Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối: Gỡ vướng cho các dự án BOT

08:04, 27/04/2021

Quản lý các dự án BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao) giao thông không chỉ gỡ vướng cơ chế trong giai đoạn thanh lý hợp đồng BOT và bàn giao dự án mà quan trọng hơn là cần có sự kiểm soát chặt chẽ, hợp lý và minh bạch ngay từ đầu, khi dự án mới thực hiện.

Quản lý các dự án BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao) giao thông không chỉ gỡ vướng cơ chế trong giai đoạn thanh lý hợp đồng BOT và bàn giao dự án mà quan trọng hơn là cần có sự kiểm soát chặt chẽ, hợp lý và minh bạch ngay từ đầu, khi dự án mới thực hiện.

Công nhân dọn dẹp đất, đá tại quốc lộ 1K (TP.Biên Hòa). Ảnh: Võ Nguyên
Công nhân dọn dẹp đất, đá tại quốc lộ 1K (TP.Biên Hòa). Ảnh: Võ Nguyên

[links()]Các quy định pháp luật hiện hành còn chưa rõ ràng, chồng chéo nên công tác tiếp nhận, bàn giao đối với các dự án BOT giao thông giữa các đơn vị hiện nay vẫn chưa được giải quyết rốt ráo.

* Quy định còn chồng chéo

Theo Nghị định 33/2019/NĐ-CP ngày 23-4-2019 của Chính phủ về hướng dẫn quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, nếu tài sản chưa chuyển đổi thành sở hữu toàn dân thì không được sử dụng ngân sách nhà nước để bảo trì. Tuy nhiên, khi triển khai thủ tục chấm dứt hợp đồng BOT, đã phát sinh vướng mắc trong quá trình tính toán thanh lý hợp đồng.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Xuân Cường cho biết, đối với các dự án BOT giao thông đang tạm dừng hoạt động trên địa bàn tỉnh, thời điểm thanh lý hợp đồng, bàn giao lại cho cơ quan nhà nước không trùng với thời điểm hoàn thành thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản dẫn đến các cơ quan liên quan chưa tiếp nhận được công trình trong khi doanh nghiệp làm chủ đầu tư dự án đã dừng thu phí. Từ thời điểm cơ quan nhà nước đã tiếp nhận công trình đến khi hoàn thành thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản thường kéo dài nên chưa đủ cơ sở pháp lý để bố trí kinh phí bảo trì cho công trình.

Trong khi đó, Nghị định 29/2018/NĐ-CP (gọi là Nghị định 29) ngày 5-3-2018 về trình tự thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân lại quy định, trong thời gian tạm thời chờ bàn giao tài sản của nhà đầu tư chuyển giao lại cho Nhà nước hay còn gọi là sở hữu toàn dân, Bộ GT-VT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam chịu trách nhiệm bảo quản tài sản. Nguồn kinh phí bảo quản được lấy từ ngân sách nhà nước.

Đại diện lãnh đạo Cục Quản lý đường bộ IV thì cho rằng, mặc dù cơ chế đã có nhưng Nghị định 29 lại chưa hướng dẫn cụ thể việc bảo quản tài sản là kết cấu hạ tầng giao thông trong thời gian đã tiếp nhận đến khi hoàn tất thủ tục chuyển giao tài sản sở hữu toàn dân. Điều này cũng phần nào gây khó khăn khi phân quyền thực hiện công tác duy tu, bảo trì các dự án BOT giao thông.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đồng Nai, dự án Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1K (đoạn qua địa phận tỉnh 3 tỉnh, thành: Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM) theo hình thức hợp đồng BOT đã tạm dừng thu phí từ ngày 31-10-2020. Tuy nhiên, đến nay, nhà đầu tư, doanh nghiệp làm chủ đầu tư dự án chưa hoàn tất các thủ tục chuyển giao công trình, chưa thực hiện các công việc liên quan quyết toán hoàn thành các hạng mục thuộc phương án tài chính của dự án nên chưa xác định được thời điểm kết thúc dự án theo quy định của hợp đồng BOT.

Với dự án Đầu tư xây dựng cầu Đồng Nai mới và tuyến hai đầu cầu từ ngã ba Tân Vạn đến điểm cuối tuyến tránh TP.Biên Hòa đã tạm dừng thu phí từ ngày 24-8-2020, đến nay, Công ty CP Đầu tư và xây dựng cầu Đồng Nai lại chưa hoàn tất các thủ tục chuyển giao công trình nên chưa xác định được thời điểm kết thúc dự án theo quy định của hợp đồng BOT. Lý do được phía các đơn vị này đưa ra là do các khó khăn về mặt tài chính không thể tiếp tục quản lý, bảo trì công trình.

* Vướng ở đâu, gỡ ở đó

Mới đây, Bộ GT-VT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ chịu trách nhiệm tiếp nhận, bảo quản công trình thuộc dự án từ khi dừng thu phí đến lúc hoàn tất thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản. Chi phí cho công tác bảo quản bao gồm: bảo quản, sửa chữa thường xuyên và sửa chữa đột xuất và các chi phí khác liên quan đảm bảo công trình vận hành an toàn.

Bộ trưởng GT-VT Nguyễn Văn Thể cho rằng, vướng mắc chính vẫn là chưa có quy định cụ thể về việc bảo trì, thanh toán và tiếp nhận các dự án BOT giao thông khi đang thu phí mà phải tạm dừng hoạt động. Do đó, thời gian qua, Bộ GT-VT đã làm việc với Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan để tìm cách giải quyết theo hướng vướng ở đâu thì gỡ ở đó.

Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính khẩn trương xem xét, hướng dẫn Bộ GT-VT thực hiện việc tiếp nhận, quản lý, bố trí kinh phí bảo quản, bảo trì các công trình thuộc dự án BOT đến khi hoàn tất thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản, bảo đảm an toàn trong khai thác, vận hành công trình và theo quy định của pháp luật. Hiện Bộ Tài chính đang triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với đề nghị của Tổng cục Đường bộ Việt Nam về việc tiếp nhận quản lý, bảo quản, bảo trì tài sản công trong thời gian chuyển giao dự án, Bộ GT-VT yêu cầu cần nghiên cứu kỹ quy định, quy trình của pháp luật về tiếp nhận và thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản, tổ chức tiếp nhận đúng quy định pháp luật; cũng như hoàn tất các thủ tục cần thiết, xây dựng phương án xử lý tài sản trình Bộ GT-VT phê duyệt. Chi phí cho công tác này thực hiện theo quy định của Nghị định 29 của Chính phủ và các quy định pháp luật có liên quan.

* Giám sát chặt dự án BOT

Những vướng mắc về cơ chế bảo trì các dự án BOT giao thông bị dừng thu phí hay quy trình đầu tư, khai thác các dự án giao thông thực tế đã được đề cập trong một thời gian dài. Trong đó, vấn đề mà dư luận đang đặt ra là cần có sự giám sát chặt chẽ hơn nữa đối với dự án BOT để tăng tính minh bạch về mức thu phí, tổng mức đầu tư và thời gian thu phí hoàn vốn của các dự án.

Người dân P.Tân Hạnh (TP.Biên Hòa) thường xuyên xịt nước trên bề mặt đường Bùi Hữu Nghĩa để giảm khói bụi khi xe cộ qua lại đông đúc mỗi ngày. Ảnh: Võ Nguyên
Người dân P.Tân Hạnh (TP.Biên Hòa) thường xuyên xịt nước trên bề mặt đường Bùi Hữu Nghĩa để giảm khói bụi khi xe cộ qua lại đông đúc mỗi ngày. Ảnh: Võ Nguyên

 Với các tồn tại cần giải quyết của các công trình giao thông đầu tư theo hình thức ВОТ đã và đang triển khai, ngày 26-6-2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 83/NQ-CP nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.

Nghị quyết số 83/NQ-CP yêu cầu các bộ, ngành hoàn thiện việc rà soát tổng thể về vị trí đặt trạm, chính sách miễn giảm giá tại tất cả các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ và quản lý doanh thu chặt chẽ để có những giải pháp đồng bộ, kịp thời, thống nhất, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng; xây dựng mức phí phù hợp, áp dụng công nghệ tiên tiến (thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức tự động không dừng); đảm bảo việc thu phí gắn với đoạn đường thực tế được đầu tư và người dân có quyền lựa chọn giữa việc sử dụng dịch vụ không phải trả phí và dịch vụ phải trả phí.

Đặc biệt, từ năm 2019, triển khai đồng bộ thu phí dịch vụ không dừng đối với tất cả các tuyến quốc lộ được đầu tư theo hình thức BOT trên cả nước. Trong đó, cần xây dựng và ban hành khung tiêu chuẩn chung làm cơ sở thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng, tránh tình trạng độc quyền trong thu phí dịch vụ, giám sát doanh thu của các trạm và bảo đảm tính cạnh tranh, công khai, minh bạch trong hoạt động thu phí.

Ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ - môi trường và hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho rằng, để tránh tình trạng bất cập như đã xảy ra trong thời gian qua, cần giám sát chặt các dự án BOT giao thông từ các quy định pháp luật một cách cụ thể đến ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý. Việc Chính phủ bắt buộc lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng một cách đồng bộ ngay vừa mới đầu tư, khai thác hạ tầng giao thông là rất hợp lý.

Rõ ràng, nhằm đáp ứng nhu cầu rất lớn về đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông luôn phải đi trước một bước, thì hình thức đầu tư BOT được xem là một trong những lối ra khả dụng, thích hợp. Song, để các dự án BOT giao thông phát huy hết các lợi thế vốn có thì rất cần những quy định chặt chẽ về tiêu chí lựa chọn dự án phù hợp, hiệu quả để doanh nghiệp vừa có lãi, Nhà nước "nhẹ gánh" đầu tư và người dân chỉ trả một mức phí hợp lý khi đi trên các con đường BOT.

Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu các chủ đầu tư dự án BOT giao thông thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông trên công trình đang khai thác; rà soát các vị trí mất an toàn giao thông để cập nhật và khắc phục tại các dự án sửa chữa đang thực hiện và sẽ thực hiện. Bộ Tài chính sớm ban hành các văn bản, quy định pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn bảo trì cho các dự án BOT đang tạm dừng thu phí.

Võ Nguyên

Tin xem nhiều