Báo Đồng Nai điện tử
En

Thế chấp nhà, đất vay tiền: Cần hợp đồng rõ ràng

09:06, 29/06/2021

Trong quá trình vay mượn tiền người khác, một số người dùng tài sản là quyền sử dụng đất (QSDĐ) để thế chấp thông qua hình thức hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ.

Trong quá trình vay mượn tiền người khác, một số người dùng tài sản là quyền sử dụng đất (QSDĐ) để thế chấp thông qua hình thức hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ.

Luật gia Lê Văn Nhân (trái), Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh, tư vấn pháp luật cho người dân liên quan tới hợp đồng vay mượn tiền, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Ảnh: Diễm Quỳnh
Luật gia Lê Văn Nhân (trái), Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh, tư vấn pháp luật cho người dân liên quan tới hợp đồng vay mượn tiền, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Ảnh: Diễm Quỳnh

Luật gia Lê Văn Nhân, Trung tâm Tư vấn pháp luật tỉnh (Hội Luật gia tỉnh) cho rằng, giao dịch đó được gọi là hợp đồng giả cách (giả tạo). Cho nên khi giải quyết vấn đề cần phải làm rõ bản chất thực của nó là vay mượn tiền hay chuyển nhượng QSDĐ.

* Vay tiền thì trả tiền

Ông P.V.Đ. (ngụ TT.Long Thành, H.Long Thành) cho ông L.V.B. (ngụ xã Bình Sơn, H.Long Thành) mượn 70 triệu đồng. Trong quá trình cho vay mượn, đôi bên giao ước nếu đến ngày trả tiền mà ông B. không trả được thì sẽ chuyển nhượng QSDĐ cho ông Đ. Đến hạn trả nợ, ông B. thực hiện đúng với những gì đôi bên giao ước, nhưng ông Đ. không chịu nhận tiền mà buộc ông B. phải làm thủ tục chuyển nhượng QSDĐ, khiến ông B. bức xúc.

Về tình huống này, theo luật gia Lê Văn Nhân, việc vay mượn tiền và chuyển nhượng QSDĐ là 2 việc khác nhau. Nếu ông Đ. lấy việc cho mượn tiền để thúc ép ông B. chuyển nhượng QSDĐ là không hợp lý, không đúng pháp luật. Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

“Trong khi đó, hợp đồng về QSDĐ là sự thỏa thuận giữa các bên. Theo đó, người sử dụng đất chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn QSDĐ hoặc thực hiện quyền khác theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 cho bên kia; bên kia thực hiện quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng với người sử dụng đất. Do đó, ông B. vay tiền thì trả tiền, nếu không trả đúng hạn thì ông Đ. có quyền khởi kiện ông B. ra tòa án để đòi tiền, chứ không thể khởi kiện tranh chấp QSDĐ với ông B. được” - luật gia Lê Văn Nhân phân tích.

Cũng theo luật gia Lê Văn Nhân, trong thực tế cuộc sống thường xảy ra việc người vay mượn tiền bị người cho vay bắt buộc lập thêm hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ hoặc chuyển đổi QSDĐ. Nếu người vay mượn tiền không trả đúng hạn thì khoản nợ đó được người cho vay cấn trừ bằng QSDĐ. Đó được gọi là giao dịch giả tạo, mà giao dịch giả tạo được xem là vô hiệu và người vay mượn tiền chỉ thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ đối với hợp đồng vay mượn tiền với người cho vay mượn tiền mà thôi.

* Thế chấp QSDĐ và tài sản gắn liền với đất 

Liên quan đến việc thế chấp QSDĐ để vay tiền, nếu không nắm kỹ các quy định pháp luật khi giao dịch cũng phát sinh rắc rối.

Pháp luật dân sự, đất đai cho phép người có QSDĐ và tài sản gắn liền với đất được quyền thế chấp QSDĐ khi vay mượn, đầu tư, kinh doanh. Để hướng dẫn vấn đề này, tại Khoản 3, Điều 318 Bộ luật Dân sư năm 2015 quy định, trường hợp thế chấp QSDĐ mà tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp thì tài sản gắn liền với đất cũng thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Tuy nhiên, trong thực tiễn cuộc sống vẫn xảy ra tình trạng tranh chấp khi người thế chấp cho rằng mình chỉ thế chấp QSDĐ chứ không thế chấp tài sản gắn liền với đất và ngược lại. Do đó, đôi bên ai cũng đưa ra lý lẽ của mình để yêu cầu pháp luật bảo vệ khi phát sinh tranh chấp.

 Chẳng hạn, ông T.U. (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) thế chấp cho ông N.V.M. (ngụ cùng địa phương) QSDĐ có diện tích 600m2 và trên diện tích đất này có căn nhà xây (hiện vợ chồng ông U. đang sinh sống). Khi ông U. tiếp tục thế chấp căn nhà này cho người khác thì bị ông M. phản đối, cho rằng căn nhà cũng được xem là tài sản ông U. đem thế chấp cho ông nên không được đem thế chấp cho người khác.

Hay như ông C.V.L. (ngụ P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) chỉ thế chấp cho ông H.V.C. (ngụ cùng địa phương) căn nhà nằm trên diện tích đất 300m2. Sau đó, ông L. tiếp tục thế chấp QSDĐ cho nguời khác.

Trường hợp của ông U., theo luật sư Lưu Hồng Khanh (Đoàn Luật sư tỉnh), có hai hướng giải quyết. Thứ nhất, căn cứ Điều 325 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì trường hợp thế chấp QSDĐ mà không thế chấp tài sản gắn liền với đất và người sử dụng đất đồng thời là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì tài sản được xử lý bao gồm cả tài sản gắn liền với đất. Thứ hai, trường hợp thế chấp QSDĐ mà người sử dụng đất không đồng thời là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì khi xử lý QSDĐ, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được tiếp tục sử dụng đất trong phạm vi quyền, nghĩa vụ của mình; quyền và nghĩa vụ của bên thế chấp trong mối quan hệ với chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được chuyển giao cho người nhận chuyển QSDĐ.

Còn đối với trường hợp ông L. (thế chấp tài sản gắn liền với đất mà không thế chấp QSDĐ) giải quyết như sau: thứ nhất, trường hợp chỉ thế chấp tài sản gắn liền với đất mà không thế chấp QSDĐ và chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đồng thời là người sử dụng đất thì tài sản được xử lý bao gồm cả QSDĐ. Thứ hai, trường hợp chỉ thế chấp tài sản gắn liền với đất mà không thế chấp QSDĐ và chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không đồng thời là người sử dụng đất thì khi xử lý tài sản gắn liền với đất, người nhận chuyển quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất được tiếp tục sử dụng đất trong phạm vi quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được chuyển giao.

Luật sư Lưu Hồng Khanh (Đoàn Luật sư tỉnh) khuyến cáo, để đảm bảo quyền lợi và tránh rắc rối cho các bên về sau thì các chủ thể tham gia vào giao dịch trên cần ghi rõ trong hợp đồng về số tiền vay, tài sản thế chấp, thỏa thuận thời hạn thanh toán, việc giải quyết tài sản khi một bên không thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng. Việc thực hiện các giao dịch đúng theo quy định pháp luật là bảo vệ cho quyền lợi bản thân cũng như góp phần vào việc quản lý của Nhà nước.

Diễm Quỳnh

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích