Trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, lượng người đổ về các tuyến đường tăng cao đột biến khiến một số trạm thu phí trên địa bàn tỉnh xảy ra ùn tắc kéo dài. Tuy nhiên, vẫn có các đơn vị chủ đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT giao thông không thực hiện xả trạm theo quy định khiến tình trạng kẹt xe trở nên nghiêm trọng.
Trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, lượng người đổ về các tuyến đường tăng cao đột biến khiến một số trạm thu phí trên địa bàn tỉnh xảy ra ùn tắc kéo dài. Tuy nhiên, vẫn có các đơn vị chủ đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT giao thông không thực hiện xả trạm theo quy định khiến tình trạng kẹt xe trở nên nghiêm trọng.
Kẹt xe tại Trạm thu phí BOT đường tránh TP.Biên Hòa sáng 30-4. Ảnh: T.Hải |
* Bức xúc vì kẹt xe kéo dài vẫn thu phí
Sáng 30-4, trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, dòng xe nhích từng chút hướng từ TP.HCM đi Đồng Nai. Tại khu vực Trạm thu phí BOT Long Phước (H.Long Thành), dòng xe bị tắc khiến hàng trăm xe ô tô đổ dồn xếp hàng chờ trong khi trạm thu phí lại không xả trạm nên tình trạng kẹt xe mỗi lúc một nghiêm trọng. Nhiều tài xế di chuyển trên đường cao tốc bức xúc vì tốc độ lưu thông chậm chạp, mất rất nhiều thời gian mới tới nơi do bị ách trên đường cao tốc quá lâu.
Ông Dương Văn Đạt (ngụ TP.HCM) cho biết, nghỉ lễ dài ngày nên gia đình quyết định đi Vũng Tàu. Dù đã cố gắng đi sớm để tránh kẹt xe nhưng cả nhà vẫn bị “cầm chân” trên đường. Bắt đầu từ 7 giờ ngày 30-4, phương tiện nhích từng chút một từ khu vực TP.Thủ Đức (TP.HCM) đến cầu Long Thành. Đến 8 giờ 30, tình trạng kẹt xe kéo dài và chưa có dấu hiệu giảm, trong khi đó lượng xe đổ về ngày càng đông. Khi dòng xe vượt qua cầu Long Thành thì bắt đầu ùn tắc trước khu vực Trạm thu phí BOT Long Phước.
Cục Quản lý đường bộ IV cho biết, vào năm 2020, đơn vị đã có nhiều văn bản nhắc nhở đơn vị quản lý đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây về việc không thực hiện việc xả trạm, không thu phí khi ùn tắc giao thông trước Trạm thu phí BOT Long Phước kéo dài trên 500m, gây bức xúc dư luận. |
Theo đại diện Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VECE, đơn vị quản lý tuyến đường này), sáng 30-4, mật độ xe từ TP.HCM đi Đồng Nai đông, di chuyển chậm kéo dài đến địa phận H.Long Thành. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do xảy ra va chạm liên tục trên cầu Long Thành, kẹt xe kéo dài nên thời điểm 11 giờ cùng ngày, đơn vị mới xả trạm.
Liên quan đến vấn đề trên, Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với VECE vì đã để ùn tắc kéo dài tại trạm thu phí trên tuyến đường cao tốc này ngay khi nhận được phản ảnh của người dân. Theo biên bản vi phạm hành chính, đơn vị quản lý đường cao tốc đã vi phạm khi không thực hiện đúng theo quy định về quản lý vận hành tại Điểm a, Khoản 8, Điều 15 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt với mức phạt từ 30-40 triệu đồng.
Tương tự tại Trạm thu phí BOT đường tránh TP.Biên Hòa (đặt tại km1841+912 quốc lộ 1, đoạn qua xã Trung Hòa, H.Trảng Bom) trong ngày 30-4, kẹt xe tại khu vực này cũng diễn ra nghiêm trọng, hàng trăm phương tiện phải xếp hàng chờ đợi. Tuy nhiên, đơn vị quản lý tuyến đường này không thực hiện xả trạm khiến các chủ phương tiện rất bức xúc.
Ông Cao Văn Hùng (người dân xã Trung Hòa) cho hay, chưa dịp nghỉ lễ nào mà lượng xe từ các nơi đổ về đây đông như vậy. Điều này đã khiến khu vực trạm thu phí kẹt xe ngay từ đêm 29-4. Điều đáng nói, dù kẹt xe kéo dài hàng cây số nhưng trạm thu phí không hề thực hiện xả trạm để giải tỏa ùn tắc như quy định. Trong suốt buổi sáng 30-4, người và xe xếp hàng dài “rồng rắn” trên đường.
* Cần giám sát và xử lý vi phạm
Dự đoán tình hình giao thông sẽ căng thẳng vào dịp nghỉ lễ, nhất là khu vực trước các trạm thu phí, ngày 16-4, Bộ GT-VT đã có văn bản yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm tăng cường kiểm tra, yêu cầu các trạm thu phí phân luồng giao thông hợp lý, kịp thời xử lý, giải tỏa phương tiện, không để xảy ra ùn tắc tại các trạm thu phí; chủ động xả trạm (mở barie) để giải tỏa phương tiện khi xảy ra ùn tắc kéo dài, có biện pháp khắc phục kịp thời khi xảy ra sự cố, tai nạn đặc biệt trên các tuyến giao thông trọng điểm.
Quy định là vậy, nhưng mức phạt hiện nay đối với các doanh nghiệp dự án BOT giao thông vi phạm quy định này còn khá nhẹ, cao nhất là từ 30-40 triệu đồng. Do đó, nhiều doanh nghiệp chấp nhận việc đóng phạt hơn là buộc phải xả trạm khi có kẹt xe.
Theo Công an H.Long Thành, thực tế tình trạng ùn tắc giao thông khu vực trạm thu phí vào dịp nghỉ lễ, Tết xảy ra nhiều năm qua. Trong đó, nghiêm trọng nhất là tại Trạm thu phí T2 quốc lộ 51 và đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, nguyên nhân chủ yếu do lượng phương tiện đổ về đây quá đông.
Trong khi đơn vị quản lý tuyến quốc lộ 51 chủ động xả trạm khi xảy ra ùn tắc thì phía VECE không tự giác chấp hành dù nhiều lần lực lượng chức năng nhắc nhở. Điều này khiến quốc lộ 51 ùn tắc đoạn từ ngã ba Nhơn Trạch kéo dài đến đường cao tốc. Do đó, Công an huyện kiến nghị Công an tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh làm việc với phía VECE để khắc phục, xử lý tình trạng này.
Tại buổi làm việc với Ban An toàn giao thông H.Long Thành và Trạm kiểm soát giao thông ngã ba Thái Lan thuộc Phòng Cảnh sát giao thông về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp lễ 30-4 và 1-5 mới đây, ông Trương Anh Đức, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh cho rằng, hiện nay pháp luật có quy định nếu kẹt xe kéo dài trước khu vực trạm thu phí 700m thì buộc phải xả trạm. Do đó, để giải quyết vấn đề trên, sắp tới địa phương, đơn vị chức năng sẽ phối hợp với doanh nghiệp dự án BOT giao thông tiến hành cắm mốc đo khoảng cách kẹt xe. Việc làm này là căn cứ để cảnh sát giao thông chủ động yêu cầu các trạm thu phí xả trạm khi có ùn tắc.
Thanh Hải