Việc xử phạt các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ năm 2008 dựa vào những hình ảnh, clip đăng tải trên mạng xã hội hoặc do người dân cung cấp có tác động tích cực đối với xã hội về tuyên truyền cũng như tạo tính răn đe nhằm nâng cao ý thức tham gia giao thông.
Việc xử phạt các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ năm 2008 dựa vào những hình ảnh, clip đăng tải trên mạng xã hội hoặc do người dân cung cấp có tác động tích cực đối với xã hội về tuyên truyền cũng như tạo tính răn đe nhằm nâng cao ý thức tham gia giao thông.
Xe ô tô khách 45 chỗ chạy ngược chiều trên đường Nguyễn Ái Quốc, đoạn qua P.Hố Nai (TP.Biên Hòa) được người dân ghi lại và đưa lên Facebook. Ảnh: Cắt từ clip |
Từ ngày 5-8-2020, cảnh sát giao thông (CSGT) được quyền xử phạt các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ năm 2008 dựa vào những hình ảnh, clip đăng tải trên mạng xã hội theo quy định tại Thông tư 65/2020/TT-BCA (gọi tắt là Thông tư 65) của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính giao thông đường bộ của CSGT.
* Nhiều vi phạm bị xử lý
Thực tế sau một thời gian triển khai đã có không ít trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ năm 2008 bị phát hiện và xử phạt từ phản ảnh của người dân. Một số trường hợp, chỉ sau vài giờ thông tin được đăng tải trên các trang mạng xã hội, lực lượng chức năng nhanh chóng vào cuộc truy tìm và xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Theo Phòng CSGT Công an tỉnh, tối 16-6, trên trang Facebook “Hội lái xe - HLX” có đăng một clip dài 24 giây với nội dung ghi lại hình ảnh một nam tài xế xe tải ben dùng thanh sắt đập vỡ kính chiếu hậu phải của xe tải khác khi lưu thông trên quốc lộ 51. Từ thông tin này, lãnh đạo Phòng CSGT đã chỉ đạo truy tìm tài xế chiếc xe tải ben trên. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, đến 10 giờ ngày 17-6, lực lượng chức năng đã tìm ra tài xế và mời đến làm việc.
Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định hành vi không sang tên đổi chủ đối với mô tô, xe máy bị phạt từ 400-600 ngàn đồng (cá nhân), từ 800 ngàn đến 1,2 triệu đồng (tổ chức) và đối với ô tô từ 2-4 triệu đồng (cá nhân), từ 4-8 triệu đồng (tổ chức). |
Trước đó, vào ngày 20-4, Đội CSGT - trật tự Công an TP.Biên Hòa tiến hành lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với một tài xế xe ô tô khách 45 chỗ chạy ngược chiều trên tuyến đường Nguyễn Ái Quốc, đoạn qua P.Hố Nai, TP.Biên Hòa. Làm việc với cơ quan công an, tài xế điều khiển xe khách vi phạm là ông Vũ Hoàng Minh (ngụ TP.Biên Hòa) thừa nhận vào trưa 18-4, sau khi đưa đón khách tại một con hẻm gần Giáo xứ Bắc Hải, ông quay xe ra thì bị vướng cột điện không thể quay đầu về hướng lưu thông đúng chiều quy định. Do xe quá to nên ông Minh đã điều khiển xe chạy ngược chiều đi đến điểm giao nhau phía trước với mục đích quay đầu xe. Vụ việc được người dân quay lại và đăng trên Facebook.
Tương tự, vào ngày 9-3, trên đường số 5 Khu công nghiệp Biên Hòa 1, anh T. (19 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa) đi xe máy trong làn xe máy đúng quy định thì bị một xe tải ben đụng phải khiến anh ngã xuống đường, bị thương ở chân. Tuy nhiên, sau khi gây tai nạn, tài xế xe ben vẫn phóng xe bỏ đi. Sự việc tài xế xe ben vượt ẩu gây tai nạn được đưa lên mạng xã hội khiến dư luận bức xúc.
Ngay sau đó, Đội CSGT - trật tự Công an TP.Biên Hòa tiến hành xác minh, trích xuất camera làm rõ danh tính tài xế và xe để xử lý. Kết quả, Công an TP.Biên Hòa quyết định xử phạt 11 triệu đồng với tài xế Nguyễn Thanh Tuấn (ngụ H.Cẩm Mỹ), người điều khiển xe tải ben gây ra vụ va chạm giao thông về lỗi vượt làn không đúng quy định gây tai nạn giao thông, đồng thời tước bằng lái xe 3 tháng.
* Xử lý nghiêm vi phạm
Điều 24 của Thông tư 65 quy định về việc tiếp nhận, xác minh thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do tổ chức, cá nhân cung cấp hoặc đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Sau đó, cơ quan chức năng sẽ tiếp nhận các thông tin, hình ảnh này. Thông tin, hình ảnh làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm hành chính phải phản ánh khách quan, rõ về thời gian, địa điểm, đối tượng, hành vi vi phạm và còn thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, theo quy định tại Thông tư 65, tổ chức, cá nhân khi ghi nhận được thông tin, hình ảnh, có thể cung cấp cho CSGT nơi xảy ra vụ việc thông qua thư điện tử, đường bưu điện hoặc trực tiếp đến trụ sở đơn vị để cung cấp. Tổ chức, cá nhân phải có họ tên, địa chỉ rõ ràng, số điện thoại liên hệ (nếu có) và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin, hình ảnh đã cung cấp.
Luật sư Lê Xuân Trường (Đoàn Luật sư tỉnh) phân tích, khác với hình ảnh từ thiết bị nghiệp vụ của lực lượng chức năng có thể dùng để xử phạt ngay, hình ảnh người dân gửi đến, lực lượng chức năng không xử phạt ngay mà tiến hành xác minh, thu thập các thông tin, tài liệu, tình tiết, chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, người cung cấp video, hình ảnh cho CSGT chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đó. Khi đến trụ sở CSGT cung cấp thông tin, người dân cần mang theo giấy tờ tùy thân để cán bộ tiếp nhận ghi vào biên bản. Việc này còn nhằm để cơ quan chức năng thông báo kết quả xử lý hoặc trao đổi khi cần thêm thông tin xác minh, xử lý.
Đại diện Đội CSGT - trật tự Công an TP.Biên Hòa đánh giá, thông tin, hình ảnh do người dân thu thập được về tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông góp phần xử lý các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng tiếp nhận, xử lý thông tin nhiều trường hợp vẫn khó xác định được chủ xe. Nguyên nhân do chỉ có thể căn cứ vào biển số phương tiện, trong khi phương tiện đó không phải chính chủ, đã nhiều lần được mua đi bán lại.
“Để phát huy hiệu quả dữ liệu thông tin vi phạm giao thông do người dân cung cấp, cần có những chế tài nghiêm đối với cả chủ phương tiện và người gây ra hành vi vi phạm, để chủ xe có trách nhiệm với phương tiện của mình khi mua, bán, cho, tặng” - đại diện Đội CSGT - trật tự Công an TP.Biên Hòa cho biết.
Võ Nguyên