Luật An ninh mạng năm 2018 quy định, cá nhân sử dụng không gian mạng có trách nhiệm tuân thủ quy định của pháp luật về an ninh mạng; thực hiện yêu cầu và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền trong bảo vệ an ninh mạng; giúp đỡ, tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức và người có trách nhiệm tiến hành các biện pháp bảo vệ an ninh mạng…
Luật An ninh mạng năm 2018 quy định, cá nhân sử dụng không gian mạng có trách nhiệm tuân thủ quy định của pháp luật về an ninh mạng; thực hiện yêu cầu và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền trong bảo vệ an ninh mạng; giúp đỡ, tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức và người có trách nhiệm tiến hành các biện pháp bảo vệ an ninh mạng…
Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh, phải) tư vấn pháp luật cho người dân về các quy định pháp luật liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội. Ảnh: Đ.Phú |
Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Phan Văn Châu cho rằng, mỗi cá nhân sử dụng không gian mạng phải biết và hiểu biết những việc pháp luật cho phép được làm và cấm để ứng xử cho phù hợp. Đồng thời, có trách nhiệm ứng xử đúng với Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (MXH) theo Quyết định 874/QĐ-BTTTT ngày 17-6-2021 của Bộ TT-TT.
* Pháp luật đã quy định rõ
Qua các thiết bị điện tử như: máy tính, điện thoại thông minh có kết nối internet, người dùng có thể giao lưu, kết bạn, trao đổi, chia sẻ, khai thác thông tin với nhau mọi lúc, mọi nơi những điều cá nhân thích, cần tìm hiểu. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn không ít người sử dụng MXH một cách thiếu trách nhiệm dẫn tới việc chia sẻ, đăng tải, phát tán thông tin, hình ảnh vi phạm đời tư cá nhân, thông tin sai sự thật, vi phạm thuần phong mỹ tục… mà vẫn không biết mình vi phạm.
Theo ông Phan Văn Châu, đó là điều đáng lo ngại, dễ dẫn tới vi phạm pháp luật về sử dụng không gian mạng, chủ yếu trên MXH như: Zalo, Facebook, YouTube. Các vi phạm nói trên diễn ra ngày càng phổ biến, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước của cơ quan có thẩm quyền, gây bức xúc dư luận.
Để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sử dụng MXH, Bộ TT-TT vừa ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên MXH nhằm xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi ứng xử trên MXH, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên MXH, góp phần xây dựng mạng an toàn, lành mạnh. Đồng thời, quy định trách nhiệm cụ thể của người dùng, cụ thể như sau: phải có trách nhiệm tìm hiểu và tuân thủ các điều khoản hướng dẫn sử dụng của nhà cung cấp dịch vụ MXH trước khi đăng ký, tham gia mạng xã hội; chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy… “Điều này có nghĩa là người sử dụng MXH buộc phải có trách nhiệm biết các quy định pháp luật trong việc sử dụng không gian mạng. Khi vi phạm, người dùng MXH không thể đổ lỗi do không hiểu biết dẫn đến vi phạm pháp luật hoặc không hiểu biết pháp luật khi vi phạm thì không bị xử lý” - ông Phan Văn Châu lưu ý.
* Xử lý hành chính, hình sự nếu vi phạm
Cũng theo ông Phan Văn Châu, việc người dùng thiếu trách nhiệm trong việc khai thác, sử dụng không gian mạng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Tại Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử quy định, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng MXH để thực hiện một trong các hành vi: cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xúy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc; cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm…
Ngoài ra, Nghị định 15/2020/NĐ-CP cũng quy định phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào lợi dụng mạng máy tính, viễn thông phạm tội vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác được xem là tình tiết tăng nặng. Hành vi này có thể bị phạt tù tới 2 năm (đối với tội làm nhục người khác) và 3 năm (đối với tội vu khống). Riêng tại Điều 288 (tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông) bị phạt tiền từ 30-200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm. Còn theo Điều 290 về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản có mức hình phạt lên đến 20 năm tù.
Để người sử dụng MXH một cách có ý thức, trách nhiệm, tuân thủ pháp luật, luật gia Vòng Khiềng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) cho rằng, các cơ quan chức năng cần làm tốt công tác quản lý nhà nước; ban hành các văn bản hướng dẫn kịp thời; xử lý thật nghiêm, kiên quyết những tổ chức, cá nhân vi phạm. Nhất là thời gian tới phải bằng nhiều biện pháp, giải pháp làm trong lành môi trường MXH, không để cá nhân nào lợi dụng MXH để đăng đàn nói xấu, chửi bới, bôi nhọ người khác, đe dọa lẫn nhau, kích động bạo lực, thông tin giả thiếu kiểm chứng gây bức xúc, hoang mang dư luận, vi phạm quyền nhân thân của cá nhân khác.
Đoàn Phú