (ngụ TP.HCM) đưa 20 triệu đồng và đôi bên giao kết trong khoảng thời gian từ ngày 2 đến 5-7-2021, ông phải dẫn ông B. tới gặp chủ đất và xem đất. Nếu ông B. không tới hoặc sau khi gặp và xem đất xong, dù ông B. không đồng ý mua đất thì số tiền trên vẫn thuộc về ông Ngọc.

Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 bùng phát, tỉnh Đồng Nai và TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nên cả hai không thể thực hiện được điều đã giao hẹn và ông Ngọc không biết số tiền 20 triệu đồng ông B. đưa sẽ giải quyết ra sao?

Đó cũng là thắc mắc của một số nông dân ở H.Trảng Bom, H.Vĩnh Cửu, TP.Long Khánh liên quan tới vấn đề tiền đặt cọc, khi họ và thương lái giao kết mua bán trái cây, hoa màu trước khi tỉnh và các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Khi xảy ra dịch bệnh, thực hiện giãn cách xã hội, thương lái không tới thu mua nông sản như giao hẹn vì nơi ở của các bên bị phong tỏa, ảnh hưởng đến quyền lợi của các nhà vườn.

Luật sư Nguyễn Đức cho hay, vì giao dịch giữa ông Ngọc và ông B. giao kết trước ngày (thời điểm) tỉnh Đồng Nai và TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 nên giao dịch đó không bị vô hiệu, vì nó không vi phạm Điều 122 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Cụ thể, Điều 122 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, giao dịch dân sự vô hiệu khi vi phạm một trong các điều kiện như: chủ thể không có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập. Chủ thể tham gia giao dịch dân sự khi không hoàn toàn tự nguyện hoặc bị cưỡng ép, lừa dối. Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội. Vi phạm hình thức của giao dịch dân sự trong trường hợp điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự theo quy định của luật (như: hợp đồng phải bằng văn bản, có công chứng hoặc chứng thực).

Cũng theo luật sư Nguyễn Đức, giao dịch giữa ông Ngọc và ông B. chỉ vô hiệu khi đôi bên giao kết tại thời điểm phát sinh trở ngại khách quan do dịch bệnh Covid-19 như: không được ra đường khi chưa thật sự cần thiết (sẽ bị xử phạt hành chính); nơi đó bị phong tỏa không vào hay ra được…

Vì theo Bộ luật Dân sự năm 2015, trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình.

“Do giao dịch không bị vô hiệu, chỉ bị trở ngại khách quan do dịch bệnh tại thời điểm thực hiện giao dịch của các bên nên có 2 cách giải quyết như sau: thứ nhất, thỏa thuận tạm hoãn thực hiện giao dịch một thời gian hoặc chấm dứt giao dịch. Thứ hai, đôi bên chờ cho tới khi trở ngại khách quan về dịch bệnh Covid-19 chấm dứt mà một bên không tới thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm như thỏa thuận thì số tiền cọc đó mới bị mất hoặc bị phạt cọc” - luật sư Nguyễn Đức giải thích.

* Cách giải quyết tiền đặt cọc

Trong giao dịch dân sự, để đảm bảo thực hiện hợp đồng, một bên thường tiến hành đặt cọc để đảm bảo cho việc thực hiện giao dịch và tạo uy tín, niềm tin với bên kia. Khoản 1, Điều 328 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.

Luật sư Nguyễn Đức cho hay, tùy vào từng giao dịch, tài sản đặt cọc có thể nhiều hay ít. Khi hai bên thực hiện đúng cam kết thì tài sản đã đặt cọc sẽ được hoàn trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền.

Trường hợp giao dịch chưa được thực hiện, nếu bên đặt cọc không muốn tiếp tục thực hiện giao dịch thì tài sản đặt cọc sẽ thuộc về bên nhận đặt cọc. Còn nếu trong quá trình giao kết, bên nhận đặt cọc có sai sót hoặc không muốn tiếp tục thực hiện giao dịch thì sẽ phải bồi thường cho bên đặt cọc một số tiền tương đương giá trị đã đặt cọc hoặc hai bên có thỏa thuận khác như: phạt cọc gấp đôi, gấp ba.

“Phạt cọc chỉ xảy ra khi một bên vi phạm thỏa thuận và hai bên có thỏa thuận về việc phạt cọc. Mục đích của phạt cọc nhằm ổn định quan hệ dân sự, giảm thiểu việc lừa dối, chiếm đoạt tài sản bất hợp pháp của bên nhận cọc và đề cao trách nhiệm của mỗi bên trong quá trình thực hiện giao dịch” - luật sư Nguyễn Đức nói.

Cũng theo luật sư Nguyễn Đức, bên đặt cọc, nhận cọc sẽ không mất cọc, bị bồi thường tài sản đặt cọc nếu giao dịch giữa các bên bị vô hiệu. Lúc này, người nhận cọc phải trả lại tài sản đặt cọc cho người đặt cọc.

Điều 131 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều