Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi người trẻ vướng vào lao lý

10:06, 07/06/2021

"Chưa đánh được người mặt đỏ như vang, đánh được người rồi mặt vàng như nghệ" có lẽ là câu nói đúng nhất trong tình cảnh của 2 bị cáo Đỗ Văn Tiến (26 tuổi, ngụ P.Tân Hòa, TP.Biên Hòa) và Trương Tuấn Vũ (23 tuổi, quê tỉnh Cà Mau).

“Chưa đánh được người mặt đỏ như vang, đánh được người rồi mặt vàng như nghệ” có lẽ là câu nói đúng nhất trong tình cảnh của 2 bị cáo Đỗ Văn Tiến (26 tuổi, ngụ P.Tân Hòa, TP.Biên Hòa) và Trương Tuấn Vũ (23 tuổi, quê tỉnh Cà Mau). Hung hãn giết người nhưng khi đứng trước phiên tòa xét xử, cả hai đều run sợ khi đối mặt với mức án nghiêm khắc cho tội lỗi mà các bị cáo đã gây ra.

Hai bị cáo đứng trước bàn khai tại phiên tòa xét xử. Ảnh: T.Tâm
Hai bị cáo đứng trước bàn khai tại phiên tòa xét xử. Ảnh: T.Tâm

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm hình sự ngày 1-6, TAND tỉnh đã tuyên phạt bị cáo Tiến tổng hình phạt 17 năm tù, bị cáo Vũ 16 năm tù cùng về tội giết người và cố ý gây thương tích.

* Sai lầm trong lúc nóng giận

Chiếc xe chở phạm nhân vừa vào đến sân TAND tỉnh thì một số người thân của Tiến và Vũ lớn tiếng gọi tên 2 bị cáo, trong đó có ông Trương Văn Muôn (70 tuổi), cha bị cáo Vũ. Dù biết tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, trong những vụ án hình sự hạn chế người dân đến tòa nhưng họ vẫn đến dự phiên tòa với hy vọng được gặp người thân sau thời gian dài các bị cáo bị bắt.

Từ đêm 31-5, ông Muôn đón xe khách ở Cà Mau đến Đồng Nai cho kịp giờ tòa xét xử con trai út của ông. Người cha gầy gò, mặc chiếc áo xanh sờn bạc, đôi tay rám nắng, khuôn mặt khắc khổ in hằn những muộn phiền. Sau khi được bảo vệ tòa án cho vào trong, ông vội cầm trên tay một xấp đủ thứ giấy tờ nộp cho thư ký phiên tòa với hy vọng có thể giúp con giảm án.

Biết rằng con trai đã phạm tội nhiều lần và lần này mang án giết người nhưng khi vừa nhìn thấy con bước từ xe chở phạm nhân xuống, ông đã vội lại gần, đưa cánh tay gầy guộc chạm vào người con trai rồi hỏi: “Con có khỏe không?”. Bị cáo Vũ nhìn người cha khắc khổ mà nghẹn ngào không nói nên lời.

Ông Muôn kể, từ khi nghe con trai vướng vào vòng lao lý, vợ chồng ông lo lắng không yên. Nhiều lần muốn đến Đồng Nai thăm con nhưng vì điều kiện kinh tế khó khăn, cộng với tuổi già sức yếu nên đến nay ông mới được gặp con. “Khi nghe tin con trai bị đưa ra xét xử, dù sức yếu nhưng tôi cũng ráng đón xe lên gặp con một lần. Nó có phạm tội gì đi nữa thì cũng là con của mình, tôi không thể bỏ con được. Giờ tôi già rồi, đợi con trở về chắc gì cha con còn có thể gặp nhau” - ông Muôn nghẹn ngào tâm sự.

Tại phiên tòa, bị cáo Vũ kể, sau khi học hết lớp 5, vì gia đình đông anh em, hoàn cảnh lại khó khăn nên bị cáo bỏ học. 16 tuổi, nghe bạn bè rủ lên Đồng Nai tìm việc làm nên Vũ đi theo. Thế nhưng, từ khi còn là trẻ vị thành niên, Vũ tham gia cùng bạn bè đánh nhau gây thương tích và gây rối trật tự công cộng nên đã 2 lần bị tòa án xử phạt mức án hơn 2 năm tù. Tưởng rằng sai lầm ở tuổi mới lớn sẽ là bài học cho Vũ nhưng đến năm 23 tuổi, bị cáo lại mang tội giết người.

Ngày 20-6-2020, khi nghe bị cáo Tiến rủ đến P.Tân Hòa (TP.Biên Hòa) giải quyết mâu thuẫn với một người tên Tôn (không rõ lai lịch), Vũ đã đồng ý. Trên đường đi, cả hai gặp anh Vũ Tiến Huy (18 tuổi, ngụ H.Trảng Bom) và hỏi có biết Tôn không. Anh Huy trả lời không biết thì bị Tiến đánh.

Sau đó, Huy kể lại sự việc với anh Nguyễn Đức Tuấn (21 tuổi, ngụ H.Trảng Bom) thì anh Tuấn rủ anh Nguyễn Khắc Nhựt (21 tuổi, quê Bình Thuận) đi nói chuyện với Tiến và Vũ. Hai bên gặp nhau, lời qua tiếng lại thì Tiến và Vũ rút dao đâm anh Nhựt tử vong, anh Tuấn bị thương tật tỷ lệ 18%.

* Bao dung, tha thứ

Tại phiên tòa, ngoài hội đồng xét xử thì chỉ có cha bị cáo Vũ, anh trai bị cáo Tiến và ông Nguyễn Hữu Lai (quê tỉnh Bình Thuận, cha của anh Nhựt). 3 người đàn ông đều có những nỗi đau của riêng mình khi chứng kiến con em mắc sai lầm, người vướng vào vòng lao lý, người phải mất mạng khi tuổi đời còn quá trẻ.

Đôi mắt đượm buồn, ông Lai kể lại, ông có 6 người con và anh Nhựt là kế út. Gia đình ông có căn nhà ở tỉnh Bình Thuận, nhưng vì nơi đó đất chỉ có cát, nắng và gió, không thể trồng trọt được gì nên vợ chồng ông cùng 2 người con trai vào Đồng Nai ở trọ đi làm thuê. Khoảng 3 năm trước, vợ của ông bỏ đi, để lại 3 cha con nương tựa vào nhau. Đến ngày 20-6-2020, ông thất thần khi hay tin con trai ông đột ngột tử vong vì bị đâm.

“Vợ bỏ đi, con bị giết, cuộc sống của tôi như sụp đổ. Tôi mất đi con của mình đã là nỗi đau lớn nhưng tôi nghĩ kỹ rồi, tôi làm cha nên rất hiểu được cảm giác của cha mẹ các bị cáo. Họ cũng rất đau lòng khi con vướng vào tội ác. Các bị cáo còn quá trẻ nên còn bồng bột, do đó tôi chấp nhận tha thứ cho các bị cáo để họ có thể sớm được trở về làm lại cuộc đời” - ông Lai nói.

Có lẽ vì thế nên ngay tại phiên tòa, dù mới nhận được số tiền bồi thường ít ỏi từ gia đình bị cáo Tiến nhưng cha của bị hại vẫn xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Sự bao dung của ông đã cảm hóa đối với các bị cáo và giúp chia sẻ phần nào nỗi đau của người thân các bị cáo khi nhìn con em họ phải chịu sự trừng phạt của pháp luật.

Kết thúc phiên tòa, các bị cáo được hưởng mức án nhẹ hơn so với mức án Viện KSND đề nghị nên ai nấy đều có chút vui mừng. Chiếc xe chở phạm nhân ra khỏi sân tòa rồi lao đi mất hút, trên sân tòa chỉ còn cha và anh của 2 bị cáo bịn rịn bắt tay cảm ơn cha của bị hại. Họ bày tỏ sự trân trọng, biết ơn trước tấm lòng bao dung, độ lượng của cha bị hại. Dù mất con nhưng ông Lai vẫn dồn nén nỗi đau để tha thứ cho thủ phạm giết con mình vì muốn tạo điều kiện cho các bị cáo làm lại cuộc đời để sớm trở về chăm lo, phụng dưỡng cha mẹ già, nghèo khó.        

Tố Tâm

 

Tin xem nhiều