Việc chuyển nhượng đất đai trái pháp luật, sử dụng đất không đúng mục đích diễn ra khá phổ biến tại những địa phương đang xảy ra tình trạng 'sốt' giá đất. Điều này gây khó khăn cho công tác quy hoạch, quản lý nhà nước về đất đai nên cần phải xử lý nghiêm.
Việc chuyển nhượng đất đai trái pháp luật, sử dụng đất không đúng mục đích diễn ra khá phổ biến tại những địa phương đang xảy ra tình trạng ‘sốt’ giá đất. Điều này gây khó khăn cho công tác quy hoạch, quản lý nhà nước về đất đai nên cần phải xử lý nghiêm.
Giá đất ở xã Sông Nhạn (H.Cẩm Mỹ) hiện tăng cao gấp nhiều lần so với trước đây. Trong ảnh: Một nông dân ở ấp 4, xã Sông Nhạn cho biết, giá 1 sào (1 ngàn m2) đất trồng chôm chôm ở đây hiện được trả giá 1,5 tỷ đồng. Ảnh: Đ.Phú |
Theo Điều 64 Luật Đất đai năm 2013, người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai sẽ bị Nhà nước thu hồi đất. Việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai phải căn cứ vào văn bản, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi vi phạm pháp luật về đất đai.
* Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai
Một lãnh đạo UBND xã Sông Nhạn (H.Cẩm Mỹ) cho biết, từ khi đường Sông Nhạn - Dầu Giây đưa vào sử dụng từ năm 2019; dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây triển khai thi công; dự án Khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị Sông Nhạn - Xuân Quế chuẩn bị hình thành… đã khiến giá đất ở địa phương bị đẩy lên cao gấp nhiều lần so với trước đây. Từ đó, nhiều hộ sản xuất nông nghiệp đã chuyển nhượng đất nông nghiệp cho người khác (mua đất vì mục đích đầu cơ, không sản xuất), dẫn đến nguy cơ phá vỡ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Vị lãnh đạo UBND xã Sông Nhạn cho biết thêm, mặc dù Luật Đất đai năm 2013 và các nghị định, văn bản hướng dẫn cho phép địa phương xử lý các hành vi vi phạm về lĩnh vực đất đai như: không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất không đúng mục đích, chuyển nhượng trái phép…, ngoài xử phạt vi phạm hành chính còn áp dụng biện pháp thu hồi đất. Tuy nhiên, việc xử lý thu hồi đất với những trường hợp vi phạm liên quan đến đất đai không dễ vì người vi phạm luôn tìm mọi cách để lách luật hoặc gây khó khăn, cản trở.
Trao đổi về thực trạng này, luật sư Nguyễn Đức, Hội Luật gia tỉnh phân tích, đất đai là loại tài sản đặc biệt nên việc định đoạt tài sản của người sử dụng đất phải tuân thủ nghiêm ngặt Luật Đất đai năm 2013, các văn bản hướng dẫn và các quy định pháp luật có liên quan. Trường hợp người sử dụng đất vi phạm Điều 64 Luật Đất đai năm 2013 sẽ bị Nhà nước thu hồi đất.
Các trường hợp bị Nhà nước thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai gồm: sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm. Người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất. Đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền. Đất không được chuyển nhượng, tặng cho theo quy định của Luật Đất đai mà nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho. Người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không chấp hành. Đất trồng cây hằng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liên tục…
“Việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai phải căn cứ vào văn bản, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi vi phạm pháp luật về đất đai. Việc xử lý vi phạm về sử dụng đất bằng hình thức thu hồi phải có đủ căn cứ pháp luật, theo đúng quy trình, vì nếu làm không khéo rất dễ gây phản kháng, bức xúc” - luật sư Nguyễn Đức lưu ý.
* Trường hợp thu hồi đất không bồi thường thiệt hại tài sản gắn liền với đất
Luật Đất đai năm 2013 quy định, Nhà nước được quyền thu hồi đất vì mục đích quốc phòng - an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; thu hồi đất vì vi phạm Luật Đất đai; do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật; tự nguyện trả lại đất; có nguy cơ đe dọa tính mạng con người…
Theo luật sư Nguyễn Đức: “3 hành vi mà người sử dụng đất thường mắc phải và dễ dẫn tới bị Nhà nước thu hồi đất gồm: sử dụng đất không đúng mục đích; cố ý hủy hoại đất; đất không được chuyển nhượng, tặng cho theo quy định của Luật Đất đai mà nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho. Đối với các trường hợp này, khi Nhà nước thu hồi đất sẽ không được bồi thường thiệt hại đối với tài sản gắn liền với đất”.
Điều 92 Luật Đất đai năm 2013 quy định, người sử dụng đất không được bồi thường tài sản gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất trong các trường hợp sau: Sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm. Người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất. Đất không được chuyển nhượng, tặng cho theo quy định của Luật Đất đai mà nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho. Đất được Nhà nước giao để quản lý mà để bị lấn, chiếm; đất không được chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai mà người sử dụng đất do thiếu trách nhiệm để bị lấn, chiếm. Tài sản gắn liền với đất được tạo lập trái quy định của pháp luật hoặc tạo lập từ sau khi có thông báo thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và công trình xây dựng khác không còn sử dụng.
Điều 26 Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19-11-2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định, hành vi nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất có điều kiện mà không đủ điều kiện quy định tại Điều 191 và Điều 192 của Luật Đất đai năm 2013 bị phạt tiền từ 2-5 triệu đồng đối với hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp mà nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa. Phạt tiền từ 3-6 triệu đồng đối với hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng đất do được Nhà nước giao đất theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong thời hạn 10 năm kể từ ngày có quyết định giao đất. |
Đoàn Phú