Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng thẩm quyền xử phạt vi phạm giao thông

10:06, 09/06/2021

Bộ GT-VT đang sửa đổi Nghị định 100/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt (gọi tắt là Nghị định 100) theo hướng tăng thẩm quyền xử phạt vi phạm giao thông tối đa cho các chức danh để phù hợp với Luật Xử lý VPHC sửa đổi năm 2020.

Bộ GT-VT đang sửa đổi Nghị định 100/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt (gọi tắt là Nghị định 100) theo hướng tăng thẩm quyền xử phạt vi phạm giao thông tối đa cho các chức danh để phù hợp với Luật Xử lý VPHC sửa đổi năm 2020.

Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm người điều khiển phương tiện chở hàng quá tải trên địa bàn H.Thống Nhất. Ảnh: V.Nguyên
Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm người điều khiển phương tiện chở hàng quá tải trên địa bàn H.Thống Nhất. Ảnh: V.Nguyên

Việc sửa Nghị định 100 theo hướng cập nhật lại các chức danh có thẩm quyền xử phạt để phù hợp với Luật Xử lý VPHC sửa đổi năm 2020 sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2022.

* Điều chỉnh để phù hợp với thực tế

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, sau hơn 1 năm triển khai, Nghị định 100 đã phát huy hiệu quả trong công tác xử phạt vi phạm giao thông và thực sự đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp, nhất là khi chỉ còn chưa tới 7 tháng nữa Luật Xử lý VPHC sửa đổi năm 2020 sẽ có hiệu lực.

Nghị định 100 hiện quy định thẩm quyền xử phạt của các chức danh được căn cứ vào mức xử phạt tối đa trước đây trong Luật Xử lý VPHC năm 2012 chỉ đến 40 triệu đồng. Trong khi đó, Luật Xử lý VPHC sửa đổi năm 2020, mức xử phạt tối đa tăng từ 40 triệu đồng lên 75 triệu đồng. Chánh Thanh tra giao thông trước đây chỉ được phạt mức tối đa là 20 triệu đồng, nay tăng lên gần 40 triệu đồng. Trưởng phòng cảnh sát giao thông cấp tỉnh trước đây chỉ được phạt đối với cá nhân vi phạm tối đa 8 triệu đồng, sắp tới có thể tăng mức xử phạt tối đa cho chức danh này lên 15 triệu đồng.

Dự thảo Nghị định 100 sửa đổi quy định, chức danh chủ tịch UBND cấp xã được tăng mức xử phạt lên 5 triệu đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ thay vì mức phạt tiền đến 4 triệu đồng như Nghị định 100 hiện hành. Trưởng công an cấp xã, trưởng đồn công an, trạm trưởng trạm công an cửa khẩu, khu chế xuất được xử phạt 2,5 triệu đồng. Với chức danh chủ tịch UBND cấp huyện có thẩm quyền phạt tiền đến 37,5 triệu đồng. Đồng thời, các chức danh nêu trên cũng được tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để VPHC có giá trị không vượt quá mức xử phạt tiền được quy định.

Thực tế lâu nay, có nhiều hành vi vi phạm giao thông nghiêm trọng như: vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, tốc độ, chở hàng quá tải… có mức xử phạt cao hơn số tiền tối đa lực lượng cảnh sát giao thông được ra quyết định xử phạt. Nếu áp dụng theo quy định cũ, cảnh sát giao thông sẽ phải lập biên bản vi phạm chuyển cấp cao hơn ra quyết định xử phạt, dẫn đến mất thời gian cho các bên.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, các mức phạt tối đa theo Luật Xử lý VPHC năm 2012 cũng không còn phù hợp với thực tế. Những hành vi cố tình vi phạm hoặc có khả năng gây hậu quả lớn chưa có mức phạt đảm bảo tính răn đe dẫn đến các vi phạm giao thông xảy ra thường xuyên và ngày càng nghiêm trọng hơn.

Đơn cử như hành vi đua xe trái phép, đại diện Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho biết, các mức xử phạt hiện còn quá nhẹ khiến tình trạng đua xe trái phép diễn ra thường xuyên với hình thức, thủ đoạn táo bạo hơn. Theo quy định, người có hành vi cổ vũ cho việc lạng lách, đánh võng đua xe sẽ bị phạt từ 1-2 triệu đồng. Còn người đua xe máy, mô tô thì bị xử phạt từ 7-8 triệu đồng, kèm theo tịch thu xe (tùy tính chất, mức độ vi phạm), “treo” bằng lái từ 3-5 tháng.

* Đảm bảo hiệu quả khi xử phạt

Kể từ ngày 1-1-2022, Luật Xử lý VPHC sửa đổi năm 2020 có hiệu lực, xử lý VPHC trong tham gia giao thông cũng được áp dụng theo luật này với những mức quy định rất cụ thể. Theo đó, cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông đang thi hành công vụ có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền không quá 500 ngàn đồng; trưởng công an cấp huyện, trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát giao thông, trưởng phòng cảnh sát giao thông có quyền xử phạt không quá 25 triệu đồng...

Việc tăng thẩm quyền xử phạt VPHC cho cán bộ, chiến sĩ cấp đội, trạm, phòng cảnh sát giao thông cấp tỉnh sẽ thuận tiện cho công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông của lực lượng chức năng cũng như tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân. Quan trọng hơn, việc tăng mức xử phạt tối đa cho các chức danh giúp giảm bớt thủ tục hành chính, quy trình xử phạt nhanh hơn, không phải mất công đoạn chuyển lên cấp trên ra quyết định xử phạt đối với những hành vi có mức phạt vượt thẩm quyền.

Tại các cuộc họp về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trước đây, trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an đề cập, Bộ Công an đang khẩn trương hoàn thiện, đề xuất xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ để tạo hành lang pháp lý vững chắc, đủ sức răn đe đối với các trường hợp vi phạm giao thông. Cùng với đó là tăng thẩm quyền cho người thi hành công vụ được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ để bảo vệ mình trong những trường hợp cụ thể được pháp luật quy định.

Theo trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, có những trường hợp người vi phạm giao thông, người có các hành vi phạm pháp hình sự khác chống đối quyết liệt lực lượng chức năng, nhưng các quy định pháp luật để ngăn chặn, xử lý các đối tượng chống đối lực lượng chức năng chưa đủ mạnh và thiếu nên việc xử lý chưa quyết liệt, tính răn đe chưa cao.

Võ Nguyên

Tin xem nhiều