Báo Đồng Nai điện tử
En

Trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động

08:06, 09/06/2021

Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 quy định, người lao động (NLĐ) khi bị tai nạn lao động (TNLĐ) được hưởng đầy đủ chế độ đối với người bị TNLĐ, yêu cầu người sử dụng lao động bố trí công việc phù hợp sau khi điều trị ổn định do bị TNLĐ.

Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 quy định, người lao động (NLĐ) khi bị tai nạn lao động (TNLĐ) được hưởng đầy đủ chế độ đối với người bị TNLĐ, yêu cầu người sử dụng lao động bố trí công việc phù hợp sau khi điều trị ổn định do bị TNLĐ.

Luật gia Phạm Đình Đức, Hội Luật gia TP.Biên Hòa tư vấn pháp luật về quyền lợi của người lao động khi bị tai nạn lao động cho ông N.C.Đ. (ngụ xã Tân An, H.Vĩnh Cửu). Ảnh: Đ.Phú
Luật gia Phạm Đình Đức, Hội Luật gia TP.Biên Hòa tư vấn pháp luật về quyền lợi của người lao động khi bị tai nạn lao động cho ông N.C.Đ. (ngụ xã Tân An, H.Vĩnh Cửu). Ảnh: Đ.Phú

Theo quy định, người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với NLĐ bị TNLĐ như: thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định, trả đủ tiền lương cho NLĐ phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động; bồi thường cho NLĐ bị TNLĐ mà không hoàn toàn do lỗi của NLĐ gây ra...

* Tai nạn không phải lỗi của NLĐ

Trong lúc làm việc tại một công ty, ông Đ. (ngụ xã Tân An, H.Vĩnh Cửu) bị TNLĐ với thương tật tỷ lệ 48%, công ty và cơ quan có thẩm quyền xác định tai nạn xảy ra không phải lỗi của NLĐ. Tuy nhiên, phía công ty không chịu bồi thường chế độ TNLĐ cho ông Đ. nên ông Đ. thắc mắc, việc công ty ứng xử như vậy có đúng hay không.

Về trường hợp này, luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luật gia TP.Biên Hòa) cho biết, theo Khoản 4 và Khoản 7, Điều 38 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015, người sử dụng lao động phải bồi thường TNLĐ cho ông Đ. Bởi vì Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 quy định rất rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động phải thực hiện đối với NLĐ khi bị TNLĐ là: bồi thường cho NLĐ bị TNLĐ mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5-10% khả năng lao động; sau đó, cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11-80%. 

Luật gia Phạm Đình Đức nhấn mạnh, trường hợp của ông Đ. nếu công ty chưa bồi thường đầy đủ hoặc bồi thường không kịp thời khi NLĐ bị TNLĐ là trái với quy định pháp luật. Hành vi này có thể bị phạt tiền từ 1-3 triệu đồng theo Điểm đ, Khoản 1, Điều 22 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 1-3-2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đồng thời, tại Điểm d, Khoản 3, Điều 22 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP cũng quy định, buộc người sử dụng lao động trả cho NLĐ số tiền bồi thường, cộng với khoản lãi của số tiền đó tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm.

* Trách nhiệm của người sử dụng lao động

Luật gia Phạm Đình Đức giải thích, TNLĐ là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho NLĐ, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động. TNLĐ là điều mà người sử dụng lao động, NLĐ không mong muốn xảy ra. Tuy nhiên, một khi TNLĐ xảy ra thì cả hai bên cần phải nắm rõ các quy định pháp luật quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm để xử sự cho đúng luật, nhân văn, không để NLĐ bị thua thiệt, đồng thời không quy trách nhiệm nhằm buộc người sử dụng lao động bồi thường một cách phi lý.

Khoản 2, Điều 7 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 quy định nghĩa vụ của người sử dụng lao động, thực hiện đầy đủ chế độ đối với người bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp cho NLĐ. Không được buộc NLĐ tiếp tục làm công việc hoặc trở lại nơi làm việc khi có nguy cơ xảy ra TNLĐ đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của NLĐ...

Chính vì vậy, tại Điều 38 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với NLĐ bị TNLĐ như sau: thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị TNLĐ. Trả đủ tiền lương cho NLĐ bị TNLĐ phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động. Bồi thường cho NLĐ bị TNLĐ mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra. Trợ cấp cho NLĐ bị TNLĐ mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định như đối với trường hợp NLĐ bị TNLĐ không phải lỗi của họ gây ra. Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của hội đồng giám định y khoa đối với NLĐ bị TNLĐ sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc...

Theo Điều 39 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015, trách nhiệm của người sử dụng lao động về bồi thường, trợ cấp trong những trường hợp đặc thù khi NLĐ bị TNLĐ như sau: NLĐ bị TNLĐ khi thực hiện nhiệm vụ hoặc tuân theo sự điều hành của người sử dụng lao động ở ngoài phạm vi doanh nghiệp nếu do lỗi của người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn thì người sử dụng lao động vẫn phải bồi thường cho NLĐ. Trường hợp NLĐ bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở theo tuyến đường và thời gian hợp lý, nếu do lỗi của người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn thì người sử dụng lao động trợ cấp cho NLĐ.

Cũng theo luật gia Phạm Đình Đức, không phải tất cả các trường hợp NLĐ bị tai nạn khi làm việc sẽ được người sử dụng lao động bồi thường hoặc hỗ trợ bồi thường. Vì theo Điều 40 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 quy định khá cụ thể trường hợp NLĐ không được hưởng chế độ từ người sử dụng lao động khi bị tai nạn tại nơi làm việc hoặc ngoài nơi làm việc thuộc một trong các nguyên nhân: do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động. Do NLĐ cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân. Do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật. NLĐ bị tai nạn trong trường hợp này còn bị sa thải theo Khoản 1, Điều 125 Bộ luật Lao động năm 2019.

 Đoàn Phú

Tin xem nhiều
Cách tìm việc chất lượng tại VietnamWorks